BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017
Đã lâu lắm rồi, tôi không cầm bút, rãi bày những tâm sự thầm kín hay chép lại đoạn đường đời đã qua. Giờ ngồi lặng im ngẫm nghĩ, lòng bỗng thấy nao nao. Thôi thì viết những điều chân thật nhất
Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, ngày cả gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng phút vui chẳng tày gang, 2 tháng sau ngày tôi sinh, mắt tôi có dấu hiệu lạ, gia đình lo lắng đưa đến bệnh viện. Mẹ gần như ngã quỵ, bố mắt cũng rơm rớm, khi nghe kết luận của bác sĩ thoái hóa võng mạc bẩm sinh. Đi suốt cuộc đời không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. Bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu thầy lang, mà người ta mách chữa được cho tôi, mẹ tay bế con tay xách túi, lặn lội đến thăm khám. Bàn chân mẹ không biết mệt mỏi, cố chạy đua với số phận dành dật chút ánh sáng cho đứa con trai. Và bà đã chiến thắng, đến năm tuổi tôi đã nhìn thấy được cuộc đời bằng chút thị lực ít ỏi. Cứ thế tuổi thơ tôi trôi trong yên bình. Có tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, có những phút giây nô nghịch bên lũ bạn, có cả con đường đến trường rợp đầy hoa uyển chi, nhụy vàng cánh trắng. Nhưng cuộc đời đâu phải toàn màu hồng, đâu phải toàn niềm vui và hạnh phúc. Tuổi 15 tràn ngập sức sống, đôi mắt mờ dần và cuối cùng bị bủa vây bởi bóng đen vô tận. Đối với một đứa con trai mới lớn, đó quả là một cú sốc, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão của tuổi học trò đã sụp đổ. Việc học cũng phải dừng lại. Tôi suốt ngày giam mình trong phòng, nỗi tự ti, mặc cảm khiến tôi khóa chặt cửa lòng. Tách biệt hoàn toàn với bạn bè, xã hội bên ngoài. Đó quả là những ngày đen tối trong cuộc đời tôi.
Đối với tôi, khát khao đọc viết luôn bừng cháy. Đó là động lực, để tôi bước chân đến lớp học dạy chữ nổi do quận hội người mù tổ chức. Từ đó cuộc đời tôi đã sang trang, mà chính chữ nổi đã vẽ lên những gam màu tươi sáng lên trang mới của cuộc đời ấy. Chữ nổi hay chữ braille là ngôn ngữ chính của người khiếm thị. Chữ là sự biến đổi thêm bớt của sáu chấm nhỏ, bằng cách quy ước ký tự mà người ta có thể đọc viết. Ví dụ chỉ có một chấm sẽ là chữ a, có chấm một, chấm hai sẽ là chữ b,...Lần đầu tiên tiếp xúc với chữ nổi là cả một sự mới mẻ với tôi. Bước đầu học chữ thật khó khăn. Những dòng chữ chật vật lắm mới viết được vẫn sai vị trí. Bàn tay vụng về lướt trên những chấm nhỏ li ti, mà chẳng hiểu chữ gì. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, nằm vật xuống giường, bàn tay mỏi nhừ, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhiều lúc tự thấy mình bất tài, vô dụng, nước mắt tủi hổ dâng trào. Nhưng những cuộc điện thoại từ gia đình, tiếng nói ấm áp của mẹ, giọng nói thân thương của cha như một liều thuốc tinh thần, vực dậy quyết tâm vốn đã rã rời. Sau giờ học, với sự kèm cặp thêm từ bạn bè, tôi dần viết, đọc được kí tự rồi từ rồi cả một dòng cuối cùng đọc viết thành thạo. Điều đầu tiên mà chữ nổi mang lại cho tôi là sự tự tin, xóa tan mặc cảm. Có lẽ giờ đã đọc viết, tức là đã lấy lại được một phần chức năng của người sáng mắt, việc vươn lên để bình đẳng với họ đã tiến thêm một bậc. Đó là khởi đầu để tôi có dũng khí bước ra cuộc đời.
Chỉ sáu chấm nhỏ, nhưng chữ nổi đã biến hóa, để có thể ghi chép tất cả các môn học. Từ các kí hiệu trong toán học, hóa học, đến khóa son, cung đô ở âm nhạc. Trở thành phương tiện giúp tôi ghi chép bài học trên giảng đường. Đọc sách, viết văn cũng là phương pháp giải trí hữu hiệu, làm cuộc sống tôi tươi đẹp hơn. Việc học chữ braille, mang một ý nghĩa rất to lớn. Làm thay đổi quan niệm của người khiếm thị về việc tiếp nhận thông tin, kiến thức. Cũng như trước đây, chuyện đọc sách, viết chữ, là điều không tưởng với người mù, nay đã trở nên phổ biến.
Nó đã trở thành chữ viết chính của người khiếm thị, giúp họ tiếp cận với sách – một điều không tưởng với người khiếm thị như tôi. Ai cũng hiểu được tầm quan trọng của sách, sách là kho tri thức khổng lồ của nhân loại, là nơi tổng hợp những kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sách cũng làm giàu đẹp thêm tâm hồn của mỗi người. Chính chữ nổi là chiếc cầu nối, đưa người khiếm thị đến những giá trị tốt đẹp ấy.
Nhiều người khiếm thị như tôi nhờ chữ nổi mà có niềm tin, hòa nhập với cộng đồng, trở thành nguồn lao động cho xã hội. Họ những người đã được chữ nổi giúp đỡ, sẽ lại là những người thầy, người cô, truyền đạt chữ nổi cho người khác. Số lượng người sẽ nhân lên, từ đó sẽ đưa cộng đồng khiếm thị trở nên lạc quan, giúp cộng đồng hòa nhập với cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Còn nhiều, nhiều nữa vô vàn những tác dụng thần kì mà không thể kể hết. Chữ braille như một cơn mưa tưới mát mảnh đất ước mơ vốn đã khô cằn, không còn sức sống. Từ đây mầm non của hy vọng cứ nảy nở , xanh tốt. Bước chân xa rời mảnh đất quê hương, hòa mình vào nhịp sống sôi động đất Hà Thành. Tôi làm thêm việc tẩm quất, để phục vụ ước mơ chinh phục thành công cánh cổng đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn
Chữ braille quả thật là ánh sao rọi sáng con đường đời mịt mờ, là phương tiện giúp tôi hoàn thành ước mơ còn dang dở. Tiếng rào rào tựa mưa rơi dần lặng, ngồi đây đọc lại lòng thầm cảm ơn tất cả, chợt mỉm cười mãn nguyện.
Nguyễn Đức Nghị - Hội người mù Quận Đống Đa
Newer news items:
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:54
- Tầm quan trọng và việc ứng dụng một cách sáng tạo chữ Braille trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:50
- Ngọn đuốc “thắp sáng” tương lai người khiếm thị - 10/01/2018 07:48
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù - 22/08/2017 07:35
- NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ CƠ HỘI TRONG CUỘC ĐỜI TÔI - 16/08/2017 03:59