BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017
Khóe môi bất giác cong lên thành một nụ cười rạng rỡ. Tâm trạng tôi giờ phút này thực sự là vô cùng vui vẻ. Tôi vừa nhận được điện thoại của một người bạn ở trường cấp hai để xin ý kiến từ những kinh nhiệm tôi đã trải qua. Cô bé ấy đang chuẩn bị bước vào lớp mười. Nghe những lời tâm sự chứa đầy nỗi hoang mang và lo lắng của cô bé khiến tôi lại nhớ tới hoàn cảnh của chính mình hai năm trước. Khi đó, tôi cũng đã băn khoăn, đã suy nghĩ thật nhiều cho tương lai.
Sinh ra với đôi mắt không thấy rõ ánh mặt trời, tôi cứ ngỡ bản thân là một kẻ bất hạnh. Nhưng lớn lên, tôi mới biết thực ra chính mình vẫn là một người may mắt. Ngay từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ đưa tới thành hội người mù Hà Nội để tham ra vào một lớp tiền hòa nhập. Ở nơi đây, tôi đã được tiếp cận với hệ thống chữ nổi (Braille.) Mãi cho tới nhiều năm sau này, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác kì diệu khi những đầu ngón tay mình chạm lên những dòng chữ thần kì ấy. Đó có lẽ là linh cảm tới từ vận mệnh. Tôi nhận thức rõ đây chính là thứ sẽ khiến cuộc đời mình thay đổi. Khi lớn hơn một chút, nhờ có sự giúp đỡ của thành hội, tôi được chuyển tới trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu để theo học. Đây thực sự là một môi trường hòa nhập rất tuyệt vời cho trẻ khiếm thị. Tôi không những có thể học văn hóa mà còn được tạo điều kiện để phát triển các môn năng khiếu. hơn nữa tôi cũng được tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại dành cho người khiếm thị. Không chỉ có vậy, trong thời gian này tôi còn được tham ra sinh hoạt tạc huyện hội người mù Ứng Hòa. Ở nơi đây, tôi được làm quen với những con người đầy nghị lực cùng cảnh ngộ. Họ luôn sẻ chia cùng tôi những kinh nghiệm trong cuộc sống và giúp tôi có thêm hi vọng vào ngày mai. Thời gian năm tháng chảy trôi, tôi đã trưởng thành trong vòng tay yêu thương của gia đình, trong sự dạy dỗ của thầy cô và sự quan tâm của xã hội. Sau sáu năm học tập tại trường, tôi đã là một học sinh cuối cấp. Đối với những học sinh bình thường có lẽ đây là mốc thời gian không có gì cần quá bận tâm nhưng đối với trẻ khiếm thị thì nó lại thực sự là một bước ngoặt quan trọng. Là nghỉ học để đi làm hay là tiếp tục tới trường? Nếu đi làm thì có thể làm gì? Mà đi học thì học ở đâu? Học như thế nào? Từng câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi khiến cho tôi có chút hoảng loạn. Tôi ép mình phải bình tĩnh để suy nghĩ vấn đề một cách nghiêm túc và lí chí. Trong hai con đường ấy tôi buộc lòng phải chọn riêng cho mình một lối đi. Sau nhiều ngày cân nhắc và tham khảo kinh nhiệm của những người đi trước tôi đã đưa ra quyết định là bản thân sẽ tiếp tục con đường học vấn. Nếu ví bản thân là một đóa hướng dương thì tôi cũng hiểu rõ tri thức chính là ánh sáng mặt trời rực rỡ nhất mà đời này tôi ước vọng. tuy nhiên khi đã đưa ra được sự lựa chọn rồi thì tôi lại nhận thấy có vô số vấn đề phát sinh. Trong địa bàn Hà Nội không có một trường trung học phổ thông nào đào tạo học sinh khiếm thị với mô hình giống ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Vận thì tôi sẽ học ở đâu? Môi trường mới liệu có đón nhận một học sinh khiếm thị như tôi? Không có đầy đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập, tôi sẽ học như thế nào? Liệu rằng tôi có thể hòa nhập với bạn bè khi mà cả trường chỉ có mình tôi là người khiếm thị? Nỗi hoang mang và lo lắng khiến tôi gần như muốn bỏ cuộc. Tôi sợ mình không thể vượt qua những áp lực đó. Nhưng rồi sau đó tôi lại nghĩ về những thế hệ đi trước. Trong đó có vô số những tấm gương mà tôi ngưỡng mộ. Tôi nhớ đến một người thầy khiếm thị đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong cuộc đời của tôi là cô Đỗ Lê Na-giáo viên môn ngữ văn của trường Nguyễn Đình Chiểu. Trong lòng tôi, cô là một người phụ nữ kiên cường, có ý chí và luôn sống có lí tưởng. Tôi lại nghĩ về một con người mà phong thái ung dung cùng thái độ làm việc tự tin, vững vàng đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng tôi. Đó là chú Lê Trung Quyết - chủ tịch thành hội người mù Hà Nội. Rồi tôi nhớ tới nhà báo khiếm thị Nguyễn Tiến Thành. Anh giống như một người anh trai tuyệt vời luôn giúp đỡ tôi khi tôi gặp khó khăn. Tôi luôn có thể tìm thấy cho mình những bài học bổ ích từ sự linh hoạt trong cách xử lý tình huống của cuộc sống và trong những bài viết đầy tâm huyết của anh. Và tôi còn nhớ tới nhiều những con người khác như: chị Đào Thu Hương-thủ khoa khoa tiếng Anh của đại học sư phạm Hà Nội, nghệ sĩ Hà Chương, nhà báo Hoàng Văn Lý,……… trong những tấm gương này có những người chưa từng đi qua cuộc đời tôi nhưng thành công của họ, sự nỗ lực của họ vẫn làm tôi khâm phục. Có lẽ căn bản là cuộc sống này không có khó khăn, không có khổ cực, tất cả chỉ là thử thách mà thôi. Và niềm tin trở lại trong tôi. Thật là sai lầm nếu cho rằng không nhìn thấy ánh mặt trời là một điều vô cùng bất hạnh. Đối với tôi, ánh sáng không chỉ tới từ vầng thái dương của tự nhiên mà còn có thể tới từ trái tim biết sống có ý nghĩa. Và cũng thật thiếu đúng đắn nếu cho rằng người khiếm thị thì khó có cơ hội được thể hiện bản thân trong cuộc sống. Không phải là xã hội không tạo điều kiện mà là những người khiếm thị có đủ can đảm, niềm tin để đi qua mọi thử thách mà đón nhận cơ hội đó hay không. Tôi biết rằng tôi nhất định sẽ thành công nếu như tôi đủ cố gắng.
Giờ đây, tôi đã là học sinh lớp mười một của trường trung học phổ thông Yên Hòa. Từ đó đến nay, không phải là tôi chưa từng cảm thấy mệt mỏi và nản lòng mà chỉ là tôi luôn cố gắng sử lí mọi vấn đề bằng thái độ lạc quan nhất có thể. Đôi khi tôi cũng bị hiểu lầm, bị đánh giá sai nhưng thay vì tức giận hay chỉ biết về nhà than thở thì tôi sẽ cố gắng nói cho những người xung quanh tôi có thể hiệu tôi hơn. Những người mắt sáng, họ không bị khiếm thị, không sống trong hoàn cảnh mất đi ánh sáng mặt trời thế nên có đôi lúc họ nhìn nhận về người khiếm thị không chính xác cũng là truyện bình thường. Thay vì cứ chờ đợi sự giúp đỡ và những cơ hội viển vông thì tại sao người khiếm thị chúng ta không chủ động hòa nhập? Chúng ta cũng là một thành phần của xã hội, xã hội sẽ tạo điều kiện cho chúng ta nếu chúng ta đủ nỗ lực. Với một thái độ lạc quan và chủ động trong học tập cũng như trong hoạt động ngoại khóa, hai năm học tại trường Yên Hòa tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thầy cô và bạn bè của tôi dần thấu hiệu tôi. Họ cũng dành cho tôi những cơ hội thật sự quý giá. Bây giờ, tôi đã dung nhập vào tập thể như những bạn mắt sáng. Một năm nữa, tôi sẽ tiến vào cánh cổng đạt học. Sau khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm, tôi sẽ thực sự bước vào đời. tôi tin rằng bản thân sẽ đạt được ước mơ của mình. Ngoài xã hội đang có vô số cơ hội chờ tôi thử sức.
Còn đang mải suy tư thì đồng hồ của tôi trật vang lên. Hóa ra đã đến giờ tới trường rồi. Tôi vui vẻ bước ra ngoài để chờ một vài người bạn cùng đi. Cái nắng tươi mới và rực rỡ của một ngày đầu hạ dơi trên mái tóc và vạt áo trắng của tôi khiến cho lòng tôi cũng cảm thấy ấm áp. Nụ cười một lần nữa nở trên môi. Giờ phút này, tôi biết rõ bản thân sẽ không bao giờ bỏ cuộc bởi vì mặt trời chi thức cũng tỏa nắng trong tim tôi.
Nghiêm Thu Loan – Hội người mù Huyện Ứng Hòa
Newer news items:
- NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ CƠ HỘI TRONG CUỘC ĐỜI TÔI - 16/08/2017 03:59
- CHỮ BRAILLE CHẮP ĐÔI CÁNH ƯỚC MƠ TÔI. - 08/08/2017 01:18
- Vượt bao khó khăn, anh chàng khiếm thị tìm thấy ‘đôi mắt thứ 2’ của đời mình - 31/07/2017 04:22
- “NGHỈ HƯU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGHỈ NGƠI” - 25/07/2017 04:06
- Thiên Trường và những khát vọng hòa nhập - 17/07/2017 01:42