BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017
Bạn đã bao giờ có cảm giác từ trên cao rơi xuống vực thẳm chưa? Nếu phải như thế thì chắc chắn bạn cảm thấy tuyệt vọng. Đó là tình cảnh của tôi cách đây hơn ba mươi năm. Khi mới bước vào tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, với bao ước mơ, hoài bão lại đang sống và làm việc ở một đất nước khá phát triển nhưng chỉ sau cơn bão bệnh tôi đã chìm trong bóng tối, cánh cửa tương lai đóng sập lại.
Phải sống trong mịt mùng của màn đêm tôi mới thấm thía trân trọng giá trị cuộc sống. Không thể buồn chán mãi được, tôi bắt đầu từ những công việc giản đơn; thoạt đầu tôi làm cứ hỏng cái này lại vỡ cái kia. Người thân gạt nước mắt không muốn để tôi phải sờ mó mấy việc mà người sáng mắt làm chỉ một thoáng là xong. Nhưng tôi nghĩ: “Cha mẹ đâu sống mãi cùng mình”.! Thế là tôi kiên trì làm đi, làm lại. Chẳng bao lâu mọi việc trong nhà như chăm sóc con cái, bếp núc, chăn nuôi… tôi làm một cách khá thuần thục. Đôi khi “cao hứng” còn cảm thấy thú vị khi làm việc trong bóng tối. Chính những công việc giản đơn đã mang lại cho tôi niềm vui, sự khéo léo, tính kiên trì, nhẫn nại. Điều đó có tác dụng thiết thực cho công tác quản lý của tôi sau này.
Năm 1991, tôi tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội. Đây chính là cơ hội thuận lợi và là nơi chắp cánh để tôi phát huy khả năng còn lại, phấn đấu và cống hiến.
Làm việc giữa những người đồng tật, tôi thấy có nhiều thuận lợi vì mình hiểu và đồng cảm với những khó khăn của người khiếm thị, được nói lên tiếng nói của người mù nên tôi tiếp cận công việc không mấy bỡ ngỡ. Thực tế mách bảo tôi cần lập trình cho mình một kế hoạch công tác khoa học, chi tiết, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, sâu sát với quần chúng.
Tôi nhận thấy mặt bằng dân trí của người khiếm thị còn thấp. Do đó dưới nhiều hình thức chúng tôi đã xã hội hoá để có kinh phí mở hàng chục lớp xoá mù chữ brai, nâng cao, dạy vi tính. Chính tôi cũng là người trực tiếp gieo mầm ánh sáng cho gần trăm hội viên. Trong thời gian này tin học như một thứ ánh sáng huyền diệu lan tỏa đến với người khiếm thị. Không chần chừ, tôi đã mày mò học cách sử dụng máy vi tính có phần mềm hỗ trợ đọc màn hình. Giờ đây ngoài chữ brai, tôi có thêm một trợ thủ đắc lực đó là chiếc máy tính. Từ đây tôi chủ động trong công việc như soạn thảo các loại văn bản, xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chức, viết tin bài, thường xuyên nghiên cứu các văn bản pháp quy và tham mưu với lãnh đạo, ngành chức năng để những chính sách ưu việt sớm đến với tổ chức Hội và đi vào cuộc sống của người khiếm thị. Cũng nhờ máy tính mà tôi đã tham khảo, học hỏi được nhiều điều để áp dụng vào cuộc sống thường ngày, dạy dỗ và hướng nghiệp cho các con.
Tuyên truyền hoạt động Hội là mảng công việc mà tôi đầu tư khá nhiều trí lực và thời gian. Với vốn liếng là những bài thơ, những đoạn trích giảng văn học tiếp thu được từ hồi trên ghế nhà trường và tư liệu chắt lọc qua thực tế. Tôi miệt mài tập viết với niềm tin sẽ được hái trái ngọt đầu mùa. Viết rồi lại xóa, không ít bài phải viết đi viết lại cả chục lần. Đến nay tôi đã có hàng trăm tin, bài được đăng tải. Nhiều lần tôi rất xúc động khi được nhận các giải thưởng của Tạp chí Đời Mới, báo Hà Tây trước kia…
Sau một phần ba thế kỷ sống trong bóng tối bao la, tôi nhận ra một điều: màn đêm chỉ là một phần của cuộc sống. Không gì cản được bước tiến của con người nếu bạn kiên trì, quyết tâm và lạc quan. Tôi luôn tâm đắc với câu nói “ Hãy thắp lên ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.
Đàm Quyết Tiến – Hội người mù Huyện Phúc Thọ
Newer news items:
- CHỮ BRAILLE CHẮP ĐÔI CÁNH ƯỚC MƠ TÔI. - 08/08/2017 01:18
- Vượt bao khó khăn, anh chàng khiếm thị tìm thấy ‘đôi mắt thứ 2’ của đời mình - 31/07/2017 04:22
- “NGHỈ HƯU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGHỈ NGƠI” - 25/07/2017 04:06
- Thiên Trường và những khát vọng hòa nhập - 17/07/2017 01:42
- Mặt trời tri thức - 07/07/2017 03:03