Mỗi người một số phận, mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng nếu biết vượt lên sự nghiệt ngã của số phận và điều trớ trêu của hoàn cảnh để xây dựng một gia đình hạnh phúc thì ta càng thấm thía giá trị cao đẹp của cuộc sống mến yêu này.
Ảnh: Gia đình anh Hoàng Văn An
Đó là tâm sự của anh Hoàng Văn An 38 tuổi ở thôn Nghĩa Lộ xã Võng Xuyên - hội viên Hội Người mù huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội. Gia đình có nhiều người khiếm thị nhất ở huyện Phúc Thọ. Rất nhiều kỷ lục mà người ta mong ước đạt được, nhưng cũng có những kỷ lục buồn mà không ai muốn chạm tới… Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố và anh trai đều là người khiếm thị. Đến tuổi trưởng thành hai anh em kết hôn và hai nàng dâu cũng là người khiếm thị. Hai đứa con của anh trai có đôi mắt sáng long lanh… Nhưng con gái của vợ chồng anh An thì không được may mắn lắm. Cả hai mắt cháu đều bị giảm thị lực. Thành thử trong nhà có đến sáu người khiếm thị.
Xây dựng hạnh phúc từ trong nghèo khó.
Trước đây mọi việc trong nhà hầu như dồn cả lên đôi vai gầy của người mẹ, cuộc sống gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Đến năm anh trai lên tám tuổi thì được theo học ở trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Hiện nay đang làm việc tại Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Năm 2005, anh An được đào tạo nghề xoa bóp bấm huyệt ở Hội Người mù tỉnh Hà Tây trước kia. Trong quá trình làm việc anh gặp gỡ và bén duyên với chị Trần Thị Liên quê ở Hưng Yên. Vừa là bạn đồng tật, vừa là bạn đồng nghiệp nên anh chị thấy có nhiều điểm chung. Khi con tim đã cùng nhịp đập anh chị đã chính thức về chung một nhà vào tháng 10 năm 2012. Sau nhiều năm làm việc trong các cơ sở Tẩm quất Cổ truyền ở Hưng Yên,Hà Nội…Do có tay nghề cao, đạo đức nghề nghiệp tốt nên cả hai anh chị đều được nhận vào làm việc tại “ Trung tâm Phục hồi Chức năng và Dạy nghề cho người mù trẻ Hà Nội” . Vốn là những người siêng năng, cần cù nên anh chị luôn làm việc bằng cả sự đam mê và nhiệt tình. Anh chị thường làm hết khung giờ quy định của Trung tâm, có lúc đến 10-11 giờ đêm. Chân tay mỏi rã rời. Những lúc như vậy vợ chồng lại động viên nhau vượt qua nỗi vất vả thường nhật. Chắt chiu, tằn tiện nên hàng tháng anh chị cũng dành ra vài triệu gửi về giúp đỡ bố mẹ trang trải, sửa chữa nhà cửa khá khang trang, mua sắm nội thất tương đối đầy đủ.
Đứa con gái là niềm vui nguồn hạnh phúc vô bờ của họ. Ngoài việc học văn hóa anh chị còn đầu tư cho con học thêm ngoại ngữ,học vẽ… Cháu luôn là học sinh giỏi xuất sắc của lớp. Điều anh chị vui hơn cả mỗi khi nhắc đến cháu là ngay từ tấm bé cháu đã biết thương bố mẹ, lễ phép với thầy cô giáo, kính trọng ông bà và mọi người xung quanh.
Nụ cười xua tan bóng tối.
Những lúc cơ hàn cũng như khi cuộc sống vật chất và tinh thần của gia đình đã được cải thiện tiếng cười luôn đầy ắp trong nhà. Đại gia đình luôn sống hòa thuận, mọi thành viên cùng thương yêu, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau. Anh chị luôn là tấm gương cho cô con gái bé nhỏ về nghị lực sống, là người con hiếu thảo và là một hội viên gương mẫu, một công dân sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Đàm Quyết Tiến
HNM huyện Phúc Thọ
Newer news items:
- Lời Bác dạy “không có việc gì khó” đã trở thành động lực - 05/10/2022 08:03
- CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG - 26/08/2022 07:16
- Cô bé khiếm thị An Như - 17/08/2022 08:08
- TẤM GƯƠNG VƯỢT KHÓ CỦA NGƯỜI THƯƠNG BINH NẶNG - 21/07/2022 02:10
- Phụ nữ khiếm thị chăm sóc mẹ khiếm thính vượt qua Covid-19 - 28/06/2022 09:00