Anh là Nguyễn Hồng Phong sinh năm 1954 ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em, đến tuổi trưởng thành năm 1971, đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt, anh đã tự nguyện xin lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau 5 năm tham gia chiến đấu không may anh đã bị thương với tỷ lệ 83 % sức khỏe, anh được đưa về trại điều dưỡng thương binh và sống ở đó đến năm 1993, khi sức khỏe hồi phục anh đã đề nghị được về gia đình để sống với vợ con. Mặc dù vết thương trên đầu luôn trở chứng, làm anh đau đớn khi trái gió trở trời và thị lực rất kém, nhưng với ý chí mạnh mẽ của một người lính không cam chịu anh đã tự nhủ mình phải cố gắng vươn lên để làm chỗ dựa tinh thần cho vợ con và các em. Vì vậy anh đã tìm tòi mọi công việc phù hợp với khả năng của mình và cố gắng để đưa kinh tế gia đình phát triển. 

Ảnh: Người thương binh giàu nghị lực

Khi Hội Người mù huyện Mỹ Đức đến thăm và vận động anh vào sinh hoạt Hội, anh Phong đã vui vẻ tham gia ngay và anh cũng là một trong những hội viên thời kỳ đầu.Vào Hội, anh vẫn luôn giữ vững bản chất người lính: Mạnh mẽ, quyết đoán, nói là làm; Khẳng định rõ nét một tấm gương vượt khó, chủ động vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, thực hiện đúng lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Với những nỗ lực của mình, anh Phong được cán bộ, hội viên HNM Mỹ Đức tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Huyện hội các khóa III, IV,V và suốt thời gian công tác, anh đã có nhiều công lao đóng góp trong các phong trào phát triển của Hội.  Ngoài ra anh còn làm Trưởng ban liên lạc Hội thương binh tình nghĩa huyện Mỹ Đức, một tổ chức của thương bệnh binh trong huyện; Ở đây anh đã cùng đồng đội có nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi động viên và giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Ảnh: Tích cực tham gia lao động sản xuất 

Gặp và tiếp xúc với anh, tôi luôn thấy anh là một người lạc quan không cam chịu số phận, là một người rất chịu khó tìm tòi những công việc để phát triển kinh tế, mặc dù là một thương binh nặng có được sự hỗ trợ của nhà nước đảm bảo cuộc sống của mình nhưng anh không hề ỷ lại vẫn luôn tích cực tham gia lao động và sản xuất, kinh doanh để làm gương cho mọi người. Anh tâm sự: “Mình làm vừa là để rèn luyện sức khỏe, vừa để giúp vợ con có thêm thu nhập khiến cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”. Những hành động và suy nghĩ giản dị như vậy chính là thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với thương binh nói riêng và người mù nói chung. Tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế” của anh Phong thật đáng để mọi người học tập.

 

        Nguyễn Ngọc Nhuận-HNM Mỹ Đức