“Không hiểu sao bất hạnh lại cứ bủa vây tôi? Có lúc cũng khiến tôi chán chường, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng khi tĩnh tâm lại tôi thấy mình đang gánh nhiều trách nhiệm lắm. Bổn phận của người con, lại vừa là cha, vừa là mẹ, là bà và hơn thế là trọng trách của người đứng đầu một tổ chức của người đồng tật thế là tôi lại đứng lên bước tiếp…”

Đó là lời tâm sự gan ruột của chị Đinh Thị Minh Luyến - Chủ tịch Hội người mù huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội.

Ảnh: bà Đinh Thị Minh Luyến - HNM Huyện Mỹ Đức

 

Quãng đời hạnh phúc ngắn ngủi.

Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm chũng thuộc thôn Vạn Phúc, xã Vạn Kim huyện Mỹ Đức ngoại thành Hà Nội. Cũng như bao thôn nữ trong làng, học hết lớp 7, ở nhà giúp mẹ việc đồng áng. Thế rồi duyên trời đã dịnh, trong một lần đi trẩy hội chùa Hương chị quen một anh chàng ở làng bên. Chẳng bao lâu hai người nên duyên vợ chồng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 5 năm sau ngày cưới, anh chị đã có với nhau 2 đứa con. Những đứa trẻ là động lực tinh thần khiến chị “một nắng, hai sương” làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng mà vẫn vui vẻ. Nhưng rồi biến cố đã ập xuống. Sau cơn bạo bệnh hai mắt chị vĩnh viễn mất đi nguồn sáng cuộc đời. Đất dưới chân chị như sụt xuống...

Khổ đau nối tiếp khổ đau.

Bỗng chốc chị trở thành người mù lòa, anh chồng – người đầu gối tay ấp bấy lâu dứt gánh ra đi tìm hạnh phúc mới để lại cho chị một nách hai đứa con thơ dại và ngôi nhà chỉ đủ che nắng. Chứng kiến cuộc sống của mẹ con chị ai cũng cám cảnh. Người mẹ khiếm thị và hai đứa con sống lay lắt qua ngày tháng nhờ vào sự cưu mang của gia đình và bà con lối xóm. Vết thương chưa kịp lên da non thì nỗi đau khác lại ập xuống đầu chị. Năm 2011 chỉ còn đúng một tuần nữa là đứa con gái út sẽ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học không may trượt chân. Dòng sông Đáy vốn hiền hòa là thế đã cuốn đi giọt máu của chị. Nước mắt của tình mẫu tử như dòng sông kia cứ chảy mãi trong lòng người mẹ vốn đã chịu nhiều khổ đau. Nhưng đâu đã hết. Tháng 10 năm 2021 chị phát hiện mình mắc căn bệnh hiểm nghèo. Khi mới nhận được kết luận của bác sĩ chị bị xốc nặng, chẳng còn thiết gì nữa. Nhiều lúc chị đã nghĩ tới việc không chữa bệnh để tránh việc gia đình lại rơi vào cảnh sánh kiệt. Nhưng được sự động viên của các bác sĩ, bố mẹ, anh chị em và bạn bè. Nhất là của vợ chồng đứa con trai duy nhất. Chị nghĩ đến “chữ hiếu” với bố mẹ, trách nhiệm với con cháu. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cơ quan. Tất cả như liều đô pinh giúp chị gắng gượng đứng lên.

Vượt lên bệnh tật và trở thành người có ích cho cộng đồng người khuyết tật địa

phương.

Đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội người mù từ 1999, rồi đến vai trò người đứng đầu tổ chức từ năm 2016. Dù ở cương vị nào chị cũng hết lòng vì công việc, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên, thấu hiểu và sẻ chia khó khăn với bạn đồng tật. Chị đã trực tiếp giảng dạy 2 lớp Tiền hòa nhập do Hội người mù tỉnh Hà Tây trước kia tổ chức cho 50 trẻ em khiếm thị nhằm trang bị cho các cháu vốn kiến thức nhất định trước khi đi học hòa nhập với học sinh sáng mắt. Trực tiếp vận động tài trợ để đơn vị mở một lớp dạy chữ và đàn hát cho 20 người khiếm thị. Cùng Ban chấp hành Huyện hội làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư cho nhiều hội viên vay vốn quỹ quốc gia giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Chị cho biết: “Điều tôi vui nhất là trình độ dân trí của người khiếm thị đã được nâng lên. Hiện nay toàn Huyện hội không còn hộ nghèo nữa!”

Ảnh: bà Đinh Thị Minh Luyến phát biểu tại hội nghị

Đến nay chị đã điều trị được hơn một năm. Gian nan và vất vả trong cuộc hành trình đi tìm sự sống. Cứ một tháng chị lại phải truyền hóa chất một đợt kéo dài vài ba ngày. Lần nào cũng vậy trước khi đi chị chủ động sắp xếp công việc gia đình cũng như ở cơ quan một cách  chu đáo và tỉ mỉ. Vì thế tuy thường xuyên vắng nhà nhưng chị vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù ở đâu chị vẫn đau đáu nhớ về những người đồng tật. Bằng các mối quan hệ chị tích cực kết nối các doanh nghiệp, các nhà thiện nguyện tạo nguồn lực để chăm sóc đời sống hội viên nhất là mỗi khi tết đến xuân về. Không chỉ là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với người khiếm thị mà chị còn giúp hàng trăm người khuyết tật ở các dạng tật khác và nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhận những gói quà mang đậm tình cảm của cộng đồng.

Chị thổ lộ: “Khi nào trái tim còn đập, còn được cống hiến cho sự nghiệp vì hành phúc của người khiếm thị là tôi còn cố gắng nỗ lực và tự tạo niềm vui, lạc quan yêu đời, vượt lên bệnh tật.”

 

Đàm Quyết Tiến - Hội người mù huyện Phúc Thọ