Sáng ngày 2/10, Hội người mù TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Điển hình tiên tiến – Tổng  kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2015-2020); Phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025”.   

Với hơn 7.000 hội viên, giai đoạn 2015 - 2020, các cấp Hội Người mù Hà Nội đã phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và tổ chức hội phát động. 

Các tập thể nhận bằng khen củaTW Hội

5 năm qua (2015 - 2020), thông qua thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng”, “2 vượt – 4 rèn – 5 phấn đấu”,  gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua do Hội phát động đã thực sự khơi dậy lòng yêu nước, nhiệt tình, sự tự tin, tự trọng của các cán bộ, hội viên  và người lao động trên từng lĩnh vực công tác hội ở từng quận, huyện hội. 

Các phong trào thi đua được triển khai với nội dung toàn diện, thiết thực, có nhiều cách làm hay, sáng tạo nên đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các hội viên Hội Người mù trên khắp toàn thành phố. 

Nhiều tập thể và cá nhân Người khiếm thị ở các quận, huyện hội  cơ sở đã giành được nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi. 

Nhận bằng khen của trung ương cho các cá nhân

Đó là những tấm gương hội viên khiếm thị sản xuất giỏi, chủ trang trại, chủ cơ sở xoa bóp tẩm quất với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu là những chủ cơ sở xoa bóp tẩm quất Nguyễn Văn Đức (Thanh Oai), Lê Văn Tỉnh (Ứng Hòa), Ngô Văn Hiếu (Nguyễn Đình Chiểu) với doanh thu hằng năm đạt hàng tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho hàng chục hội viên khiếm thị khác. Những chủ trang trại tuy thu nhập chưa cao như những người bình thường nhưng họ là đại diện cho ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu nghèo khổ, thực hiện tốt lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác để quyết tâm thoát nghèo giúp cho gia đình, làm giàu cho quê hương như hội viên nguyễn thị ánh nguyệt (ứng Hòa) với mô hình chăn nuôi lợn với 40 lợn sinh sản, 200 lợn  thương phẩm; ông Đặng Văn Cẩn, hội viên hội người mù huyện Phúc Thọ với trang trại bưởi 5 sào bắc bộ thu nhập mỗi năm từ 90-110 triệu đồng và chăn nuôi 30 con lợn thịt; mô hình ao cá gia đình hội viên Phạm văn Thiện (Phú Xuyên) với 4 mẫu ao thầu của thôn, gia đình ông đầu tư thả các loại cá thương phẩm. Sau khi trừ các loại chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. 

Nhiều cán bộ hội vừa giỏi trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội, có sức lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ hội viên, người khiếm thị làm theo; tạo được uy tín, niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền và hội viên khiếm thị cơ sở. Đó là ông Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HNM Thanh Xuân), Đàm Quyết Tiến (Chủ tịch HNM Phúc Thọ), Nguyễn Viết Cường (Chủ tịch HNM Ứng Hòa). 

 

Các tập thể nhận giấy khen của thành hội

Công tác xóa mù chữ nổi (chữ Braill) được Hội đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng vì thực tế chữ nổi Braill là một phương tiện không thể thay thế trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị, để họ hòa nhập, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mở mang kiến thức. Trong 5 năm qua các lớp xóa mù chữ tiếp tục được các đơn vị thành viên tổ chức ngay tại trụ sở Hội. Tổng kinh phí xóa mù chữ do địa phương cấp và do vận động là 203.000.000 tăng so với giai đoạn trước 15%. Để khuyến khích hội viên tham gia học chữ, nâng cao dân trí, Hội người mù Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ bảng bút cho 100% hội viên mới có nhu cầu học tập. Mỗi năm có trên 15 lớp chữ nổi cơ bản dành cho hội viên mới vào hội. Sau khóa học chữ nổi cơ bản hội viên có nhu cầu học tập sẽ được giới thiệu vào các cơ sở học hòa nhập, Các hoạt động xã hội hóa tặng học bổng, hỗ trợ học hòa nhập cho cán bộ, hội viên vẫn tiếp tục duy trì. 

Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” đặc biệt lấy lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” được 100% cán bộ, đảng viên đăng ký tham gia. 

Bên cạnh việc tuyên truyền, tổ chức các phong trào học tập, Hội còn chú trọng xây dựng các gương điển hình, các mô hình kinh tế giỏi, làm theo tấm gương Bác để có sức lan tỏa từ đó nhân rộng ra trong toàn Hội, động viên hội viên cùng nhau thi đua trong học tập và lao động, sản xuất. 

Đồng chí Quyết phát động thi đua

Giai đoạn 2020 - 2025, Hội Người mù TP Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh, tiềm năng, sức sáng tạo của các hội viên, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội. 

Đặc biệt, bám sát nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lớn do Hội Người mù Việt Nam phát động, đó là: “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng”, đặc biệt là “Chương trình hành động việc làm, xoá đói, giảm nghèo” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... 

Tại hội nghị, Hội Người mù TP  Hà Nội đã biểu dương 52 tập thể và  cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. 

Theo http://thanhnienviet.vn/