(HNM Hà Nội) - Ngày 24 tháng 02 năm 2016, 04 cán bộ nhân viên Hội người mù Hà Nội đã lên đường với sự háo hức, xúc động trong chuyến công tác tới Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chuyến công tác có chương trình về thăm gia đình cụ Nguyễn Chí Thiện – người đầu tiên truyền bá chữ nổi ra miền bắc. Để có được chuyến đi thực tế ý nghĩa này, ngay từ ý tưởng ban đầu, những trăn trở lo lắng và cả công sức liên hệ, tạo cơ hội tốt nhất, phù hợp nhất cũng như đảm bảo đạt hiệu quả của chuyến công tác đều do đồng chí Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội. Theo đồng chí Quyết: đây không phải là một chuyến công tác bình thường mà là một chuyến đi giàu ý nghĩa, thực hiện những mong mỏi của những thế hệ người khiếm thị thủ đô với lòng biết ơn sâu sắc gửi tới cụ Nguyễn Chí Thiện.

Câu chuyện của cụ Nguyễn Chí Thiện (1911-1991) lưu trong lịch sử hình thành Hội người mù Hà Nội xin được tóm tắt như sau: 
Đầu thập kỷ 1940, ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, vẫn chưa có trường dạy học sinh mù. Người mù vẫn phải chịu cảnh dốt nát, thất học. Cuối năm 1943, đầu năm 1944, trong cái giá rét mùa đông xứ Bắc, hàng ngày, trên đường phố Hà Nội người ta thấy xuất hiện một thanh niên mù được vợ dắt đi gõ cửa các cơ quan, chính quyền, các hiệu buôn, cửa hàng thuốc, nhà những người có thế lực, từ thiện, hảo tâm… vận động xin mở trường dạy trẻ em và người lớn mù ngoài Bắc. Đó là ông và bà Nguyễn Chí Thiện. Ông Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 13 tháng 06 năm 1911 ở Nam bộ và là con một gia đình trung lưu có học. Thời niên thiếu là một học sinh giỏi, ưa hoạt động và ham thích thể thao. Năm 20 tuổi, khi đang học trung học, trong một lần đá bóng, do một cú đánh đầu quá mạnh, ông bị chấn thương và hỏng hoàn toàn hai mắt. Năm 25 tuổi, ông vào học ở trường công lập cho học sinh khiếm thị ở Sài gòn và là một trong 05 học sinh giỏi của trường. Tại đây, ngoài văn hóa, ông còn học và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau, học nghề xoa bóp và nhiều nghề thủ công. Năm 1942, ông thành hôn với bà Nguyễn Thị Huỳnh, một nữ nhân viên sáng mắt của trường, người sau này gắn bó và góp phần rất lớn vào sự nghiệp của ông. Khi được biết tin ngoài Bắc vẫn chưa có chữ nổi, chưa có trường dạy người mù. Với khát vọng cháy bỏng mang ánh sáng văn hóa đến cho các đồng tật ngoài Bắc, ông Thiện đã cùng người vợ mới cưới, trốn nhà; mang theo một số tiền và tư trang đi cùng đoàn thanh niên xứ Bắc ra Hà Nội, nơi hoàn toàn xa lạ với ông bà để tìm cách mở trường dạy người mù. Ngôi trường mà ông Nguyễn Chí Thiện đã vận động thành lập được mang tên Trường Chuyên nghiệp dạy người mù. 


Về văn hóa, quan trọng hàng đầu nhà trường dạy là viết đọc chữ braille, học đánh vần, tập đọc, viết chính tả; làm các phép tính. Tiếng Pháp được dạy ngay từ lớp một. Về âm nhạc, các học sinh được học ký xướng âm bằng chữ braille ngay từ lớp một. Lên lớp trên, học sinh có thể bắt đầu học đàn. Về nghề thủ công, các học sinh được học đan lẵng hoa, đan làn bằng dây thép một ly chạy qua một công cụ có rãnh nên dễ đan và giữ đều được cự ly. Ngoài ra, còn học đan áo len, mũ len do bà Huỳnh dạy. Năm 1954, học sinh còn học thêm nghề dệt chiếu. Trường chữ nổi đầu tiên do cụ Nguyễn Chí Thiện thành lập đã góp phần đáng kể, tạo đà, tạo lực cho người mù Hà Nội vươn lên thay đổi cuộc sống, địa vị và thay đổi cách nhìn đối với họ và những người đồng tật. Cụ Nguyễn Chí Thiện mất năm 1991 tại Thành phố Hồ Chí Minh và được an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Hành trình đầu tiên đoàn công tác Hội người mù Hà Nội tìm đến là gia đình người con trai thứ của cụ Nguyễn Chí Thiện, tại đây đang phụng dưỡng bà Nguyễn Thị Huỳnh – vợ cụ Thiện. Đồng chí Lê Trung Quyết ân cần hỏi thăm sức khoẻ và trao quà của Hội người mù Hà Nội tới bà Huỳnh; ôn lại những công lao mà cụ Thiện và gia đình đã mang đến cho người mù miền Bắc đồng thời đề xuất với gia đình cung cấp cho Hội những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Chí Thiện để Hội người mù Hà Nội bổ sung vào lịch sử hình thành của Hội trong đó có việc truyền bá chữ nổi Braille của cụ Thiện



Hành trình tiếp theo của đoàn về tới nghĩa trang Hoa viên tại Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh 50 km, nơi cụ Nguyễn Chí Thiện an nghỉ. Trước mộ cụ Nguyễn Chí Thiện, đồng chí Lê Trung Quyết đã kính cẩn thắp nén tâm hương thể hiện lòng thành kính, tiếc thương và nguyện hứa sẽ cùng với ban lãnh đạo Hội người mù Hà Nội đoàn kết, không ngừng thi đua học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác vận động kết nạp những người mù trên địa bàn nhằm dạy chữ nổi Braille để người mù có tri thức, có văn hoá đồng thời dạy nghề phù hợp với tính đặc thù để người mù có thể tự nuôi sống bản thân vượt qua những rào cản của hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống.



Hành trình tri ân của đoàn công tác Hội người mù Hà Nội đã nối dài truyền thống đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần của thế hệ người khiếm thị hôm nay đối với những thế hệ đi trước trong việc tiếp tục thực hiện xứ mệnh chăm lo, giúp đỡ và tạo điều kiện
để người mù có cuộc sống bình thường, bình đẳng, hòa nhập trong gia đình và xã hội. Khi ra về, đoàn công tác vẫn khắc sâu trong tâm trí dòng chữ trên mộ cụ Thiện “ Người đưa ánh sáng văn hoá và làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của rất nhiều người khiếm thị”



Lê Chinh