Hơn 20 năm qua, Nghề Tẩm quất Xoa bóp vẫn được xác định là nghề mũi nhọn, làm thay đổi cuộc sống, kinh tế của người mù, giúp họ tự tin, xóa bỏ những rào cản trong các mối quan hệ từ gia đình đến cộng đồng xã hội. Cách đây cũng tròn 10 năm nghề Tẩm Quất cũng chính thức công nhận và được gọi là một nghề với đúng nghĩa của từ “Nghề”, nghề Tẩm Quất của người khiếm thị đã và đang trở thành một trong những dịch vụ chăm sóc sức khỏe được yêu thích trong xã hội hiện nay. Các cơ sở dịch vụ Tẩm Quất của người mù đã xuất hiện khắp nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng là một minh chứng cho sự phát triển ngày một rộng rãi của nghề và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc đóng góp sức lao động cho sự phát triển chung của Thủ Đô.

Ảnh: đại diện các cụm thi đua nhận cờ lưu niệm của BTC

Ngày 1/8, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thi tay nghề Tẩm quất xoa bóp lần thứ I với sự tham gia của 20 thí sinh đến từ 5 Cụm thi đua thuộc Hội người mù Thành phố. Mỗi thí sinh thực hiện một bài thi tích hợp lý thuyết và thực hành với tổng số điểm tối đa là 25 điểm trong đó lý thuyết tối đa 10 điểm và thực hành tối đa 15 điểm. Tham gia Hội thi, các thí sinh còn trả lời một số câu hỏi tình huống thường gặp trong khi làm nghề. Cuộc thi được diễn ra công khai, minh bạch và được sự đánh giá công tâm từ Hội đồng Ban Giám khảo, đại diện là Bác sĩ Nguyễn Hồng Minh – Phó chủ tịch Hội Đông Y thành phố Hà Nội – Trưởng Ban giám khảo. Bác sĩ Minh đã có kinh nghiệm nhiều năm làm giảng viên tại các lớp Y học cổ truyền và có nhiều kinh nghiệm với vai trò là Ban Giám khảo các kỳ thi tay nghề xoa bóp bấm huyệt. Các thí sinh tham dự Hội thi lần này là các thí sinh đã đạt giải cao qua các vòng thi tay nghề Tẩm Quất tại các cụm thi đua. Đây vừa là cuộc tranh tài giữa các thí sinh, vừa là sân chơi bổ ích giúp cho người khiếm thị có cơ hội được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời tại Hội thi ngày hôm nay, cũng diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm - Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ xoa bóp tẩm quất”.

Ảnh: 10 cơ sở tẩm quất tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghề Tẩm Quất của người khiếm thị

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã trao tặng giấy khen cho 10 cơ sở tẩm quất tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghề Tẩm Quất của người khiếm thị. Cũng tại sự kiện Hội thảo ngày hôm nay, buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ Tẩm Quất đã diễn ra rất sôi nổi, buổi tọa đàm có phần chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực Y học cổ truyền và Tẩm Quất như Thạc sĩ Kiều Xuân Dũng – Nguyên trưởng bộ môn Y học cổ truyền – Học viên Y dược học cổ truyền Việt Nam và Ông Trần Trung Hiếu – Nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội người mù thành phố Hà Nội – Chủ tịch mạng lưới các cơ sở Tẩm Quất vùng Hà Nội. Kết luận Hội thảo Ông Hoàng Mạnh Cường đã đánh giá cao việc tập trung trí tuệ của các đại biểu tham dự Hội thảo, tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý cơ sở dịch vụ, đăng ký kinh doanh nghề theo quy định, quản lý nhân viên trong các cơ sở sao cho hợp lý hướng đến mục tiêu xây dựng các cơ sở Tẩm Quất đạt tiêu chí cơ sở Tẩm Quất kiểu mẫu.

Ảnh: 2 thí sinh Vũ Thị Thảo và Lê Tùng Lâm đoạt giải Nhất

Hội thi đã kết thúc thành công với 02 giải nhất, 02 giải nhì; 02 giải ba và 14 giải khuyến khích. Giải nhất thuộc về cặp thí sinh Vũ Thị Thảo – Hội người mù Thanh Trì và Lê Tùng Lâm – Hội người mù Hoài Đức. Hai thí sinh sẽ tiếp tục ôn tập và rèn luyện kỹ năng, kiến thức để tham dự Hội thi tay nghề Tẩm Quất xoa bóp Toàn Quốc được tổ chức tại Trung Ương Hội người mù Việt Nam

Một số hình ảnh của chương trình:

Ảnh: ông Hoàng Mạnh Cường phát biểu khai mạc chương trình

Ảnh: các đại biểu đọc tham luận tại chương trình

Ảnh: ông Đinh Thanh Tùng – Phó chủ tịch HNM VN phát biểu ý kiến chỉ đạo

Ảnh: thí sinh tham gia phần thi lý thuyết

Ảnh: thí sinh tham gia phần thi thực hành

 

Vũ Hải Yến