LỜI NÓI ĐẦU

Hội Người mù thành phố Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng ba

Cho dù mất đi hay giảm sút nghiêm trọng thị lực do tai nạn và hậu quả chiến tranh để lại dẫn đến có những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng với tinh thần, ý chí mạnh mẽ, người mù Hà Nội vẫn quyết tâm xây dựng một tổ chức của riêng mình để giúp người mù có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống trên hành trình phấn đấu trở thành người có ích và làm chủ cuộc đời mình. Mốc son quan trọng, nổi bật nhất mà người mù Hà Nội luôn ghi nhớ trong lịch sử vươn lên của mình là việc Đảng, Nhà nước cho phép và tạo điều kiện thành lập Hội Người mù Việt Nam (1969), thành lập Thành hội Người mù Hà Nội (cũ) theo quyết định số 43-UB/NC của Ủy ban Hành chính Thành phố ngày 03/07/1970, sự ra đời của Hội Người mù tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ) theo quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 6/12/1983 Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình và Ngày Đại hội đầu tiên - được lấy là ngày truyền thống của của tổ chức Hội Người mù Thành phố, ngày 03 tháng 02 năm 1972.

Đặc biệt năm 2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tạo nên không gian rộng lớn, tạo tiền đề phát triển cho mọi thành phần, trên nhiều lĩnh vực của Thành phố, trong đó có cả hoạt động của các tổ chức xã hội. Năm 2008, cũng đã đánh dấu một bước chuyển về chất khi Hội Người mù tỉnh Hà Tây sáp nhập Hội Người mù thành phố Hà Nội với 29/29 quận, huyện, thị hội và chi hội Trường Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó đến nay, Hội Người mù Thủ đô đã phát triển bền vững cả về bề rộng, chiều sâu, cả về quy mô và phạm vi hoạt động; các tổ chức chính trị, chính trị xã hội như: chi bộ đảng, công đoàn, chi hội Cựu chiến binh, chi đoàn Thanh niên cũng dần được ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả. 

Trải qua những giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, với nhiều nỗ lực và quyết tâm, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo Hội Người mù thành phố Hà Nội đã khơi dậy tinh thần, ý chí, khả năng vươn lên của người mù đồng thời tạo cơ hội và môi trường cho người mù được phát triển bản thân, nâng cao thu nhập và đóng góp vào công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước. Những thành tựu trong quá trình phấn đấu được đánh dấu bằng việc Hội Người mù thành phố Hà Nội nhận những phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước phong tặng: Huân chương Lao động (hạng nhất, nhì ba), Huân chương Độc lập (hạng 2, hạng 3) cùng nhiều danh hiệu thi đua khác.

Để ghi nhớ những giai đoạn phát triển của tổ chức Hội, Hội Người mù Thành phố đã quyết định sưu tầm, biên soạn và phát hành cuốn "Kỷ yếu quá trình xây dựng và phát triển của Hội Người mù Thành phố qua các nhiệm kỳ” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội (03/02/1972- 03/02/2022) nhằm giúp các thế hệ cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn sự phấn đấu, trưởng thành và thành quả hoạt động của Hội Người mù Hà Nội, của các tổ chức thành viên từ khi thành lập đến nay. Cuốn Kỷ yếu bao gồm những thông tin chính về hội, giới thiệu sơ lược quá trình hình thành, phát triển của Hội Người mù Hà Nội, Hội Người mù Hà Tây qua các thời kỳ, trong đó có sự đóng góp của các tổ chức thành viên, các tổ chức trực thuộc và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Hội qua các thời kỳ.

Với ý nghĩa lớn lao đó, cuốn "Kỷ yếu quá trình xây dựng và phát triển của Hội người mù Thành phố qua các nhiệm kỳ” thực sự là ấn phẩm xuất bản mang giá trị tinh thần to lớn, ý nghĩa, nhằm ghi dấu một chặng đường đã qua đồng thời thể hiện niềm tin, niềm hy vọng vào một chặng đường mới với nhiều thành công mới. Cuốn kỷ yếu là minh chứng cho những thành tích mà Hội đã đạt được đồng thời đây cũng là sự tri ân tới các lãnh đạo, cán bộ, hội viên qua nhiều thế hệ đã viết nên những trang sử vàng truyền thống cho Hội. 

 

BAN BIÊN TẬP
•Mời tải về máy:

KỶ YẾU 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NGƯỜI MÙ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (1972-2022)