Ngày 11.10.2017, tại Nhà khách Tổng Liên đoàn Việt Nam Hội người mù TP Hà Nội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức Hội thảo “Nhu cầu đào tạo nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội thảo có sự tham dự của 250 đại biểu là lãnh đạo của các cơ quan Trung Ương, thành phố, chuyên gia của các tổ chức phi chính phủ trong đó có 120 đại biểu là người khiếm thị Thủ Đô. 
Toàn thành phố có 98.792 người khuyết tật(chiếm 1,3% dân số), trong đó, thanh niên khuyết tật trong độ tuổi (16-30 tuổi) là 29.284 người, người khuyết tật có khả năng lao động là 20.992 người. Người khuyết tật có nhu cầu học nghề là 3.465 người.

Ảnh: Toàn cảnh Hội trường

Công tác xã hội là một nghề hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trải qua 45 năm hoạt động, Hội người mù đã có những đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhiều năm, thực hiện nhiều chương trình trợ giúp người khiếm thị đạt hiệu quả. Đối với người khiếm thị, Công tác xã hội là một nghề rất gần gũi và thuận lợi trong quá trình tiếp thu và thực hiện các hoạt động của nghề. Đặc biệt, đào tạo nghề cho người khiếm thị là việc làm thiết thực nhằm đưa chính sách Giáo dục nghề nghiệp đến với người khuyết tật để họ được tham gia vào tiến trình xây dựng nguồn nhân lực lao động chất lượng.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội – Chủ tịch Hiệp Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam phát biểu:
- Các cơ quan chức năng nên có những dự án nghiên cứu khoa học về các công cụ trợ giúp cho người khuyết tật.
- Bộ LĐTBXH nghiên cứu từ thực tiễn phát triển các nghề phù hợp và phát huy lợi thế với người khiếm thị, người khuyết tật để tạo cho họ môi trường làm việc tốt hơn. 
- Chúng ta nên phối hợp để có hoạt động chung lôi cuốn được nhiều cơ quan và nhà hoạt động kinh tế kỹ thuật hỗ trợ người khuyết tật làm việc hiệu quả hơn.
Tới dự Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cũng cho biết: “Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động xã hội sẽ cùng đồng hành với Hội người mù thành phố Hà Nội, Trung tâm dạy nghề - Hội người mù thành phố Hà Nội trong công tác đào tạo dạy nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị”
Ngay trong buổi Hội thảo, Ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội người mù thành phố Hà Nội cho biết:
Công tác tuyển sinh các lớp dạy nghề Công tác xã hội của Trung tâm sẽ được triển khai sớm vào những tháng cuối năm 2017. Trung tâm sẽ khai giảng khóa học đầu tiên nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị vào Quý I/2018. Ưu tiên những đối tượng có nguyện vọng học liên thông lên hệ trung cấp. 
Năm 2018, Trung tâm sẽ mở ít nhất 2 khóa nghề Công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu học nghề của trên 40 người khiếm thị. Năm 2019 và những năm tiếp theo mỗi năm đào tạo từ 40 - 60 nhu cầu.
Cũng tại Hội thảo, có một nhân vật khá đặc biệt đó là “Cô robot” VIEbot do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo.VIEbot là một sản phẩm của VIELINA (Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công thương) nghiên cứu và phát triển.
VIEbot cao 1m70 trong dáng hình của một thiếu nữ , có thể di chuyển và được lập trình để làm công tác quảng cáo truyền thông cho hội người mù và hỗ trợ hoạt động của người khiếm thị trên một số mặt như: nhận diện người quen, nhận diện các văn bản và đọc văn bản… Xuất hiện tại Hội thảo, ngoài những tính năng trên, VIEbot đã trình diễn hoản hảo tình huống dẫn người khiếm thị từ cửa Hội thảo về bàn đại biểu. Sự xuất hiện của VIEbot được kì vọng sẽ mang lại nhiều đổi mới trong công tác xã hội cho người khuyết tật….
Tham dự Hội thảo, còn có sự xuất hiện rạng rỡ của Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016 - Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú. Chia sẻ tại Hội thảo, Á hậu Thanh Tú cho biết: “Việc Trung tâm dạy nghề - Hội người mù TP Hà Nội triển khai kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo CTXH cho người khiếm thị là một sáng kiến ý nghĩa và mang tính nhân văn cao, Thanh Tú sẵn sàng đồng hành cùng với Hội Người mù Việt Nam, cũng như Trung tâm dạy nghề - Hội Người mùa Hà Nội trong việc thúc đấy nhận thức, sức ảnh hưởng hình ảnh Á hậu đến truyền thông và cộng đồng, để chương trình đào tạo CTXH cho người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội lan tỏa rộng rãi hơn”

Nguồn Trung tâm dạy nghề