(HNM Hà Nội) - Nhắc đến chàng trai khiếm thị Đào Văn Cường (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), người ta thường nhớ đến những tấm huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải thể thao dành cho người khuyết tật trong nước và quốc tế của   một vận động viên điền kinh xuất sắc. Đào Văn Cường còn là một trong những tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Anh đại diện cho một lớp cán bộ hội trẻ năng động, sáng tạo và luôn hết lòng vì hạnh phúc người mù. Hiện nay anh là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, là một công đoàn viên tiêu biểu của Công đoàn Thành hội người mù Hà Nội.    

Từ những nghị lực trong cuộc sống…

Mới 10 tuổi, cậu bé Đào Văn Cường sinh năm 1980, ở thôn Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn đã phải nghỉ học bởi đôi mắt không còn nhìn thấy những trang chữ viết. Đôi mắt mờ đục đó là tác nhân của chất độc mầu da cam khi bố Cường tham gia vào cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Thất vọng và bi quan, một thời gian dài, Đào Văn Cường sống âm thầm trong bốn bức tường và đôi khi có suy nghĩ cuộc đời từ đây sẽ không có tương lai gì nữa.

“Tuy nhiên điều vô cùng thần diệu đã đến với tôi đó là vào năm 1999, Hội người mù huyện Sóc Sơn đã tìm đến gia đình tôi, vận động tôi tham gia vào tổ chức hội. Đây là một bước ngoặt đối với cuộc đời của tôi. Vào Hội tôi được tham gia các hoạt động, được học nghề, học chữ nổi... Tôi đã thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn và đã thắp lên trong tôi niềm tin cuộc sống” – Đào Văn Cường tâm sự.

Chỉ sau một năm sinh hoạt tại tổ chức hội, được tiếp xúc ,giao lưu với những người bạn đồng tật, Cường đã hoà nhập rất nhanh vào cuộc sống. Cường không những vui vẻ, hoạt bát hẳn lên mà đặc biệt hơn, được sự động viên của Hội người mù huyện Sóc Sơn, ngay trong năm 2000, Cường tiếp tục con đường học tập của mình tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong môi trường sư phạm nhân văn, Cường đã phát huy được hết khả năng học tập của mình. Với lòng quyết tâm, sự hiếu học, Cường luôn là một trong những học sinh xuất sắc, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Điều đáng chú ý hơn cả, tại đây, Cường bất ngờ phát hiện ra niềm đam mê thực sự của mình – niềm đam mê thể thao…      

… Đến những thành công trong thể thao

Nhớ lại thời gian đầu khi bước chân vào lĩnh vực thể thao, Đào Văn Cường chia sẻ:” Năm 2002, biết được thông tin qua bạn bè học ở Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố , tôi tìm đến Trung tâm Khúc Hạo xin tập luyện. Khi ấy thể thao cho người khuyết tật rất hạn chế, ít người tham gia, tôi cùng với một người bạn khác là hai người khiếm thị đầu tiên tập thể thao, đến với những bước chạy đầu tiên”.

Trong những ngày tháng tập luyện tại đây, Văn Cường đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của Ban huấn luyện và sự giúp đỡ của các vận động viên đi trước, qua quá trình khổ luyện, Cường được tin tưởng cử tham gia một số giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc.   không phụ lòng tin của mọi người, bước đầu Cường đã có được những thành công ngoài sự mong đợi. Cường được Ban huấn luyện viên lựa chọn tham gia các giải Para Games tổ chức ở các nước trong khu vực và thế giới. Điều vô cùng đáng nhớ là ở giải đấu nào Cường cũng đoạt huy chương vàng, bạc và đồng. Đặc biệt Cường đã phá 3 kỷ lục tại các giải khu vực và Châu Á. Năm 2011 Đào Văn Cường vinh dự được sang đất nước Hoa Kỳ để tham gia giải chạy nghị lực dành cho người khuyết tật thế giới. Với những kết quả đó, Cường luôn được bình chọn là vận động viên tiêu biểu xuất sắc đại diện cho người khuyết tật Việt Nam. Điều nhớ mãi đối với Cường đó là năm 2007 Cường đã được Chủ tịch nước cộng hòa XHCn Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng III và bằng khen của thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng.  

Những tấm huy chương, những thành tích là rất quý giá, nhưng với Đào Văn Cường, cũng như với nhiều vận động viên khuyết tật khác, đôi khi niềm vui sống mới là quan trọng. Thể thao mang đến cho người khuyết tật sức khỏe, niềm vui, tình bạn, và mang đến cho họ những phút giây thiêng liêng được tự hào vì mình đã mang về vinh quang cho tổ quốc, mang lại sự động viên tinh thần cho cộng đồng những người khuyết tật.

Đào Văn Cường tâm sự :”Dù là người khiếm thị, nhưng tôi cảm thấy may mắn hơn những người khác. Sống bên tôi là một người vợ vô cùng yêu thương chồng, hai cô con gái đều khỏe mạnh bình thường, ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình chính là điểm tựa hạnh phúc cho tôi trong cuộc sống hàng ngày”.

Không dừng lại với những thành tích của bản thân, Đào Văn Cường còn lan toả tinh thần và lòng quyết tâm của mình tới những người đồng cảnh. Cường luôn chan hoà, gần gũi với các hội viên, bằng những hành động thiết thực giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên hoà nhập với cộng đồng xã hội.  Hiện nay, Cường đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội người mù huyện Sóc Sơn. Trong công việc Cường luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần đưa hoạt động, phong trào của huyện hội ngày càng phát triển. Đào Văn Cường thực sự là một tấm gương “Tàn nhưng không phế” để mỗi người chúng ta noi theo.  



Nguyễn Thành