Đây là chủ đề của chương trình giao lưu, tọa đàm với 32 gia đình người khiếm thị do Hội người mù quận Thanh Xuân và CLB Thảo Tâm Thiện nguyện cùng các tổ chức, cá nhân hảo tâm tổ chức vào sáng 28/6 nhân kỷ niệm 17 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2018).

 

Ảnh 1: Tiết mục văn nghệ của ca sĩ trẻ Hà Nội

32 gia đình người khiếm thị đến từ 11 phường trong quận Thanh Xuân là 32 câu chuyện đầy xúc động với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm. Họ đã phải vượt qua biết bao khó khăn trở ngại, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay, đơn giản chỉ mong luôn được bên nhau, cùng xây dựng hạnh phúc.

Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có gia đình chồng hoặc vợ bị khiếm thị, hay gia đình cả hai đều khiếm thị, gia đình chỉ có một mẹ và con… nhưng tất cả có nét chung là biết yêu thương chân thật, biết đồng cảm, sẻ chia, nương tựa nhau, dũng cảm vượt qua thử thách để đón nhận hạnh phúc của mình, một cách chân tình mà không phân biệt lành lặn hay khuyết tật.

Ảnh 2: Các gia đình người khiếm thị tại chương trình giao lưu

Đó là vợ chồng bác Nguyễn Hữu Miền, 70 tuổi (phường Khương Trung), đã kiên trì vượt qua những định kiến, những khó khăn của cuộc sống thường ngày  khi đôi mắt của bác Hữu Miền không còn được lành lặn do ảnh hưởng của chiến tranh. Hai vợ chồng đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng tổ ấm, nuôi dạy các con trưởng thành, có ích cho gia đình và xã hội. Để đến hôm nay, với hơn 30 năm gắn bó bên nhau, nhìn hai bác hạnh phúc bên con cháu thì những lời dị nghị ngày xưa ấy lại trầm trồ, thán phục!

Đang là một phóng viên trẻ, say mê và nhiệt huyết với nghề báo, sau biến cố và 6 đợt phẫu thuật mắt không thành, anh Nguyễn Tiến Thành (phường Phương Liệt) phải từ bỏ công việc và làm quen với bóng tối mịt mù. Chán nản, anh ngày càng sống thu mình. Sự kết nối với bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc radio. Thế rồi, cũng nhờ chiếc radio cùng  những thông tin về người khiếm thị, chị Vũ Thanh Trà – vợ anh, đã đưa anh đến với cộng đồng của những người đồng tật.  Lúc đầu, anh rất tự ti, bi quan, nhưng dần dần bằng tình yêu chân thành, người vợ lành lặn tự nhận mình “có trái tim của người khuyết tật” đã mở được cánh cửa lòng của anh. Chỉ sau thời gian ngắn, họ đồng hành cùng nhau trên mỗi bước đường. Chị trở thành đôi mắt của anh, là phụ tá, là xe ôm, là thư ký, là nhiếp ảnh gia…. trong tất cả các hoạt động báo chí, làm từ thiện  của anh.Mọi thành công hiện giờ  của anh đều có hình ảnh chị. Hai anh chị đãlựa chọn công việc giúp người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng làm sự nghiệp, niềm vui. Hiện anh là Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân đồng thời phụ trách chuyên mục Nhân Ái – Tạp chí Thương Trường.

Bí quyết “giữ lửa” trong gia đình cũng đã được các cặp vợ chồng khiếm thị Thanh Xuân chia sẻ tại chương trình giao lưu. Đối với anh Trương Quang Hải ở phường Thanh Xuân Bắc thì từ khi bị hỏng mắt, anh chị dường như gắn bó với nhau hơn. Yếu tố tinh thần luôn được anh chị đặt lên hàng đầu. Anh Hải bày tỏ: “Khi tâm lý con người đã thoải mái thì mọi việc trong cuộc sống sẽ luôn là màu hồng. Hạnh phúc chính là niềm vui, là tiếng cười…”.

Khác hẳn với quan niệm cho rằng, người khuyết tật không nên lập gia đình vì sinh con và nuôi con sẽ rất khó khăn, thì thực tế đã chứng minh, 32 gia đình người khiếm thị tham dự chương trình đều có những người con khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan ngoãn, thành đạt.

Ảnh 3: Vợ chồng anh Nguyễn Tiến Thành chia sẻ về bí quyết giữ lửa trong gia đình

Dù cả 2 đều khiếm thị nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Huyện – Cao Thị Hiền vẫn có thể chăm con rất cẩn thận và chu đáo. Bé Thái Sơn ngoan ngoãn, khỏe mạnh là kết quả nỗ lực nhiều năm học hỏi cách nuôi dạy con của anh chị.

Còn chị Nguyễn Thị Tho – người phụ nữ khiếm thị đơn thân  thì lại có bí quyết dạy con theo cách riêng của mình. Hàng ngày chị thường xuyên tâm sự, chia sẻ, gần gũi với con về mọi việc trong cuộc sống, từ chuyện mẹ bị khiếm thị thì con nên làm gì; chuyện đối xử với các cô chú, anh chị trong cơ sở xoa bóp thế nào; đến việc học tập ở trường ra sao… Cô bé 9 tuổi dường như thấu hiểu hết tình yêu thương của mẹ dành cho mình nên rất nghe lời và chăm chỉ.

Ảnh 4: Chia sẻ những món quà tinh thần đến các gia đình người khiếm thị khó khăn

 Tham dự và được nghe  những câu chuyện vượt khó vươn lên của các gia đình người khiếm thị quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Minh Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty Thẩm mỹ viện Minh Hiếu và chị  Nguyễn Hồng Nhung – Giám đốc Tiệm bánh Le Castella Hà Nội, thành viên CLB Thảo Tâm Thiện nguyện thực sự cảm động và khâm phục ý chí vượt khó của những người kém may mắn trong xã hội.

Chị Minh Hiếu bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi và gia đình mình cùng các thành viên CLB Thảo Tâm Thiện nguyện trực tiếp đồng hành với một chương trình ý nghĩa và giàu tính nhân văn trong ngày gia đình Việt Nam. Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi nghe về cuộc sống của các cô chú, anh chị hội viên. Dù gặp rất nhiều thách thức nhưng mọi người luôn lạc quan, yêu thương nhau – điều mà mỗi người trong xã hội hiện nay như chúng tôi cần học hỏi. Chúc các cô chú, anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc. CLB Thảo Tâm Thiện nguyện sẽ luôn hướng về mọi người”.

Ảnh 5: Một chương trình ý nghĩa và giàu tính nhân văn

Ông Bùi Trọng Minh – Phó chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội đánh giá rất cao chương trình nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam của Hội Thanh Xuân. Ông cho biết: “Thanh Xuân là tổ chức hội đầu tiên và duy nhất trong 30 quận, huyện hội trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức hoạt động dành cho gia đình hội viên. Một chương trình ý nghĩa và xúc động về các tấm gương người khiếm thị và hy vọng trong thời gian tới hoạt động này sẽ được lan tỏa rộng hơn….”.

Tại chương trình “Gia đình của tôi”, Ban tổ chức và  CLB Thảo Tâm Thiện nguyện cùng các nhà hảo tâm đã trao 42 phần quà bao gồm tiền mặt và bánh bông lan Le Castella cho các gia đình người khiếm thị Thanh Xuân. 

Thành Nguyễn