Ngày 23/3, Hội người mù quận Hai Bà Trưng đã tổ chức hội nghị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội,109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và 1979 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

 Ảnh 1: Bà Trần Thị Thanh Tú – Chủ tịch Hội người mù quận Hai bà Trưng phát biểu  tại hội nghị

 Hội người mù quận Hai Bà Trưng được thành lập vào ngày 8/3/1974. Trải qua 45 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Hội đã trở thành mái nhà chung, là người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống của những người khiếm thị quận Hai Bà Trưng. Tham gia sinh hoạt tại tổ chức hội, những người khiếm thị được học chữ, học nghề, được quan tâm chăm sóc cả về tinh thần và vật chất. Đồng thời, đây cũng là nơi giúp các hội viên nghị lực hơn, vượt qua những khó khăn do khuyết tật gây nên, tự tin vươn lên hòa nhịp với cộng đồng xã hội.   

 Trong 45 năm qua, Hội luôn đa dạng hóa các hoạt động, thu hút và phát triển hội viên; luôn coi trọng việc dạy chữ nổi cho trẻ em khiếm thị, hội viên mới tham gia sinh hoạt Hội. Hội thường xuyên tổ chức sinh hoạt, hội họp cho hội viên theo từng chuyên đề và nhiệm vụ của Hội. Hội còn tuyên truyền giúp cán bộ hội viên nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, địa phương…

 Hiện nay, Quận hội có gần 50 hội viên trực tiếp làm nghề xoa bóp  tại các cơ sở trên địa bàn thành phố. Ngoài ra. tổ chức Hội khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho những hội viên có khả năng tự mở cơ sở xoa bóp tại nhà, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và những người đồng tật. Thu nhập bình quân tại các cơ sở này là 2.500.000 đồng/tháng.

 Bà Trần Thị Thanh Tú – Chủ tịch Hội chia sẻ: “Ban chấp hành Hội  xác định mục tiêu trong thời gian tới là  tạo bước chuyển biến về chất lượng tổ chức Hội, tập hợp tất cả những người khiếm thị sinh sống trên địa bàn quận có nguyện vọng, đủ điều kiện được gia nhập vào tổ chức Hội; Bồi dưỡng người mù quận có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức và lối sống đẹp, có tri thức, kỹ năng xã hội; tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người khiếm thị, góp phần xây dựng quận và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại…

 

Ảnh 2: Bà Quỳnh Nga – Trưởng Ban công tác nữ

 Tại hội nghị, cùng với việc ôn lại những năm tháng phát triển của tổ chức hội,  nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và 1979 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các cán bộ, hội viên còn được tham gia vào một hoạt động giao lưu rất sôi động do Ban Công tác nữ và Ban Hội viên trẻ tổ chức. 

Bà Quỳnh Nga – Trưởng Ban Công tác nữ cho biết: “Người khiếm thị dù mất đi ánh sáng nhưng những giác quan khác của họ vẫn phát triển bình thường, đặc biệt là sự cảm nhận về âm nhạc. Chính vì vậy, chúng tôi đã tổ chức một hoạt động phù hợp mang tên “Trò chơi âm nhạc” dành cho tất cả mọi người trong hội nghị kỷ niệm ý nghĩa này”.

 Với chủ đề về những người phụ nữ, các thí sinh đã trải qua những thử thách trong 2 phần chơi là “Đọc lời – đoán tên bài hát và tác giả”, “Nghe nhạc hiệu – Đoán tên bài hát”.  

 

Ảnh 3: Nhóm phật tử Hà Nội trao tặng đài cho người khiếm thị

 Cũng nhân hội nghị kỷ niệm tại Hội người mù quận Hai Bà Trưng, nhóm phật tử Hà Nội đã trao tặng gần 70 chiếc đài cho các cán bộ, hội viên   với lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

 Thành Nguyễn