Các tiết mục văn nghệ được trình diễn tại vòng Chung khảo cuộc thi văn nghệ “Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô” lần II do Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức không chỉ là những lời ca, tiếng hát đơn thuần, mà là tâm sự, là tài năng, có cả niềm hân hoan, có cả tiếng lòng của người khiếm thị trước những vận hội mới của đất nước, Thủ đô và tổ chức Hội trong tương lai hội nhập.

Ngày 17/12, với sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của Trung tâm Tổ chức sự kiện và Tiệc cưới Sapphire cùng các nghệ sĩ, ca sĩ, cá nhân, tổ chức thiện nguyện, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã tổ chức Chung khảo cuộc thi văn nghệ “Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô” lần II năm 2020 với chủ đề “Mãi mãi một niềm tin”.

Ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, bên cạnh những hoạt động chăm lo về đời sống vật chất, dạy chữ, dạy nghề cho người khiếm thị Thủ đô, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức được nhiều chương trình âm nhạc làm phong phú đời sống tinh thần của người khiếm thị.

Ảnh: Vòng Chung khảo cuộc thi văn nghệ “Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô” lần II có 15 tiết mục văn nghệ của 5 cụm thi đua trong toàn Thành phố (Ảnh: Mai Quý)

Cuộc thi văn nghệ “Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô” lần II là sự kiện 5 năm diễn ra một lần và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, có quy mô lớn nhất trong năm 2020 của Hội Người mù thành phố Hà Nội. Cuộc thi là hoạt động Hướng tới Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn Quốc lần thứ VI năm 2021 và kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Cuộc thi còn góp phần động viên cán bộ, hội viên cố gắng không ngừng phấn đấu, rèn luyện, hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” để tiếp tục cống hiến cho thủ đô và xã hội” - ông Lê Trung Quyết nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Đức Thịnh – Tổng đạo diễn cuộc thi bày tỏ: “Dù không nhìn thấy nhưng các ca sĩ khiếm thị đã mang “ánh sáng” đến cho những người nghe. Họ thực sự chìm đắm vào các tác phẩm của mình. Điều này không phải ai cũng có thể làm được. Các thí sinh tham gia đều là những người chiến thắng”.

Có một câu nói rất hay rằng: “Âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc”. Chúng ta không thể nhìn thấy cảm xúc, không thể nghe hay chạm vào cảm xúc mà chỉ có thể cảm nhận được từ chính trái tim của chúng ta. Đối với người khiếm thị Thủ đô tuy mất đi giác quan quý giá nhưng bù lại họ có khả năng lắng nghe, cảm nhận vô cùng tinh tế.

Và đã từ rất lâu, người khiếm thị dùng lời ca tiếng hát như một phương tiện để truyền cho những người bạn đồng tật và truyền đến cộng đồng, động viên nhau vượt qua những khó khăn, xoa dịu những nỗi đau, những gian nan, vất vả trong cuộc sống, hướng tới suy nghĩ tích cực và cuộc sống cũng trở nên tươi đẹp, bừng sáng hơn nhờ những lời ca đó.

Tại vòng Chung khảo cuộc thi văn nghệ “Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô” lần II, 45 diễn viên không chuyên với 15 tiết mục văn nghệ của 5 cụm thi đua trong toàn thành phố đã cất cao lời ca, tiếng hát, chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô với rất nhiều chủ đề như: Ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu; thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người khiếm thị và ôn lại truyền thống, những thăng trầm của tổ chức Hội trong suốt chặng đường 50 năm qua.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo – Tổng Giám đốc Trung tâm Tổ chức sự kiện và Tiệc cưới Sapphire, Phó ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Sau sự thành công của Đám cưới tập thể dành cho 21 cặp đôi khiếm thị năm 2019, Sapphire tiếp tục đồng hành với tổ chức Hội Người mù thành phố Hà Nội trong chương trình ý nghĩa này. Hy vọng với cơ sở hạ tầng, thiết bị âm thanh, ánh sáng tại Trung tâm cùng sự tài trợ của các mạnh thường quân sẽ giúp các ca sĩ khiếm thị bay cao, bay xa hơn với tiết mục của mình…”.

Lần đầu tiên Ban giám khảo cuộc thi văn nghệ do Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ và những nhân vật nổi tiếng trong xã hội như nghệ sĩ ưu tú Hồng Liên, nghệ sĩ Huy Cường, nghệ sĩ Minh Vương, Chủ tịch BWON Hương Giang, doanh nhân – nghệ sĩ Ninh Hải sẽ góp phần làm cuộc thi thành công và lan tỏa rộng hơn tới cộng đồng.

Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân bày tỏ: “Các tiết mục văn nghệ được trình diễn không chỉ là những lời ca, tiếng hát đơn thuần, mà là tâm sự, là tài năng, có cả niềm hân hoan, có cả tiếng lòng của người khiếm thị trước những vận hội mới của đất nước, Thủ đô và tổ chức Hội trong tương lai hội nhập”.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 09 giải Khuyến khích cho các tiết mục tham gia. 03 tiết mục xuất sắc nhất cũng được lựa chọn đại diện cho Hội Người mù thành phố Hà Nội tham dự Liên hoan nghệ thuật “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI toàn quốc sẽ được Hội người mù Việt Nam tổ chức vào năm 2021.

Theo https://laodongthudo.vn/

 Video: Dành 1 năm tập luyện để tham gia cuộc thi Tiếng hát người khiếm thị