Chương trình giao lưu: Niềm tin ánh sáng

Chiều ngày 07/01/2017, tại Trường Đại học Nội vụ đã diễn ra Chương trình giao lưu với chủ đề “Niềm tin ánh sáng” giữa các bạn sinh viên trường Đại học Nội Vụ và đoàn viên, thanh niên khiếm thị tiêu biểu do Chi đoàn cơ quan Hội người mù Thành phố Hà Nội phối hợp với khoa Quản trị văn phòng tổ chức.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Hội người mù TP Hà Nội, hướng đến Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ II năm 2017 và  chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp.

Đại diện trường Đại học Nội vụ tặng hoa cho các bạn thanh niên khiếm thị

Đến dự buổi giao lưu có hơn 100 bạn sinh viên, các thầy cô giáo của trường Đại học Nội vụ và các bạn khiếm thị tiêu biểu cho ý chí vươn lên, học tập và cống hiến cho xã hội. Buổi giao lưu đã để lại nhiều cảm xúc khi các gương mặt người khiếm thị tiêu biểu như: Nguyễn Trung Thái, Hoàng Văn Lý... chia sẻ những nỗ lực, cũng như suy nghĩ của họ trong quá trình vươn lên, đi cùng với sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, chương trình có các hoạt động giao lưu ca nhạc và trải nghiệm cùng những người khiếm thị như sử dụng gậy dẫn đường, tìm hiểu về chữ nổi Braill của người khiếm thị…

          Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Ban Giám Hiệu Nhà Trường, cùng với sự cổ vũ nhiệt tình từ các bạn sinh viên. Phần mở đầu với chủ đề “Âm nhạc kết nối mọi người” là những ca khúc thể hiện niềm khát khao vươn lên trong cuộc sống, những mơ ước của những con người, những số phận sinh ra kém may mắn nhưng ở họ luôn chứa đựng những ước mơ, luôn hướng về phía trước; vẫn từng ngày vươn lên để mang lại niềm vui cho đời, cho người.

Chia sẻ tại chương trình giao lưu, anh Hoàng Văn Lý một nhà báo khiếm thị cho biết: Tham gia những chương trình như thế này, chúng tôi cảm thấy mọi khoảng cách, mọi thiệt thòi của chúng tôi đối với người bình thường dường như không còn tồn tại. Tôi hy vọng qua chương trình giao lưu này, các bạn trẻ sẽ hiểu hơn về cuộc sống của người khiếm thị, nhận thức đúng về khả năng của họ, để tổ chức những chương trình giúp đỡ thiết thực, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để người khiếm thị có thể phát huy hết năng lực của họ. Không chỉ là sự chia sẻ về nguồn lực vật chất mà quan trọng hơn là suy nghĩ, thái độ, là sự tôn trọng, sẻ chia, tình yêu thương con người để người khiếm thị tự tin bước qua mọi rào cản và hoà mình với cuộc sống cộng đồng.

Anh Hoàng Văn Lý (bên trái), anh Nguyễn Trung Thái (ở giữa) chia sẻ tại chương trình

Chị Vũ Hải Yến – UV BCH Chi đoàn cơ quan Thành hội người mù Hà Nội xúc động cho biết: “Chương trình nhằm hướng đến cái nhìn tích cực hơn, trân trọng hơn và đồng cảm hơn với số phận của người khiếm thị để các bạn sinh viên nói chung, thanh niên nói riêng thấy được với nỗ lực bản thân, người khiếm thị đã và đang làm được gì cho chính mình, cho cộng đồng người khuyết tật và cho xã hội đồng thời thắp lên ngọn lửa niềm tin, khát vọng, ý chí khát khao thực hiện ước mơ không chỉ cho chính những người khiếm thị mà cho cả những bạn trẻ, rộng hơn là cho cộng đồng”

Với các bạn sinh viên, khi được giao lưu, lắng nghe những chia sẻ của người khiếm thị giúp họ nhận ra nhiều điều ý nghĩa của cuộc sống, nhận về cho mình thật nhiều sự thấu hiểu, cảm thông và học cách yêu thương, giúp đỡ với những số phận kém may mắn trong xã hội.

Lê Chinh

 

 

Hành trình về nguồn của chi đoàn cơ quan Thành hội người mù Hà Nội

          Ngày 20/12 vừa qua, Chi đoàn cơ quan Thành hội người mù Hà Nội có chuyến hành trình về mảnh đất ATK Định Hóa - Thái Nguyên và di tích lịch sử Tân Trào - Tuyên Quang. Cùng đi với Chi đoàn có các đồng chí trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Cán sự trẻ và Chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí Hội người mù Thành phố Hà Nội.

Chương trình “Hành trình về nguồn” được Ban Chấp hành Chi đoàn lên ý tưởng với mục đích đưa đoàn viên thanh niên đến với cội nguồn lịch sử, nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc đồng thời ghi nhớ công lao vô cùng to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua chương trình mong muốn sẽ tạo sự gắn bó, tinh thần đoàn kết của đoàn viên thanh niên, đẩy mạnh các hoạt động đoàn và cổ vũ động viên đoàn viên thanh niên hăng hái thi đua hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đoàn đã có dịp ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc, giúp đoàn viên thanh niên tự cập nhật, bổ sung kiến thức lịch sử đấu tranh cách mạng: Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945 quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường vượt qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.

 

Tạm biệt Tân Trào, vượt đèo De, cả đoàn sang thăm di tích lịch sử ATK - Định Hóa - Thái Nguyên thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống và làm việc từ 1947-1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ chính trị thông qua kế hoạch tác chiến tấn công chiến dịch Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu chấn động địa cầu".

Đoàn đã đến thăm các di tích lịch sử tại chiến khu Việt Bắc là nơi mà T.Ư Đảng và Bác Hồ đã sống và làm việc trong những năm 1947-1954 tại ATK Định Hóa Thái Nguyên; thăm Nhà Tưởng niệm Bác Hồ tại thôn Đèo De, xã Phú Đình. Tại đây đoàn đã xúc động dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, thăm quan nơi ở và làm việc của Bác. Trước anh linh của Người, tập thể  Chi Đoàn thanh niên Cơ quan Hội người mù Hà Nội thầm hứa với Bác sẽ không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao ý thức trách nhiệm của người Đoàn viên, phát huy đoàn kết tập thể quyết tâm xây dựng cơ quan Hội người mù Hà Nội và giúp đỡ những người khiếm thị Thủ đô tự tin hoà nhập cộng đồng. 

Chia sẻ về chương trình, đồng chí Nguyễn Trung Thái – Phó Bí thư Chi đoàn cho biết: Hành trình về nguồn là một trong những hoạt động thiết thực của Chi Đoàn cơ quan Thành hội người mù Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016) đồng thời là hoạt động triển khai, tuyên truyền cụ thể đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Chuyến đi tuy chỉ có một ngày nhưng đã để lại nhiều cảm xúc, giúp Đoàn viên chi đoàn hiểu thêm nhiều điều bổ ích và ý nghĩa. Thực sự khâm phục các chiến sỹ cách mạng, những đảng viên cộng sản kiên trung những người đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc ngay cả lúc khó khăn, gian khổ nhất để chúng ta có ngày hôm nay, sống trong hoà bình hạnh phúc ấm no”.

Trở về sau chuyến đi “ Hành trình về nguồn”, đoàn viên thanh niên Phạm Thị Diên chia sẻ :“ Đã rất lâu rồi, tôi mới tham gia một chuyến đi ý nghĩa đến thế. Để lại sau lưng những ngày tháng vùi đầu vào công việc, vào giấy tờ… Càng đi tôi càng hiểu rõ hơn về những gì mà ông cha ta đã cống hiến vì sự hòa bình của đất nước, càng thấm nhuần tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã thôi thúc tôi cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao hơn nữa. Cũng nhờ có chuyến đi đã  giúp tôi hiểu thêm về những đồng nghiệp hàng ngày vẫn làm việc cùng tôi để cùng chia sẽ, hỗ trợ nhau trong công việc”

 

Sau chuyến đi, các đồng chí trong Chi đoàn đều cảm thấy vinh dự và tự hào về truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của các bậc cha ông. Và để tiếp bước cha ông, thế hệ trẻ Cơ quan Hội người mù Hà Nội nguyện cùng đoàn kết, chung sức, phấn đấu thi đua xây dựng tổ chức Đoàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, hỗ trợ cho những người khiếm thị thủ đô tự tin hoà nhập cộng đồng.

Lê Chinh

 

 

NÂNG CAO VỊ THẾ CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ HOÀNG MAI

“Đoàn kết – Năng động – Tự chủ - Nâng cao vị thế của người khiếm thị” là chủ đề của Đại hội Đại biểu Hội người mù quận Hoàng Mai lần thứ III nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào sáng 16/12. Đến dự và chỉ đạo đại hội có ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội và ông Trần Quý Thái – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.

Trong nhiệm kỳ II, Hội người mù quận Hoàng Mai đã tổ chức 107 buổi hội họp, học tập, sinh hoạt câu lạc bộ như: Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 15, tuyên truyền giới thiệu về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Luật bầu cử HĐND, Luật dân sự, Điều lệ Hội…hay tập trung đóng góp ý kiến xây dựng Luật người khuyết tật VN và một số văn bản khác liên quan đến người khuyết tật…, thu hút 6.428 lượt cán bộ, hội viên tham gia.

Với phương châm Hội là “Mái nhà chung” của những người khiếm thị sống, học tập, làm việc trên địa bàn Quận, nên BCH đã tích cực phối hợp với Phòng LĐ-TBXH quận, UBND các phường, tổ dân phố, cụm dân cư khảo sát, kết nạp thêm 46 người khiếm thị vào Hội nâng tổng số hội viên hiện nay lên 176 người.

Nhận thức rõ việc làm là một vấn đề hết sức quan trọng Hội đã tổ chức được 1 khóa đào tạo nghề xoa bóp cho 6 hội viên ngay tại quận hội và gửi 04 hội viên tham gia các khóa đào tạo nghề xoa bóp của Thành hội. Hiện nay đã có 22 hội viên đang trực tiếp làm nghề tại những cơ sở của cá nhân, của Trường Nguyễn Đình Chiểu và cả những cơ sở do anh chị em tự đứng ra mở tại gia đình, với thu nhập ổn định, thậm chí có những người còn nuôi được cả gia đình.

Trong nhiệm kì, Hội đã phối hợp cùng Thành hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận giải ngân dự án cho 68 lượt hội viên vay phát triển kinh tế gia đình với tổng số vốn quay vòng là 1.565.000.000 đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã có điều kiện tổ chức sản xuất, chăn nuôi, tham gia kinh doanh nhiều gia đình hội viên đã vươn lên thoát nghèo.

Hàng năm, Quận hội còn đề nghị với Thành hội và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn phí cho 100% hội viên trong tiêu chuẩn, cấp thẻ xe buýt miễn phí cho 44 hội viên.

Nhằm đáp ứng nhu cầu, tạo điều kiện để hội viên có thể tiếp cận công nghệ thông tin thông qua phần mềm hỗ trợ giành riêng, trong nhiệm kỳ qua Hội đã mở được nhiều lớp dạy chữ Braille, ngoại ngữ, tin học, tư vấn công nghệ cho hội viên. Nhiều cán bộ, hội viên đã tích lũy được kiến thức; tự tin, viết bài tham gia các cuộc thiviết “Tìm hiểu Hiến pháp Việt Nam, Tình hữu nghị Việt Lào, Luật người khuyết tật……”. Hay tham gia các cuộc thi viết chuyên đề về người khiếm thị như cuộc thi “Onkyo - khu vực Châu Á Thái Bình Dương, phụ nữ khiếm thị cùng nhau viết câu chuyện của chúng ta…”; hay viết tin, bài gửi cho các phương tiện thông tin đại chúng, đã có 75 tin bài được đăng trên chương trình “Niềm tin ánh sáng” Đài tiếng nói Việt Nam, trên các báo mạng, tạp chí của tổ chức Hội.

Trong 5 năm qua, quận hội liên tục đạt danh hiệu loại A trong phong trào thi đua của Thành hội. Đồng thời Hội còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen khác giành cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Một số hình ảnh tại Đại hội Hội người mù quận Hoàng Mai:

 

Ông Vũ Thủy - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai phát biểu khai mạc đại hội

 

Ban chấp hành Hội người mù quận Hoàng Mai nhiệm kỳ mới ra mắt

 

Ông Lê Trung QUyết - Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội phát biểu tại đại hội

 

Ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai trao bức trướng kỷ niệm cho HNM quận

Nguyễn Thành

 

 

VINH DANH 9 THANH NIÊN KHIẾM THỊ TIÊU BIỂU THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Đây là những thanh niên khiếm thị tiêu biểu nhất được ban tổ chức chương trình “Tuyên dương thanh niên khiếm thị năm 2016” lựa chọn từ rất nhiều đề cử và được Hội người mù TP Hà Nội vinh danh tại hội nghị diễn ra vào ngày 13/10.  

Biểu dương 9 thanh niên khiếm thị tiêu biểu của TP Hà Nội

Chương trình “Tuyên dương thanh niên khiếm thị năm 2016” của Hội người mù TP Hà Nội được tổ chức nhằm kịp thời tôn vinh những điển hình thanh niên khiếm thị tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực; tạo động lực phát triển tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, sản xuất; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước;Thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với nhiệm vụ chăm lo giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ người khiếm thị trẻ; Chia sẻ, hướng dẫn hỗ trợ hoạt động của Ban Cán sự trẻ của các đơn vị trực thuộc.

Đặc biệt đây là một trong những hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội người mù Hà Nội và hướng đến Festival Niềm tin và ánh sáng lần thứ 3, năm 2017.

9 điển hình thanh niên khiếm thị là những câu chuyện hay, là  tấm gương giàu nghị lực, dám nghĩ dám làm để vượt qua khó khăn của tật nguyền, là những bông hoa tươi thắm nhất và đẹp nhất trong vườn hoa nghị lực.

Ca sĩ trẻ khiếm thị 16 tuổi Thảo Đan

Đó là một Thảo Đan – HV HNM quận Đống Đa đam mê với âm nhạc và tìm được ánh sáng từ âm nhạc. Do bị sinh thiếu tháng nên Thảo Đan đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng của đôi mắt. Nhưng bù lại Đan đã may mắn hơn nhiều người khuyết tật khi được sinh ra trong tình yêu của cha mẹ, được sống trong môi trường hạnh phúc, được tạo điều kiện thuận lợi. Chính ba mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho Đan và khi tham gia học tập tại trường  Nguyễn Đình Chiểu, Đan nhận ra rằng mình không phải là người duy nhất thiệt thòi như vậy nên đã nỗ lực làm mọi thứ. Hiện nay Đan đang theo học đồng thời 02 trường là Học văn hoá tại trường Nguyễn Văn Tố và theo đuổi đam mê âm nhạc tại trường học viện âm nhạc Việt Nam.

Vận động viên cờ vua Hồng Châu

Còn Nguyễn Thị Hồng Châu – HV HNM quận Hoàn Kiếm sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em đều là người khiếm thị.Từ bé, bố mẹ đã dạy chị phải sống tự lập, không ỷ lại vào sự khuyết tật của mình để người khác phải quan tâm lo lắng cho nên việc gì trong khả năng mình có thể làm được là chị gắng sức để bố mẹ không phải bận về mình và cũng là để rèn luyện bản thân.

Từng giành nhiều thành tích cá nhân, mang về vinh quang cho thể thao người khuyết tật Việt Nam, nhưng với Châu, niềm vui sống, hạnh phúc có được nhờ thể thao còn quan trọng hơn những tấm huy chương.

Một người bị khiếm thị nhưng lại chơi cờ rất thuần thục,thậm chí còn chơi rất xuất sắc, tham gia giải đấu cấp cao. Nó đòi hỏi ở người vận động viên một nghị lực gấp 10, gấp trăm lần người bình thường, để không chỉ tiến lên trong sự nghiệp mà còn chống đỡ lại những cơn đau đến mỗi khi trái gió trở trời.

Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa Đỗ Thuý Hà

Số phận nghiệt ngã đã khiến Đỗ  Thúy Hà – Chủ tịch HNM quận Đống Đa mất đi ánh sáng của đôi mắt từ khi còn rất nhỏ, nhưng không thể cướp từ chị niềm tin vào cuộc sống và sự nỗ lực của bản thân. Với những nghị lực phi thường, Đỗ Thúy Hà đã tìm lại ánh sáng cho cuộc đời mình và chia sẻ với những số phận kém may mắn khác

Nhận ra rằng để sống có ích và hạnh phúc phải cố gắng nhiều hơn so với người bình thường. Chính vì vậy, Chị Đỗ Thúy Hà đã không ngừng nỗ lực để đạt những kết quả đáng khâm phục: một trong 7 đại diện của 7 nước Châu Á - Thái Bình Dương nhận học bổng Duskin du học tại Nhật Bản; tốt nghiệp khoa Tiếng Anh của Viện Đại học Mở.

Chị đã được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh "Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang; năm 2016 được là một trong 9 cá nhân được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016” trong lĩnh vực hoạt động xã hội - từ thiện.

 Toạ đàm giao lưu với các thanh niên khiếm thị tiêu biểu

Nghị lực sống ở người lành lặn đủ đầy đã quí, nghị lực sống ở những người khuyết tật là cả gia tài mà họ có, để sống tiếp, sống tốt và sống có ích cho xã hội. Nhìn những nụ cười này, không ai có thể hình dung ra hết những khó khăn mà số phận đã đặt lên vai các chị nhưng họ đã vươn lên như những đóa hoa và tỏa ngát hương thơm đó là nhờ sức mạnh của tình yêu, tình yêu cuộc sống và tình yêu giữa con người với con người….

Thành Nguyễn