(HNM Hà Nội) - Chỉ sau 12 năm hình thành và phát triển, Đại Lâm đã trở thành một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực tổ chức sự kiện tại Việt Nam. Rất nhiều hoạt động, chương trình lớn, mang tầm vóc quốc gia của các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Mộc Châu… được cán bộ- nhân viên Đại Lâm thực hiện, triển khai một cách bài bản và chuyên nghiệp đến từng chi tiết, mang lại sự hài lòng, tin tưởng tuyệt đối cho khách hàng. Điều bất ngờ và ít ai biết được rằng, đứng phía sau sự thành công đó lại là một chàng trai khiếm thị 39 tuổi - anh Trần Văn Tùng, Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện Đại Lâm.

Được gọi bằng nhiều biệt danh dành cho cá nhân như Tổng đạo diễn, Tổng biên tập… nhưng đối với vị giám đốc Đại Lâm Trần Văn Tùng thì có được thành quả ngày hôm nay là nhờ 2 mái ấm gia đình: Sự gắn bó, đoàn kết của anh chị em trong “gia đình” Đại Lâm và sự cảm thông, chia sẻ của người thân trong gia đình ruột thịt, đặc biệt là người vợ thân yêu của anh, chị Dương Thị Yến.   



Tác giả Thành Nguyễn đã có cuộc trao đổi với anh Trần Văn Tùng – GĐ Công ty Tổ chức sự kiện Đại Lâm. Qua câu chuyện này, chúng ta sẽ hiểu hơn về công việc của những người khiếm thị và hơn cả là về khả năng của họ, nếu được hỗ trợ họ sẽ tham gia và làm tốt được tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

- Thưa anh, để có được sự tự tin như ngày hôm nay chắc chắn rằng anh đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Anh có thể chia sẻ với các độc giả về điều này?

Trước khi bị bệnh mắt thì tôi là một người rất yêu đời. Tôi tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khoa Tài chính Ngân hàng và tôi rất lạc quan với tương lai rạng ngời, với nhiều dự định trong công việc và luôn luôn thấy cuộc sống của mình tươi đẹp. Thời điểm đó, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc tại một ngân hàng nhà nước được 2 năm thì đột nhiên 2 mắt không nhìn thấy gì nữa. Nguyên nhân bệnh mắt của tôi là teo dây thần kinh thị giác và dẫn đến cả 2 mắt gần như bị hỏng hoàn toàn. Tôi được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi, từ bệnh viện Mắt TW, sang nước ngoài điều trị, ngoài ra còn tìm đến những người có chuyên môn cao như Giáo sư Nguyễn Tài Thu để châm cứu hoặc tìm những phương pháp cấy chỉ, cách chữa của các chuyên gia người Nga… Nhưng với tất cả các phương pháp đó chỉ giúp tôi le lói một chút ánh sáng. Tôi là người con cả trong một gia đình, Mọi người luôn hy vọng vào tương lai. Khi tôi bị bệnh mắt như thế, người thân của tôi hoàn toàn bị suy sụp.        

-  Trước bước ngoặt của cuộc đời như vậy thì tâm trạng của anh có những biến chuyển ra sao, thưa anh?       

 

Những ngày đầu bị bệnh tôi rất bi quan và chán chường. Tôi không còn một chút hy vọng gì với cuộc sống và không còn có một lối thoát. Bên cạnh đó, rất nhiều dự định cũng tan biến. Có một lần tôi được giáo sư  người Pháp điều trị và ông ấy có nói với tôi là: Lần này bạn phải nghe tôi, không thể không nghe.

Bệnh của bạn, y học trên thế giới đã không làm gì được, chứ không nói gì đến Việt Nam, vì vậy bạn nên chấp nhận điều đó… Tôi rất buồn. Ngày xưa tôi rất thích đọc sách, một ngày có thể đọc một cuốn. Khi bị hỏng mắt, tôi không thể đọc được nữa. Quan trọng hơn, việc giao tiếp, việc đi lại – là thói quen, là tính cách của tôi, giờ tôi không thể tự lập được, bị hạn chế, thụ động… Tôi cảm nhận mình đang bước vào một ngõ cụt của cuộc đời. 
 -  Và đã có người đưa anh ra khỏi cái ngõ cụt tăm tối đó phải không, thưa anh?

Vợ tôi chia sẻ với tôi như thế này: Anh ạ, ông trời sẽ không lấy của ai tất cả đâu, ông trời lấy đi của anh đôi mắt, ông trời sẽ cho anh nhiều thứ… Khi tôi bị bệnh mắt, vợ tôi luôn luôn chăm sóc, chia sẻ với tôi, từ việc tìm một phương thuốc chữa bệnh cho tôi, dành thời gian hàng ngày đọc báo, đọc sách cho tôi nghe. Tôi thấy vui hơn và cảm nhận cuộc sống có thể không đầy đủ bằng người khác nhưng hơn cả là tôi có một người vợ biết thông cảm, chia sẻ khó khăn với người chồng bị khiếm thị. Đi ra đường cũng chở tôi đi, có vật cản vướng víu cũng đều tìm cách dẫn dắt tôi qua, đến những bữa ăn có miếng ngon đều dành cho tôi… Tôi may mắn vì có một người vợ như thế!          

- Trở lại với niềm vui cuộc sống, anh đã gây dựng Đại Lâm trong hoàn cảnh nào thưa anh?

Sau một thời gian điều trị bệnh mắt mà không đem lại nhiều hiệu quả, tôi suy nghĩ mình không thể không làm gì. Tôi đã cùng vợ tôi kinh doanh nhiều mặt hàng như đồ lưu niệm, đại lý bưu điện… Tuy nhiên, những lĩnh vực này cũng bão hoà theo sự phát triển của đời sống. Có một người bạn nói với tôi rằng: Nếu không làm tớ thì hãy làm chủ. Tôi tìm hiểu ,học hỏi thêm kinh nghiệm của những anh chị, bạn bè làm doanh nghiệp và quyết định năm 2004 thành lập Công ty Tổ chức sự kiện Đại Lâm.

Giai đoạn đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về tài chính, chuyên môn và con người nhưng bằng sự đồng lòng, quyết tâm, Đại Lâm của chúng tôi đã vận hành theo đúng quỹ đạo. Hiện nay, “gia đình” Đại Lâm có 15 cán bộ, nhân viên chính thức cùng với rất nhiều cộng tác viên năng động và sáng tạo trên toàn quốc.            

- , Vậy, với các thành viên trong “gia đình” Đại Lâm, một giám đốc khiếm thị như anh sẽ có phương cách nào để gắn kết họ thành một khối thống nhất,thưa anh?

Trong công việc kinh doanh tôi luôn luôn có một triết lý là một bồ cái lý bằng một tí cái tình, người ta khó khăn cũng là mình khó khăn. Tôi học được điều này từ những người thầy, các anh chị đi trước dạy cho tôi. Tôi thường xuyên chia sẻ với các bạn nhân viên trong công ty về hoàn cảnh của mình. Không phải để tìm lòng thương hại của người ta mà tôi chia sẻ để họ có thể hỗ trợ cho tôi hết mức. Ngoài ra, tôi cũng tổ chức những hoạt động mang tính chất gắn kết giữa các phòng ban, giúp các anh chị em Đại Lâm đoàn kết,, tương trợ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Rất may các bạn trẻ đều thấu hiểu việc làm ý nghĩa này. Bất kỳ ai tại Đại Lâm có khó khăn, cần sự giúp đỡ, tôi sẵn sàng hỗ trợ và coi họ như một người em, một thành viên trong gia đình của tôi.    

-  Thưa anh, để làm được trong lĩnh vực tổ chức sự kiện đòi hỏi phải có sự quan sát, cập nhật thông tin một cách thường xuyên và chuẩn xác nhất. Trong khi đó, anh  đang bị hạn chế điều này, 12 năm qua, anh đã làm thế nào để quản lý, điều hành doanh nghiệp của mình cũng như được đối tác tin cậy?

Tôi có một suy nghĩ là nếu việc gì tôi không làm được thì cho nhân viên làm, không cần phải trực tiếp mình làm. Nhân viên làm tốt thì công ty sẽ tốt. Tôi luôn giao việc cho từng người một và kiểm tra trước khi mọi người thực hiện. Bên cạnh đó là các cuộc họp, cập nhật thông tin báo cáo về công việc của anh chị em trong quá trình triển khai.

Đã có nhiều khách hàng cũng bắt đầu nghi ngờ và biết tôi là người khiếm thị. Tuy nhiên, trong 12 năm qua, chưa có khách hàng nào suy nghĩ xấu về công ty hoặc về bản thân tôi cả. Và Đến giờ, Công ty Đại Lâm đã trở thành một nhà tổ chức sự kiện có thương hiệu tại Việt Nam, có nhiều bạn hàng đã tin tưởng Đại Lâm, đưa Đại Lâm vào danh sách đối tác truyền thống của họ. Tôi mong rằng công ty sẽ trở thành một gia đình Đại Lâm lớn mạnh!     

-  Ngoài thời gian tại công ty, anh còn dành nhiều thời gian tìm hiểu, tiếp xúc cộng đồng người khuyết tật và người khiếm thị trong xã hội. Hoạt động này đã giúp cho anh điều gì thưa anh?

Tôi nghĩ rằng không ai không có niềm vui. Tôi luôn luôn tìm đến những người có hoàn cảnh giống mình để chia sẻ niềm vui cùng họ và tăng thêm nghị lực cho bản thân mình. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người khiếm thị, người khuyết tật như bạn Hải Vân, anh Sơn Hà, bạn Trung Thái, bạn Công Hùng… Họ thật tuyệt vời. Họ không những sử dụng máy tính rất tốt mà còn rất yêu đời, luôn cười và có suy nghĩ tích cực. tôi đáng học hỏi những con người như thế để mình phấn đấu và vượt qua khó khăn của cuộc sống.      

-  Kết thúc buổi trò chuyện ngày hôm nay, anh có thể gửi tới các bạn trẻ khiếm thị lời  chia sẻ  cũng như tâm sự về những dự định của mình trong tương lai?

Tôi đã từng gặp gỡ người khuyết tật và trải qua nhiều chuyến đi làm từ thiện, tôi có thêm nhiều nghị lực sống, niềm tin vào ngày mai. Tôi tự hỏi mình là sau những chuyến đi đó  phải làm gì cho xã hội, cho cộng đồng người khuyết tật? Tôi đang xây dựng kế hoạch trở thành một diễn giả - diễn giả chia sẻ những khó khăn, niềm vui, nghị lực sống cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, giúp các bạn có hy vọng vào cuộc sống,  vào tương lai tốt đẹp hơn.        

Vâng, một lần nữa rất cảm ơn anh Trần Văn Tùng đã tham gia cuộc phỏng vấn này,. 
Chúc anh và gia đình Đại Lâm luôn đạt được nhiều thành công trong cuộc sống! 

 



Thành Nguyễn (thực hiện)