(HNM Hà Nội) - Tôi sinh ra tại một làng quê trồng đào nổi tiếng thuộc ngoại ô Hà Nội trước đây, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Tôi là chị cả trong gia đình có ba chị em. Lúc sinh ra, sức khỏe không được tốt,nhưng Tôi cũng chỉ bị cận bẩm sinh. Cuộc sống diễn ra êm đềm bên gia đình, Tôi vẫn đi học và mơ ước sẽ trở thành cô giáo. Ngoài giờ đến trường, Tôi phụ giúp cha mẹ chăn nuôi và các công việc đồng áng khác.Bà con làng xóm vẫn bảo Tôi có ngoại hình ưa nhìn với mái tóc dài kín lưng và sau này chắc sẽ có nhiều chàng trai trong làng để ý tới…

   Nhưng cuộc sống lại không chiều lòng người, sau một lần bị sốt cao cùng các cơn đau đầu kéo dài, đôi mắt Tôi mờ hẳn đi. Nhìn mọi thứ xung quanh rất khó khăn, chỉ nhận ra mọi người qua dáng dấp quen thuộc hay màu sắc quần áo. Muốn nhìn rõ vật gì là phải đưa sát tận mắt. Từ đó, Tôi phải nghỉ học và môi trường giao tiếp của tôi cũng thu hẹp dần. Tôi sống khép kín với một vài công việc đơn giản trong khu vườn của gia đình. Tôi chỉ quẩn quanh ở nhà và trò chuyện với cha mẹ và các em của mình, rất nại tiếp xúc với người xung quanh. . Cuộc sống cứ như vậy trôi đi cùng những năm tháng tuổi xuân. Tôi luôn có ý nghĩ mình là người thừa, là kẻ vô dụng và hết sức bi quan về tương lai sau này.
          Nhưng vào một ngày đầu năm 1997, lúc Tôi gần ba mươi tuổi, một sự kiện đã đánh dấu sự sang trang mới của cuộc đời tôi. Khi biết được hoàn cảnh của tôi, Hội Người Mù quận Tây Hồ đã cử cán bộ đến thăm gia đình và động viên tôi tham gia sinh hoạt Hội. Ngày đầu tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ và ngại ngùng. Nhưng với sự tận tình hướng dẫn và động viên tinh thần của những hội viên đi trước, Tôi đã dần hòa nhập và bớt đi mặc cảm. Chính ở nơi đây, Tôi đã gặp nhiều người có hoàn cảnh còn vất vả, khó khăn hơn mình. Nhưng mỗi khi tiếp xúc, tôi đều thấy họ toát lên niềm tin và sự lạc quan. Nghị lực sống của họ đã lan tỏa sang Tôi. Và Tôi tự nhủ với lòng mình phải yêu cuộc sống hơn và cố gắng vươn lên để mình không phải là gánh nặng của những người xung quanh.
   Vào sinh hoạt hội, Tôi được học chữ nổi, học cách phục hồi chức năng, học đan lát, làm tăm tre chổi đót và được tham ga lao động tại cơ sở sản xuất của Hội. Thời gian đầu, Tôi gặp biết bao khó khăn. Nhưng được sự hướng dẫn tận tình của những người đồng tật và nhất là khi chứng kiến những động tác thuần thục của những người có thị lực kém hơn mình, tôi càng có động lực phấn đấu hơn. Sau thời gian rèn luyện và cố gắng, Tôi đã nâng cao tay nghề, làm ra các sản phẩm nhanh hơn, đẹp hơn. Tôi nhớ mãi cảm xúc vui sướng, khi lần đầu tiên được nhận những đồng tiền do bán những gói tăm, cây chổi từ sức lao động của chính mình. Năm 2003 Tôi được Hội cho đi học lớp Bấm huyệt tẩm quất và sau đó làm việc tại cơ sở Ánh Sáng của Hội. Không chỉ tích cực la động sản xuất, Tôi còn hăng hái tham gia các phong trào hoạt động khác của Hội. Chúng tôi không chỉ hoạt động trên địa bàn quận Tây Hồ, mà còn có những buổi giao lưu với các Hội bạn. Và trong một chuyến đi như vậy Tôi đã gặp một bạn trai có cùng hoàn cảnh giống mình. Chúng tôi đã tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc ở Hội cũng như trong cuộc sống. Năm 2010, chúng tôi kết hôn và cùng nhau mở cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất riêng tại nhà. Cuộc sống của chúng tôi hiện tại rất bình dị, đôi lúc còn vất vả, nhưng chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Tôi thấy mình thật may mắn khi được tham gia sinh hoạt và trở thành hội viên của Hội. Chính nhờ sự định hướng, giúp đỡ của Hội mà tôi đã có nghề nghiệp, việc làm và tìm được hạnh phúc riêng. Giờ đây Tôi đã có cuộc sống như những người phụ nữ bình thường khác, được yêu thương được chăm lo hạnh phúc gia đình nhỏ bé của mình. Và điều có ý nghĩa hơn nữa là Tôi đã tìm lại được ánh sáng trong đôi mắt khiếm thị của mình, để hòa nhập vào một cuộc sống ngày càng tươi sáng hơn.

     NGUYỄN THỊ NGỌC ANH (Hội người mù Quận Tây Hồ)             
  
Bài viết đt gii khuyến khích ca cuc thi “Ph n khiếm th cùng nhau viết câu chuyn ca chúng ta” do Hi Người mù Thành ph Hà Ni t chc