(HNM Hà Nội) - Cuộc đời của mỗi người đều có lúc thăng, lúc trầm và cũng có lúc tưởng chừng như rơi vào tuyệt vọng. Bạn và tôi, không ai trong chúng ta có thể biết được điều gì sẽ xảy ra với mình trong tương lai.

Cách đây 3 năm, tôi vẫn là một cô bé vui tươi, nhí nhảnh và xinh xắn. Sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi học ở trường, tôi đều được thầy cô và bạn bè yêu mến. Đang trong tuổi ước mơ với bao hoài bão của cô bé cuối lớp 12. Thời gian ấy vào đầu những tháng mùa hạ - tháng của mùa thi khi tôi và các bạn đang mải miết ôn tập chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp và Đại học - Đó như một cánh cửa quan trọng nhất mà hơn bao giờ hết đòi hỏi tôi cần phải vượt qua. Nhưng rồi bỗng nhiên những cơn đau đầu xuất hiện, các trận sốt liên miên đến với tôi, làm tôi phải nghỉ học vào những tháng cuối cùng của năm học lớp 12. Ôi! Bao hoài bão, ước mơ được bước chân đến giảng đường đại học của tôi xụp đổ. Tôi chẳng hiểu mình bị bệnh gì? Chỉ nghe bác sĩ nói với cha mẹ tôi rằng “tôi bị mắc căn bệnh lao màng não”; Đây là căn bệnh rất ít người mắc phải. Từ đó mắt tôi cứ mờ dần và không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Lúc này, tôi đã bị rơi vào cảm giác rất tuyệt vọng. Tôi luôn cảm thấy rất tủi thân và có cảm giác mình bị mọi người xa lánh. Từ chỗ mọi việc cá nhân đều tự giải quyết một cách dễ dàng như: Giúp đỡ mẹ dọn hàng để bán nước, nấu cơm, đi chợ…. Đến khi không nhìn thấy làm việc gì cũng thấy khó khăn và phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, chẳng giúp đỡ được gì cho gia đình còn làm mọi người lo lắng thêm cho tôi. Tôi không biết mình phải làm gì cho quãng đường dài phía trước. Tuổi còn quá trẻ, con đường cắp sách tới trường còn dang dở. Cuộc đời tôi tưởng chừng cứ mãi mãi chìm trong bóng tối.

Thế rồi, trong một lần gặp mặt của gia đình, tôi đã được bác Nguyễn Thị Lô giới thiệu vào sinh hoạt tại Hội Người mù quận Ba Đình. Lúc đầu tôi còn do dự, vì sự mặc cảm tự ti, như­ng rồi dần dần tôi chợt hiểu rằng, thời gian không chờ đợi một ai, sau này tôi sẽ phải một mình tự vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Vậy là tôi đã  mạnh dạn viết đơn tham gia vào tổ chức Hội. Sau khi vào Hội, tôi đã được gặp các bác, các cô chú, các anh các chị là những người cùng cảnh ngộ như tôi. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên đó là mọi người rất lạc quan và yêu đời. Thế là, tôi được mọi người giúp đỡ; Được dạy cách đi lại, dạy tôi cách ứng xử, giao tiếp của người khiếm thị. Một cảm nhận của tôi lúc này là mọi người quan tâm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau như anh em trong một nhà; Chính sự hòa đồng đã khiến tôi như đang sống ở nhà mình vậy. Tôi thấy đây như là ngôi nhà thứ hai của mình, nên phải luôn trân trọng và yêu mến. Từ đó, tôi lấy lại được thăng bằng; Tôi vui vẻ và hoạt bát hơn trước. Tôi tham gia vào đội văn nghệ của Hội người mù quận Ba Đình, tham gia các câu lạc bộ ca hát hàng tháng do Hội tổ chức, gần đây nhất tôi đã cùng các cô chú đại diện cho cụm thi đua số 1 tham gia một tiết mục trong buổi liên hoan văn nghệ “ Mùa thu Hà Nội - Vang mãi niềm tự hào” do Thành hội tổ chức. Các cô chú động viên tôi phải học được chữ BRAI, chữ giành riêng cho người khiếm thị để tôi biết chữ và có thể giúp tôi theo học các lớp học vi tính, xoa bóp tẩm quất cổ truyền. Chính vì thế Tôi quyết tâm học chữ nổi và được bác Lô dạy cho tôi. Những ngày đầu học chữ với tôi rất khó khăn tôi phải làm quen với các chấm nhỏ li ti và phải cảm nhận chúng ở các đầu ngón tay. Tôi phải tập trung để nhận biết mặt chữ, nhiều lúc chúng làm tôi đau đầu muốn bỏ cuộc cũng vì căn bệnh của tôi nó như muốn kéo tôi tụt khỏi cái đích mà tôi đang muốn chinh phục. Nhưng với sự tận tình của Bác Lô cùng sự động viên khích lệ của các cô, các bác trong Hội và gia đình đã làm tôi vượt qua khó khăn một lần nữa, giờ đây tôi đã biết đọc biết viết chữ BRAI. Khi tôi học chữ xong Hội đã cử tôi đi học lớp xoa bóp bấm huyệt tại Trung Tâm phục hồi chức năng của Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Tham gia khóa học xoa bóp tôi còn gặp gỡ và làm quen được nhiều bạn hơn, qua đây tôi mới biết một cô bé như tôi lại là người 
may mắn hơn bao người khác cùng cảnh ngộ. Các bạn ở tỉnh lẻ về theo học còn thiếu thốn rất nhiều, cuộc sống rất khó khăn vất vả, bố mẹ quanh năm trông chờ vào hạt thóc hạt gạo nuôi sống cả gia đình. Tôi thấy mình thật may mắn biết bao khi sống giữa Thủ đô anh hùng. Từ đó tôi tự nhủ với lòng mình là Tôi cần phải chăm chỉ học tập và rèn luyện để mong muốn trở thành một người có ích cho xã hội, một kỹ thuật viên xoa bóp giỏi với thu nhập ổn định để tự nuôi sống bản thân, mà không phải dựa vào cha mẹ nữa.

Mặc dù con đường tương lai còn nhiều khó khăn gian khổ đang đòi hỏi tôi phải cố gắng vượt qua, nhưng tôi luôn tin rằng với sức của tuổi trẻ, sự quyết tâm và sự động viên khích lệ của mọi người nhất định tôi sẽ thành công.  

     THÁI DIỆU LINH (Hội người mù Quận Ba Đình)
Bài viết đạt giải khuyến khích của cuộc thi “Phụ nữ khiếm thị cùng nhau viết câu chuyện của chúng ta” do Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức