(HNM Hà Nội) - Trong cuộc sống, ai cũng có nhiều niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Nhưng quan trọng nhất là mỗi người biết vượt qua bệnh tật, bất hạnh để vươn lên sống có ích cho gia đình và xã hội. 
Cuộc đời tôi, vui rất nhiều mà buồn cũng không ít, nó lặng lẽ trôi đi theo thời gian, bình thường và giản dị.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đan Phượng (huyện ngoại thành của Hà Nội). Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm một tuổi, mắt tôi bị bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc do sốt cao biến chứng. Năm 2000 tốt nghiệp hết cấp 3, ước mơ vào đại học của tôi phải gác lại bởi mắt không thể nhìn, đọc, viết được chữ đen nữa. Mắt kém, tôi quanh quẩn phụ giúp bố mẹ và hai em công việc trong nhà. Mơ ước được tiếp tục học lên cao và tìm được nghề phù hợp với mình là khao khát lớn nhất lúc này với tôi. Sau một lần tình cờ nghe đài nói về học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, tôi và chị họ tìm đến Trường Nguyễn Đình Chiểu và được thầy phó hiệu trưởng khuyên tôi nên về Hội người mù ở địa phương tham gia. Đầu năm 2005, chị họ đưa tôi đến trụ sở của Hội người mù huyện Đan Phượng và ngay sau đó, tôi được kết nạp vào Hội. Vào sinh hoạt Hội, tôi rất khâm phục nghị lực sống vươn lên của anh, chị em. Tiếp xúc trò chuyện với họ tôi thấy gần gũi, cởi mở và hơn cả là sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ. Tính tự ti, mặc cảm ngơi dần, tôi hòa đồng hơn với anh chị em trong Hội và bạn bè ở nhà.

Những lần sinh hoạt Hội, tôi được sờ xem những quyển sách, quyển báo chữ nổi. Tôi lật từng trang chỉ là những chấm nhỏ như những hạt vừng nổi trên trang sách. Tôi thật sự lúng túng không biết làm thế nào để đọc được những dòng chữ này, bởi trước khi vào Hội cứ nghĩ chữ nổi là chữ viết bình thường mà tôi đã học in nổi trên giấy. Tháng 4-2006, tôi được Hội cử đi học lớp M2 (dành cho ủy viên ban chấp hành các huyện Hội tỉnh Hà Tây). Ở lớp học, tôi được làm quen với bảng, bút viết, cách sờ đọc chữ, viết chữ. Thật kì diệu từ những chấm nhỏ đã tạo nên những chữ cái, con số, những kí hiệu toán học... làm tôi thích thú, say mê tìm hiểu học tập.
Sau hai tháng, tôi đã đọc được sách báo và viết chữ nổi (còn gọi là chữ BRAILLE) thành thạo, tiếp sau khóa học chữ tôi tham gia học nghề xoa bóp bấm huyệt, đang là nghề mũi nhọn và phù hợp với người mù nhất do tỉnh Hội người mù Hà Tây mở. Nhận tấm bằng nghề xoa bóp bấm huyệt loại khá do Học viện y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh cấp, tôi trở thành một kĩ thuật viên xoa bóp bấm huyệt và xin vào làm cho cơ sở tẩm quất của người mù “Tuấn Lộc” ở số nhà 4 ngõ 508 đường láng, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Ở đây, bằng vốn nghề đã có, sự khéo léo của đôi bàn tay lao động chuyên cần, tôi đã tạo được thu nhập ổn định hàng tháng, đảm bảo cho sinh hoạt của bản thân và góp một phần nhỏ giúp đỡ gia đình.

Giữa năm 2007, tôi tham dự lớp “Tin học cơ bản cho người mù” tại Trường Trung cấp kinh tế kĩ thuật Hà Nội. Máy tính công nghệ thông tin trước đây với tôi, đó là một điều viển vông phi thực tế, bởi suy nghĩ “đã không còn nhìn được sao có thể sử dụng máy tính được”. Nhưng nhờ sự trợ giúp của phần mềm đọc màn hình “Jaws” và bộ đọc tiếng việt Sao Mai, tôi sử dụng máy tính thành thạo để soạn thảo văn bản, trình duyệt Web, gửi và nhận thư điện tử, vào mạng đọc báo, đọc truyện, nghe nhạc...thời gian rảnh rỗi, tôi say mê khám phá công nghệ thông tin, vào Internet giải trí bên chiếc máy tính mua được bằng tiền dành dụm của mình. Tôi cảm thấy yêu đời không còn cảm giác buồn phiền chán chường. Nhờ có máy tính hỗ trợ cùng với chữ Braille, tôi vừa đi làm vừa theo học ngành luật kinh tế hệ từ xa của Viện đại học mở Hà Nội, khóa học 2007-2012, thỏa mãn ước mơ được học tập trên giảng đường đại học và trở thành một cử nhân luật kinh tế.

Cuộc sống luôn thay đổi bất ngờ và diệu kì. 
Tháng 8/2009, tôi gặp anh khi anh chuyển đến làm ở chỗ làm của tôi. Anh tên là Giang, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, bị hỏng mắt từ năm lên 4 tuổi do sởi biến chứng. Mặc cho những lời đàm tiếu của mọi người và sự chênh lệch tuổi (bởi tôi hơn anh 4 tuổi), ngoại hình tôi bình thường tính cách ít nói nhút nhát; khi cùng làm việc với nhau, từ sự đồng cảm quan tâm chia sẻ chân thật với nhau, hai chúng tôi nguyện gắn bó với nhau cùng sánh bước đồng hành trên con đường đi tới tương lai. Với những người phụ nữ hỏng mắt, ước mơ về một gia đình hạnh phúc bên người chồng yêu thương và những đứa con ngoan ngoãn chẳng thể có được và thật xa vời. Người thì chịu ngậm ngùi cay đắng dừng lại ở một tình yêu đẹp; người thì chọn con đường mà tạo hóa ban cho người phụ nữ, đó là thiên chức làm mẹ, đơn thân nuôi con; tuy nhiên cũng có người đã tìm được gia đình hạnh phúc của riêng mình bởi họ quyết tâm bên nhau và được người thân thương yêu, hết lòng giúp đỡ ủng hộ. Người phụ nữ khi xây dựng gia đình ngoài công việc xã hội, họ còn phải lo việc nội trợ, đối nội, đối ngoại trong gia đình và trên tất cả là việc chăm sóc nuôi dạy con cái. Đối với người phụ nữ mù để thực hiện tốt vai trò làm vợ, làm mẹ gặp rất nhiều khó khăn và chính vì lí do này, nhiều đôi yêu nhau không quyết tâm tới cùng hoặc do gia đình ngăn cản mà phải chia tay trong nuối tiếc. Vì lo ngại cuộc sống sau khi lấy nhau của hai chúng tôi sẽ vất vả và bổn phận của người vợ, người mẹ, tôi không thể làm tròn nên gia đình anh không đồng ý chấp nhận cuộc hôn nhân của hai chúng tôi. Tháng 3/2011, tôi sinh được một bé trai kháu khỉnh. Hiện nay tôi gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Hai chúng tôi cùng làm xoa bóp tại cơ sở của người mù “Quang Thủy” cách nhà tôi khoảng 3 km để tiện về thăm và chăm sóc con.

Hạnh phúc của tôi có thể chưa hoàn toàn trọn vẹn nhưng tôi hài lòng với hiện tại bên sự yêu thương của anh, của những người thân, bạn bè và hạnh phúc không gì sánh hơn là cậu con trai ngoan ngoãn của mình. Cuộc đời tôi thay đổi từ khi tham gia vào Hội người mù Đan Phượng. Nếu không tham gia vào Hội, liệu bây giờ tôi như thế nào? Hay vẫn là một người khép chặt tâm hồn mình ở nhà? Hội là nơi gắn kết những người như tôi lại để sẻ chia những lúc vui buồn, ốm đau, bệnh tật. Hội là cầu nối không chỉ cho người mù có những buổi giao lưu văn nghệ, những buổi họp cùng nhau trao đổi những kĩ năng sống, các kiến thức làm kinh tế, các hiểu biết xã hội. Hội đã tạo ra cơ hội cho tôi, những người khiếm thị được học tập, được tiếp nhận công nghệ thông tin nâng cao trình độ văn hóa. Hội còn là “kim chỉ nam” trong hướng nghiệp: dạy nghề, việc làm cho người khiếm thị. Ngoài các nghề: tăm, hương, chổi, chăn nuôi v.v. Hiện nay, xoa bóp bấm huyệt là một nghề mũi nhọn, phù hợp và cho thu nhập tương đối ổn định với người mù nhất. Bên cạnh đó, các quán tẩm quất trá hình của người mắt sáng thi nhau mọc lên, lợi dụng danh nghĩa xoa bóp gây ra các tệ nạn xã hội, làm cho nhận thức của xã hội về nghề xoa bóp của người mù bị suy giảm lệch lạc. Chính vì vậy, các chị em như tôi chưa thực sự yên tâm, không đủ tự tin tâm huyết với nghề này. Hội chúng ta phải làm sao để nghề xoa bóp không bị mai một và ngày càng có chỗ đứng trong xã hội. Hội phối hợp tuyên truyền, kêu gọi Đảng và nhà nước quan tâm hơn nữa đến học tập, lao động, vui chơi giải trí góp phần cho người khuyết tật trong đó có người mù được hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Hạnh phúc trong cuộc sống bao hàm nghĩa rất rộng: với người nghèo hạnh phúc là miếng cơm, manh áo ấm; với người tàn tật, hạnh phúc là tự được khẳng định chính mình; với tôi, hạnh phúc là được học tập, lao động, được sống bên những người yêu thương. Và nhịp cầu mang hạnh phúc đến cho cuộc đời tôi chính là Hội.

     NGUYỄN THỊ KIM DUNG (Hội người mù Huyện Đan Phượng)
  Bài viết đạt giải khuyến khích của cuộc thi “Phụ nữ khiếm thị cùng nhau viết câu chuyện của chúng ta” do Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức