(HNM Hà Nội) - Phòng truyền thống của Hội người mù huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội được bài trí đơn giản. Trên tường phủ kín các hình thức khen thưởng như: Huân chương Lao động hạng ba, cờ thi đua xuất sắc, bằng khen, giấy khen… Đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đối với sự phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ, hội viên. Người có công lớn trong sự phát triển vững mạnh của tổ chức là anh Đàm Quyết Tiến-Chủ tịch Huyện hội-nhạc trưởng trong dàn đồng ca nhân ái của người khiếm thị huyện nhà, được hội viên nhắc tới bằng cái tên thân mật”người anh cả của Hội”.

Mùa hè năm 1982 anh sang nước bạn học tập và làm việc. Những tưởng tương lai tươi sáng đang mỉm cười với anh… Nhưng rồi tai họa ập xuống đã cướp đi nguồn sáng quý báu của cuộc đời. Trở về nước trong sự bủa vây của bóng tối, với chuỗi ngày buồn dài lê thê.Chẳng biết đời anh sẽ trôi về đâu nếu không có “sự kiện” ấy.

Tình cờ qua radio anh biết câu chuyện về một người có chung cảnh ngộ nhưng với lòng quyết tâm đã vượt lên sự nghiệt ngã của số phận để xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Tấm gương sáng ấy đã kéo anh ra khỏi mảnh đất u ám của “thần sầu”.

Vào Hội năm 1991 anh được đi học chữ brai và học nghề làm chổi chít, tăm tre. Sau quãng thời gian dài sống trong tuyệt vọng, nhờ vào sự cưu mang của người thân nay có thu nhập từ công việc dù chỉ là ít ỏi nhưng cũng đủ làm anh vui khôn tả. Tại đại hội đại biểu lần thứ II anh được bầu vào Ban chấp hành giữ chức vụ Phó chủ tịch Huyện hội. Anh thường xuyên sâu sát phong trào, gần gũi với hội viên. 

Được tín nhiệm, tháng 3 năm 2004 anh giữ trọng trách Chủ tịch Huyện hội. Với bầu nhiệt huyết được hun đúc từ suy nghĩ: “mình phải làm gì đây để giúp những người đồng tật được sống hoà nhập với gia đình và xã hội”!  Khi mới nhận trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan mọi phong trào hoạt động Hội còn cầm chừng. Huyện hội mới chỉ thành lập được 12 Chi hội, vốn vay ít, phong trào văn hoá, văn nghệ nghèo nàn… Sau nhiều đêm trăn trở,anh đã đưa ra bàn thảo với Ban chấp hành: cần phát huy những việc đã làm được và đổi mới phương thức hoạt động. Anh nhận thức “sự thành công bắt đầu từ khâu tổ chức”. Anh vạch ra kế  hoạch rồi trực tiếp làm việc với Đảng ủy, Chính quyền các xã, thị trấn điều tra, thẩm định và tuyên truyền -kết nạp toàn bộ người mù đủ tiêu chuẩn vào Hội, kiện toàn tổ chức ở mười bảy Chi hội đi vào hoạt động có hiệu quả.  Do có sự đồng điệu và thấu hiểu những khó khăn của người đồng tật nên đã thôi thúc anh tích cực khai thác các nguồn vốn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện để chăm lo đời sống vật chất cho hội viên, giúp họcó điều kiện phát triển kinh tế gia đình và  có thêm những gói quà mang nặng nghĩa tình Mỗi dịp tết đến xuân về. Điều anh luôn băn  khoăn là dân trí của người mù còn ở vùng chũng so với mặt bằng xã hội nên anh đã cùng Ban chấp hành xã hội hoá để mở 5 lớp và anh trực tiếp giảng dạy xóa mù chữ brai cho hội viên. Khuyến khích những 
hội viên có năng khiếu tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, nghiên cứu thành lập nhiều loại hình Câu lạc bộ nhằm mang đến cho người khiếm thị những món ăn tinh thần không thể thiếu. Đặc biệt Anh là một “cây bút” sắc sảo. Với bút pháp sinh động, cái tâm trong sáng của người cầm bút. Anh có nhiều tin bài được đăng tải ở báo đài Trung ương và địa phương. Những bài viết gan ruột của anh đến độ chuyên nghiệp, gây ấn tượng cho bao đọc giả. Nhiều lần anh bước lên bục nhận giải như: giải nhì cuộc thi viết Người tốt việc tốt-Nét đẹp đời thường Báo Hà Tây năm 1999, giải nhất cuộc thi tìm hiểu Tạp chí của chúng ta năm 2000 và giải nhì Nguồn sáng cuộc đời năm 2008 do Trung ương HỘI tổ chức… 

Trong thời đại tin học có mặt trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. anh đã tự học chương trình tin học văn phòng có phần mềm đọc màn hình. Do đó anh đã chủ động soạn thảo các loại văn bản hành chính của Hội, nghiên cứu nhiều văn bản pháp quy của Đảng, Nhà nước,từ đó tham mưu với lãnh đạo và ngành chức năng để chính sách an sinh xã hội sớm đi vào cuộc sống người mù. Không chỉ hoàn thành tốt trách nhiệm ở địa phương anh còn tham gia Ban thường vụ Hội người mù Hà Nội khoá VIII, cụm trưởng cụm thi đua số 5 trực thuộc Thành hội. Dù ở vai trò nào anh cũng là một cán bộ Hội gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình, chu đáo trong công việc. Anh cũng sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các Hội bạn.

Với thành tích xuất sắc anh được Trung ương Hội người mù Việt Nam tặng kỉ Niệm chương “Vì hạnh Phúc người mù”, Sở Lao động Thương binh xã hội tặng kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp Thương binh xã hội”, nhiều Bằng khen, giấy khen của Hội và các cấp các ngành.Mới đây nhất, tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến do Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện tổ chức anh vinh dự là một trong 125 bông hoa trong vườn hoa người tốt việc tốt của huyện. Anh còn là một trong hai đại biểu của Hội người mù thành phố tham dự Đại hội thi đua yêu nước của Trung ương Hội người mù việt Nam tổ chức vào cuối năm 2015.

Khi được hỏi: Sau hơn 20 năm hoạt động Hội, điều gì làm anh hài lòng nhất? 
Anh cười giản dị:

Điều khiến tôi vui nhất khi thấy tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, trình độ dân trí của bà con mình đã được nâng lên một bước, đời sống vật chất đã cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi nhanh chóng!

Bằng nghị lực và niềm tin vào cuộc sống, biết vượt lên chính mình. Anh đã và đang cống hiến trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng Hội người mù PhúcThọ ngày càng phát triển vững mạnh. Như con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời- anh là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên ngưỡng mộ, học tập và noi theo.

Hoàng Thị Cúc (Hội người mù Huyện Phúc Thọ)