(HNM Hà Nội) - Khởi nghiệp chỉ với một chiếc máy tính được mua từ số tiền bán 3 sào rau bắp cải của bố mẹ, trong 3 năm qua, chàng trai khiếm thị Lê Ngọc Hoàn đã từng bước đưa cơ sở phân phối ếch giống trở thành Công ty TNHH Thực phẩm Thọ An với 35 lao động khuyết tật trên tổng số 50 nhân viên. Công ty của anh chuyên sản xuất – kinh doanh thực phẩm an toàn, phân phối đến các trường học và siêu thị trên địa bàn huyện Thường Tín, mức thu nhập trung bình ổn định của người lao động từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Câu chuyện dường như không tưởng này đã, đang diễn ra và là niềm tự hào của mỗi người dân tại xã Thư Phú, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

   Chúng tôi đến thôn Thư Dương, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội tìm hiểu và hỏi thăm chàng trai khiếm thị Lê Ngọc Hoàn thì thật bất ngờ, khi gặp bất kỳ ai ở đây đều nói về Lê Ngọc Hoàn với tất cả sự tôn trọng và khâm phục không chỉ vì nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống mà còn là lòng nhân ái của Hoàn đối với những người khuyết tật trong huyện Thường Tín. 

   Sinh năm 1990 trong một gia đình bố mẹ quanh năm làm nghề nông, cả ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và những gánh rau của mẹ tảo tần sớm hôm. Vất vả, khó khăn càng tăng lên gấp bội khi mới sinh ra không bao lâu, bố mẹ phát hiện mắt cậu con trai cả Lê Ngọc Hoàn không giống như những đứa trẻ bình thường. Đưa con đi khám khắp nơi, điều trị từ thuốc tây đến thuốc ta nhưng không có kết quả, những vật dụng có giá trị nhất trong gia đình cũng dần dần vụt tắt như nguồn ánh sáng trong đôi mắt của Hoàn. Bất lực và xót xa, bố mẹ Hoàn chỉ biết động viên, an ủi con trai và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.       

   Với mong muốn giản đơn là giúp con vui vẻ hơn trong cuộc sống được chơi các trò chơi cùng bạn cùng bè, ông Lê Văn Châu – bố của Hoàn quyết định , đưa con đi học hòa nhập tại trường Tiểu học Vân Tảo. Những ngày đầu đến trường, trái ngược với hình dung trong suy nghĩ của ông Châu, cậu con trai khiếm thị của mình đã làm cho các bạn và thầy cô trong lớp hết  sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Hoàn hòa nhập và tiếp thu bài  rất nhanh, thông minh và đặc biệt giỏi trong các môn học xã hội. Không nhìn thấy, không ghi chép được kiến thức trên bảng, Hoàn học theo một phương pháp của riêng mình. “Hàng ngày mình học thông qua nghe lời cô giáo giảng, sau đó nhờ các bạn xung quanh đọc lại những kiến thức trong sách giáo khoa một lần nữa và phần lớn 12 năm mình học bằng trí nhớ là chủ yếu. Đến ngày thi, thay vì làm bài như các bạn, mình được đặc cách thi vấn đáp. Khó khăn lớn nhất của mình chính là các môn học tự nhiên ...”. Hoàn tâm sự.      

   Với sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, thầy cô và nghị lực của bản thân, sau 12 năm miệt mài với đèn sách, Lê Ngọc Hoàn đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp THPT loại khá trong niềm vui mừng của người thân và  gia đình. Ước mơ vào đại học, đi theo lĩnh vực văn chương, nhưng do điều kiện gia đình, Hoàn gác lại và tìm hướng đi mới, phù hợp hơn cho bản thân mình.Tham gia vào Hội Người mù huyện Thường Tín, được học tin học dành cho người mù tại Thành hội Hà Nội chính là những bước ngoặt khiến Hoàn tìm đến với kinh doanh. Tuy nhiên, ý tưởng kinh doanh và thành lập doanh nghiệp xã hội của Hoàn đã vấp phải sự ngăn cản kịch liệt của gia đình. Bố mẹ làm nghề nông, Hoàn chưa tự nuôi sống được bản thân, chưa có kinh nghiệm, không có đồng vốn dắt lưng thì ý tưởng kinh doanh của chàng trai mới hơn 20 tuổi này được mọi người coi là liều lĩnh, pha chút điên rồ.

   Thế rồi, với lòng quyết tâm, khởi nghiệp bằng chiếc máy tính, Lê Ngọc Hoàn bắt đầu con đường kinh doanh bằng việc buôn ếch giống từ miền Nam ra Bắc rồi phân phối cho các hộ dân trong xã. Cầm trên tay 350.000 đồng lãi đầu tiên, dù ít nhưng Hoàn đã chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật có thể tham gia vào bất kỳ lĩnh vực gì trong cuộc sống. Chưa dừng lại tại đây, hiểu rõ sự khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống, cùng với sự hỗ trợ của những người bạn thân, ông chủ cơ sở ếch giống lên kế hoạch thành lập doanh nghiệp với mô hình xã hội, phi lợi nhuận, tạo việc làm ổn định cho những người khuyết tật trên quê hương mình. Hoàn tìm và nghiên cứu luật Doanh nghiệp, luật Người khuyết tật cùng những nghị định, thông tư liên quan... và chờ đợi cơ hội chín muồi đưa kế hoạch của mình vào thực tế. Và cuối năm 2012, Công ti TNHH Thực phẩm Thọ An do Lê Ngọc Hoàn là giám đốc đã ra đời với 35 người khuyết tật trên tổng số 50 nhân viên, mức thu nhập từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/tháng,  sản xuất – kinh doanh thực phẩm an toàn cung cấp cho các trường học và siêu thị trên địa bàn huyện Thường Tín.

   Thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của người khuyết tật xã Thư Phú không chỉ là về đời sống vật chất được cải thiện mà đời sống tinh thần của họ được nâng cao hơn. Họ được làm việc trong môi trường đoàn kết, gắn bó và có sự cảm thông từ những người đồng tật. Chị Đỗ Thị Loan, một người phụ nữ  khuyết tật từ nhỏ, trước khi đi làm tại Công ty Thọ An chỉ ở nhà trồng rau, may vá quần áo, thu nhập không ổn định, nuôi con rất vất vả, cả nhà chỉ trông vào thu nhập của người chồng làm xây dựng. Được mọi người trong xã thông báo có công ti tuyển người lao động khuyết tật, chị đăng ký tham gia ngay. Trở thành nhân viên của Công ti Thọ An, chị Loan được đào tạo trồng rau sạch theo tiêu chuẩn, được tham gia vào lớp tập huấn trồng cây chùm ngây của Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha. Những thực phẩm do chị làm ra đều được công ti thu nhận với mức giá rất tốt. Khi được biết công ti nhận thêm đất do UBND huyện để trồng rau sạch và xây dựng xưởng chế biến sau thu hoạch, chị và các đồng nghiệp vui lắm, rất hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

   Sự ra đời của Thọ An không chỉ là  niềm vui của những người khuyết tật mà còn lan tỏa tới những người bình thường khác trong công ty. Đồng hành cùng Lê Ngọc Hoàn từ những ngày đầu thành lập công ti, anh Nguyễn Hữu Siển – Phó Giám đốc Công ti vui vẻ cho biết: “Tôi đã từng đi làm nhiều công việc ở ngoài với người bình thường khỏe mạnh, khi cùng Hoàn thành lập Thọ An, làm việc với những người khuyết tật, trong thời gian đầu rất mệt mỏi và căng thẳng. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã ổn định, tôi thấy mọi người rất đoàn kết và gắn bó với nhau như những người cùng gia đình”.

   Chia tay với Thọ An và những người khuyết tật trong công ty nhưng trong đầu chúng tôi vẫn  còn đọng mãi câu trả lời của Lê Ngọc Hoàn khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai: “Năm nay em sẽ thi Đại học Luật anh ạ. Với ngành Luật, em sẽ giúp được thêm cho nhiều người khuyết tật nữa...”. Một câu nói mộc mạc nhưng chứa đựng bao hoài bão và tính nhân văn. Xin chúc Ngọc Hoàn – vị giám đốc trẻ tuổi sẽ hoàn thành được ước mơ của mình và cũng là mơ ước của những người khuyết tật Việt Nam.

              Ông Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín: “Ngoài việc thực hiện đầy đủ những chính sách chung của nhà nước, trong hơn 20 năm qua, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức liên quan tại  huyện  luôn có những chính sách quan tâm hỗ trợ người khuyết tật. Hơn 70% trẻ em khuyết tật được học hòa nhập. Thành lập trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, giúp đỡ hợp tác xã Ánh sáng của hội người mù hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng chục người lao động. Đồng thời, chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tự đứng lên mở cơ sở, công ty kinh doanh. Với doanh nghiệp Thọ An do anh Lê Ngọc Hoàn - một người mù, làm giám đốc, có 35 lao động khuyết tật, kinh doanh tốt trong hơn 3 năm qua chính là một trong những gương tiêu biểu trên địa bàn huyện, không những đảm bảo việc làm cho người bình thường mà còn giúp những người đồng tật vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống...”.

Nguyễn Thành