(HNM Hà Nội) - Một buổi chiều cuối thu trời se lạnh, theo như lời giới thiệu của anh Ngô Quang Hiếu, phó chủ tịch hội người mù Hoàng Mai tôi tìm tới nhà bác Lưu Thị Thạch. Bác là một hội viên tích cực trong những buổi sinh hoạt hội và là một trong những cây văn nghệ chính trong phong trào thơ ca của hội, có lẽ nhắc tới bác không ai trong hội là không nhớ tới những vần thơ hay của bác đã từng đọc trong những buổi sinh hoạt hội.
Và đây rồi, ngôi nhà của bác nằm trên đường Giáp Bát là ngôi nhà năm tầng khang trang sạch đẹp. Khi biết tôi tới, bác đã chờ đón tôi ngay ở cửa, mặc dù đã nhiều lần nghe bác đọc thơ trong các buổi sinh hoạt chung ở hội cũng như lời kể sơ qua của anh Hiếu nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Mặc dù đã 68 tuổi, mắt không nhìn thấy, một bên tay và chân cử động, đi lại khó khăn bởi di chứng của một trận tai biến thì bác vẫn còn rất linh hoạt và vui vẻ. nhìn vào đó chẳng ai có thể nghĩ được rằng đó lại là người đã phải trải qua biết bao nhiêu đau thương thăng trầm của cuộc đời. Với giọng nói sang sảng và một trí nhớ tuyệt vời bác đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình.
Bác là người con thứ năm trong một gia đình có 7 anh chị em ở khu chợ Cháy Ứng Hòa tỉnh Hà Sơn Bình cũ và giờ là Hà Nội. Lúc sinh ra bác cũng như biết bao những người bình thường khác, bác đi học được hết cấp hai thì do các anh, chị đi bộ đội, các em còn nhỏ, thương mẹ một mình phải làm lụng vất vả nên bác đã quyết định nghỉ học để phụ giúp mẹ làm việc nhà, việc đồng áng và trông em. Rồi bác tham gia đội dân quân tự vệ của xã đào đắp các kênh, mương và là thành viên tích cực trong nhiều chiến dịch lớn của đội, xã. Năm 18 tuổi, đang ở cái tuổi đẹp nhất, xuân nhất của cuộc đời thì căn bệnh quái ác- viêm đầu thống đã cướp đi đôi mắt của bác.
Mẹ bác đã khóc nhiều lắm, có những bữa ăn bát cơm chan cùng nước mắt khi nhìn đứa con gái đang tuổi thanh xuân phơi phới lại không nhìn thấy gì, rồi có những đêm giật mình thức giấc mẹ bác cũng nấc lên những tiếng nấc nghẹn ngào khi nghĩ “sau này liệu bác có thể làm gì để nuôi sống bản thân khi mẹ về già”. Mẹ bác thầm mong ước giá như bác chữa được mắt dù có tốn kém đến đâu hay dù phải hi sinh cả đôi mắt mình cho bác thì mẹ bác cũng làm.
Còn về phần mình, khi mới bị mắt bác cứ ngỡ là cả thế giới như sụp đổ, và dường như không có ai khổ như mình. Vốn là một cô gái mạnh mẽ và hiếu thảo nên mặc dù bác rất buồn chán, thất vọng và khóc nhiều nhưng vì không muốn mẹ phải buồn và lo lắng nên bác đã cố nén nỗi buồn và luôn cố tìm ra những niềm vui như làm thơ để động viên mẹ.
Năm 1983, hội người mù Hà Sơn Bình ra đời và bác là một trong những thành viên nòng cốt đầu tiên của hội. sau đó bác được hội cho đi học chữ nổi “qua ba tháng học chữ nổi, tôi đã đọc thông, viết thạo và quen biết được nhiều người cùng cảnh, tôi không còn nghĩ là chỉ có mình mình là không nhìn thấy trong thế giới này, và tôi thấy cuộc sống không có gì là buồn, và mọi thứ như trong tầm tay,” Bác nói.
Sau đó bác về nhà và với tố chất thông minh, năng động sẵn có bác tự mày mò học làm chổi rơm, chổi rễ, làm thừng, làm rế,…Song để tự học và làm được những mặt hàng thủ công này, không phải là chuyện dễ mà bác đã phải trải qua cả một quá trình cực khổ, tốn nhiều trí lực, máu và nước mắt. Khi bác tự học làm rế, nó quá khó và không biết bắt đầu từ đâu, tới hỏi người trong làng nhưng họ lại không chịu chỉ và bảo bác về tự mày mò mà học, rồi bác đã nhiều lần bị đứt tay vì chẻ tre và những thanh tre mỏng, sắc, rồi nhiều lần đan không thành công lại phải tháo ra làm lại, có khi bác phải thức đến mấy đêm mới hoàn thiện được một chiếc rế. Nhưng có lẽ nhờ có tính kiên chì nhẫn nại và không chịu khuất phục trước những khó khăn nên bác đã thành công.
Sản phẩm của bác luôn được bà con trong làng, xã đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Mọi người vẫn rỉ tai nhau rằng: “ Này, nếu mua rế, chổi hay thừng thì cứ đến chỗ cái Thạch mà mua, vừa rẻ, vừa đẹp lại bền”. Để có được những mặt hàng vừa đẹp lại chất lượng như vậy thì ngay từ giai đoạn chọn tre, chẻ tre phải rất công phu, phải biết lấy phần nào của tre thì chổi mới đẹp, mới cứng cáp và bền” bác chia sẻ. Sản phẩm của bác đã từng đạt giải và được trao bằng khen về sản phẩm đẹp trong cuộc thi trưng bày các sản phẩm thủ công do tỉnh Hà Sơn Bình tổ chức năm 1988.
Ngoài việc tự sản xuất ở nhà, bác còn tham gia các công việc đồng áng như tất cả các xã viên bình thường khác. một mình bác cũng cấy ba sào ruộng, ngoại trừ việc cấy là bác phải thuê còn những công việc khác thì bác đều tự làm cả. Không những vậy, bác còn là một hội viên tích cực, năng động của hội, mười năm liền bác là ủy viên ban chấp hành của hội người mù tỉnh Hà Sơn Bình và đã nhiều lần nhận được bằng khen giấy khen về tấm gương người tốt việc tốt do hội người mù tỉnh trao tặng. Bác tâm sự: “Ngày xưa các bác vất vả lắm chứ đâu có sướng như bây giờ, mỗi lần đi họp hội bác phải đi bộ 11 cây số đấy cháu ạ. Nhưng bác vẫn thấy vui lắm vì tới đó mình được gặp gỡ và chia sẻ với mọi người về những khó khăn cũng như niềm vui trong cuộc sống.”
Rồi chẳng may người chị dâu cả của bác qua đời. Từ đó, bác phải thay chị dâu chăm lo cho ba đứa cháu ăn học nên người. Bác phải lao động cật lực hơn, dường như mỗi đêm chỉ ngủ vài tiếng, ban ngày thì đi bán chổi, thừng, rế ở chợ, khắp đường làng ngõ xóm tất cả những nơi nào có thể tiêu thụ được. Đêm về lại mày mò làm để hôm sau có sản phẩm đi bán. Thi thoảng chị lớn lúc đó mới 10 tuổi, được nghỉ học cũng đi bán phụ giúp bác. Mặc dù vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ cuộc sống của bác thiếu vắng đi những nụ cười và những vần thơ, cũng như bác chưa bỏ bất cứ một buổi sinh hoạt hội nào.
Đến khi ba cháu của bác trưởng thành ai cũng đều có cuộc sống gia đình sung túc. Thì năm 2007 bác không may lại bị tai biến và bị liệt nửa người, sau khi được chữa trị, một bên tay của bác cử động không còn tốt nên bác đã nghỉ công việc sản xuất. Chị Hằng là con út trong số ba người con của chị dâu bác đã đề nghị bác ra ở với vợ chồng chị ở quận Hoàng Mai để tiện chăm sóc. Tuy bệnh tật là vậy, bác vẫn không ngưng làm việc. Chị Hằng cho biết: “ Bà chăm chỉ và lạc quan lắm, bà vẫn làm thơ, giúp chị trông nom các cháu và làm các việc vặt trong nhà đấy”. Năm 2009, bác gia nhập vào hội người mù Hoàng Mai và từ đó tới nay bác luôn là một trong những hội viên tích cực của hội.
Tuy cuộc sống của mình có nhiều gian truân, vất vả là thế nhưng bác Thạch vẫn luôn vui tươi, yêu đời. Và tất cả những gì mà bác có hiện giờ đều là thành quả của những ngày lao động không mệt mỏi. Thật đúng là một tâm hồn đẹp giúp đời nở hoa. Bác xứng đáng là tấm gương về nghị lực phi thường và một tâm hồn lạc quan cho những hội viên nữ trẻ chúng ta học tập và noi theo.
CAO THỊ YẾN (Hội người mù Quận Hoàng Mai)
Bài viết đạt giải nhì của cuộc thi “Phụ nữ khiếm thị cùng nhau viết câu chuyện của chúng ta” do Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức
Tin mới
- NGƯỜI THƯƠNG BINH KHIẾM THỊ GƯƠNG MẪU - 20/01/2017 02:27
- NGƯỜI CHI HỘI TRƯỞNG HẾT LÒNG VÌ CÔNG VIỆC - 20/01/2017 02:26
- NGƯỜI CÁN BỘ HỘI ĐAM MÊ CÔNG VIỆC LÀM BÁO - 20/01/2017 02:25
- NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHIẾM THỊ - 20/01/2017 02:24
- NỂ PHỤC CHÀNG TRAI KHIẾM THỊ CHỤP ĐƯỢC ẢNH ĐĂNG báo - 20/01/2017 02:23