(HNM Hà Nội) - Không chỉ được biết đến là một cán bộ hội năng động, được hội viên yêu mến, anh Hoàng Văn Lý phó chủ tịch hội người mù quận Hoàn Kiếm Hà Nội còn là một chàng trai đam mê với công việc làm báo.
Chàng trai khiếm thị Hoàng Văn Lý vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Phúc Thọ, Hà Nội. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, Hoàng Văn Lý đã không nhìn thấy ánh sáng, mắt Lý chỉ có một chấm trắng đục mờ trong mắt, giống như cha rồi em của Lý sau này. Gia đình Lý có 4 người thì ba người đàn ông đều bất hạnh như thế. Vậy nên, bao nỗi nhọc nhằn đều dồn lên đôi vai gầy yếu của mẹ Lý và bà nội đã già yếu.
Tâm sự với tôi, anh kể rằng, ngày nhỏ, anh không ý thức nhiều lắm về bệnh tật của mình, vẫn lê la chơi cùng bọn trẻ con trong xóm vì hồi ấy, cậu bé Lý nghĩ đơn giản ai cũng giống như mình. Phải đến tuổi đi học mẫu giáo thì ý thức về bệnh tật, về sự khác biệt của mình với chúng bạn mới thực sự hình thành rõ nét trong đầu Lý.
Lên 5 tuổi, Lý triền miên cùng mẹ trong những chuyến đi từ nhà ra bệnh viện ở Hà Nội để chữa bệnh. Những năm tháng đi chạy chữa, gia đình Lý bao lần rơi vào cảnh lao đao. Bố Lý không thể đi lại, chỉ ở nhà làm lụng việc vặt trong gia đình, mẹ đưa Lý ra Hà Nội phải tằn tiện từng đồng thuê nhà trọ, ăn uống,bà nội ở nhà già yếu vẫn phải lam lũ đồng ruộng góp nhặt từng đồng cho cháu đi chạy chữa.
Hồi ấy, Lý nhỏ con, suy dinh dưỡng, sức khỏe không đảm bảo để phẫu thuật. Có lần, các bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật nhưng Lý lên cơn sốt và yếu quá bệnh viện lại trả về đợi lần sau. Những chuyến đi về ấy kéo dài hơn 1 năm thì mọi người hiểu rằng bệnh của Lý là vô phương cứu chữa.
Ngày ấy, Lý cũng khát khao được đi học như chúng bạn nhưng khi đến lớp rồi, Lý mới nhận ra mọi thứ sao mà lạ lẫm và khó khăn đến thế. Anh kể lại rằng, hồi đó, mãi mà anh không thể viết được chữ, lên bảng cầm viên phấn cũng chỉ nguệch ngoạc vài nét, dù cô giáo có cầm tay thì Lý cũng không thể viết được những chữ cái đơn giản. Biết mình khó có thể hòa đồng cùng chúng bạn như người bình thường nhưng lòng ham học thì vẫn cháy bỏng trong lòng Lý. Lên 8 tuổi, nghe nói ở Hà Nội có lớp học và nơi sinh hoạt dành cho người khiếm thị, Lý đã xin bố mẹ để được tới nơi này học tập.
Những ngày đầu ra học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, cuộc sống tự lập khiến cho cậu bé bỡ ngỡ. Tất cả mọi công việc sinh hoạt cá nhân không còn có mẹ trợ giúp mà Lý phải tự lo một mình. Nhiều lúc, Lý tưởng mình không thể vượt qua được nỗi nhớ nhà lúc nào cũng day dứt. Bà nội ốm và đột ngột qua đời là cú sốc tâm lí quá lớn đối với cậu bé 8 tuổi. Lý rơi vào trạng thái lầm lì, ít nói và có lúc đã bi quan với cuộc sống. Phải mất một thời gian rất lâu, Lý mới có thể hòa đồng với cuộc sống mới trong ngôi trường này và cũng chính từ đây, Lý bộc lộ là cậu bé có nhiều năng khiếu.
Ngay từ hồi đi học, Lý đã bộc lộ là cậu bé có khiếu văn chương. Từ lớp 3, lớp 4, Lý đã bắt đầu làm những bài thơ nhỏ mà theo anh đó là khi cảm xúc đến và cứ thế viết ra thành lời. Mỗi câu chuyện, bài thơ được đăng trên báo Nhi Đồng, Tiền Phong như tiếp thêm niềm đam mê cho Lý. Lý say mê viết. Ngày ấy, ngoài những lúc cộng tác cho chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam thì những trang nội san, báo tường của trường là đất để Hoàng Văn Lý thể hiện tâm hồn của mình.
Và cũng chính nhờ những bài thơ bài báo ấy mà bạn bè, thầy cô trong trường biết đến Lý nhiều hơn. Lý cũng mạnh dạn hơn trong giao tiếp và cậu hiểu rằng, phải phấn đấu học để nuôi ước mơ trở thành nhà văn, làm một người có ích trong xã hội.
Khi Lý thi đỗ vào khoa Báo chí, trường Đại học KHXH & NV Hà Nội nhiều người khá bất ngờ. Ít ai biết được rằng, ngày ấy để có một chỗ ngồi như bao sinh viên khác trên giảng đường, Lý đã phải vất vả gõ cửa không biết bao trường Đại học mới được chấp nhận cho người khuyết tật dự thi.
Vậy là suốt 4 năm, Lý rong ruổi xe buýt tới trường. Sự học cũng lắm nỗi gian nan, vừa nghe vừa ghi bằng chữ Braille không kịp, Lý phải ghi âm lời thầy để mang về nhà nghiền ngẫm. Tốt nghiệp đại học, Lý đã có thêm nhiều kiến thức để phục vụ công tác cho Hội Người mù Hà Nội mà hiện tại Lý đang làm Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, Lý còn là một phóng viên, cộng tác viên cho một số tờ báo. Những bài viết của anh đã mang hơi thở cuộc sống đến với những người cùng cảnh ngộ, giúp họ vươn lên có ích cho đời.
Nhiều người thắc mắc, khiếm thị thì làm báo thế nào? Vậy mà Hoàng Văn Lý vẫn có con đường riêng để theo đuổi đam mê của mình. Lý không thể quan sát, không thể chụp ảnh, không thể đi lại thuận tiện, nhanh chóng như những phóng viên bình thường nhưng anh có một trái tim biết lắng nghe cuộc sống. Sau những giờ làm việc ở Hội, Lý lại lang thang khắp phố phường, lắng nghe và cảm nhận những câu chuyện của cuộc sống và nó đi vào trang viết của anh dung dị, mộc mạc.
Anh chia sẻ: Dù khá bận rộn với công tác hội và việc theo đuổi đam mê làm báo nhưng cả 2 công việc này đều khiến anh rất hăng say. Làm việc ở hội người mù, anh có cơ hội được tiếp xúc nhiều với những người đồng cảnh từ đó cũng hiểu hơn về những khó khăn, mong muốn của người khiếm thị.Cũng chính vì vậy, những bài viết, những chương trình anh thực hiện cho vov luôn rất sâu sắc với cuộc sống đa dạng của người mù.
Bây giờ thì Hoàng Văn Lý đã là cộng tác viên “ruột” của chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông - Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hầu như tuần nào anh cũng có tin, bài được phát sóng. Bên cạnh đó Lý còn phản ánh kịp thời các hoạt động của hội người mù quận lên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Lý tự gõ bài trên máy, tự biên tập từng câu chữ và tự cắt file âm thanh phỏng vấn thành một sản phẩm hoàn chỉnh để khi phát sóng hoặc đăng báo, biên tập viên không phải dụng công nhiều.
Nhận xét về lý chị Nguyễn Thị Hồng Minh chủ nhiệm chương trình niềm tin ánh sáng đài tiếng nói Việt Nam cho biết” Hoàng Văn Lý là một cộng tác viên có năng khiếu, có đạo đức nghề nghiệp và lòng đam mê hiếm có trong nghề làm báo. Hiện nay Lý vừa là cộng tác viên, vừa là biên tập viên chủ chốt của chương trình niềm tin ánh sáng. Hầu hết các sản phẩm chương trình đều do Lý biên tập và cho phát sóng.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác Hội cũng như trong nghề làm báo, Lý vinh dự nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hội người mù Việt Nam, hội người mù Hà Nội,Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm.
Người xưa nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”nhưng đối với anh Hoàng Văn Lý giàu còn có ở tâm hồn và nghị lực.
NGUYỄN CHÂU SƠN