(HNM Hà Nội) - Đến thôn bảo Lộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội nhắc tới chị Đoàn thị tân ai ai cũng biết và luôn giành cho chị sự mến phục - một phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực, đã biết vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã và trở thành người có ích cho gia đình và xóm thôn.
Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, người dân nơi đây quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau.
Từ thuở lọt lòng, hai mắt chị chẳng nhìn được là bao. Nhưng thương ngoại và mẹ tần tảo sớm khuya chạy vạy từng bữa cho tám miệng ăn. Vì thế người trong thôn quen với hình ảnh: một đứa bé gái xanh xao, gầy gò, với bộ quần áo vá víu, bước thấp bước cao theo người lớn ra cái đầm rộng ở đầu làng mò cua, bắt ốc phụ giúp gia đình đắp đổi những bữa ăn mà sắn, khoai nhiều hơn cơm.Lớn lên đôi chút, ngày ngày với đôi quang gánh chị lại dò dẫm từng bước trên con đường gập ghềnh để mua rồi lại bán từng bó rau, quả cà kiếm vài đồng bạc lẻ giúp mẹ bữa cháo bữa rau. Những buổi nghỉ chợ chị lại lật đật ra đồng chăm chút cho mảnh ruộng nhà mình.Với bản tính thuỳ mỵ, nết na, hay lam, hay làm chị lọt vào mắt “xanh” của không ít chàng trai si tình trong thôn. Nhưng cứ mỗi khi nhắc đến chuyện “ấy” là chị lại ngượng ngùng, bối rối, mặc cảm vì thân phận hẩm hiu của mình.Con gái có thì…những anh chàng thường trồng cây si trước cổng cũng dần vắng bóng…Vậy là tình yêu đôi lứa dần lùi xa… Cuộc sống chăn đơn, gối chiếc là bạn đồng hành “thuỷ chung” với chị.
Như có sắp xếp của tạo hoá, sự xuất hiện của anh ấy là ngã rẽ cuộc đời chị…Năm 1993 chị gặp và cảm mến một người đàn ông.Hai con tim chung nhịp đập, dẫu họ biết rằng được lên xe hoa cùng nhau sẽ mãi chỉ là giấc mơ. Bao đêm trắng với những trăn trở, suy tư,nên hay không nên, cái được và cái mất??? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra là bấy nhiêu câu trả lời không tròn trịa… Chần chừ mãi 6 năm sau, chị mới dám quyết định việc hệ trọng là “nuôi con một mình”. Chị ấp ủ dự định: mai này con cứng cáp sẽ tìm một việc gì đó để kiếm kế sinh nhai. Và rồi chị mừng mừng, tủi tủi khi đón đứa con gái kháu khỉnh chào đời. Được làm mẹ, được nâng niu thiên thần bé nhỏ là mơ ước bấy lâu của chị. Cũng như bao bà mẹ trên cõi đời này, chị dồn tất cả tình yêu thương cho cục cưng bé bỏng. Vì thế chẳng cần phép nhiệm mầu nào, mọi việc chăm sóc con chị làm khéo léo đến độ mà người ta cứ ngỡ đôi tay chị có mắt. Từ việc cho con bú, khuấy bột, cho con ăn, giặt giũ tã lót… một tay chị làm cả. Thương con cháu, mẹ và các anh chị em cứ giành lấy làm giúp nhưng chỉ một vài tuần là chị ý nhị từ chối vì trong sâu thẳm chị không muốn mình và con trở thành gánh nặng của gia đình. Thời gian dần trôi, con gái chị lớn lên mang theo bao hy vọng về tương lai tươi sáng của mẹ.Giường như thấu hiểu nỗi lòng mẹ, cháu luôn biết làm chị vui và giúp mẹ vài thứ cỏn con ngay từ khi miệng còn thơm mùi sữa.
Cùng với việc chăm sóc đứa con gái thân yêu của mình, chị còn chăm nom hai đứa nhỏ của cậu em trai để bố mẹ chúng yên tâm vắng nhà cả ngày mà con họ vẫn được ăn no, ngủ ngon.Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong làng muốn nhờ chị chăm sóc con cái nhưng họ còn nửa tin, nửa ngờ: một người khiếm thị sao lại dạy dỗ trẻ con chu đáo đến thế à? công việc mà người lành lặn không phải ai cũng làm tốt được. Thế là không ít người lân la đến nhà chị với cả một trăm lẻ một lý do: nhưng thực ra họ muốn “mục sở thị” xem cô Tân mù làm ăn thế nào? Quan sát chị làm các bà mẹ từ tò mò,ngạc nhiên đến thán phục. Những động tác chị làm vừa chính xác, vừa khéo léo. Bởi đã có “thâm niên” chăm trẻ nên tất thảy từ việc cho các cháu ăn, uống đến việc thay giặt quần áo dưới đôi tay chị mọi việc đều thuần thục, gọn gàng, sạch sẽ. Vậy là không ai bảo ai, các bà mẹ đặt trọn niềm tin khi gửi gắm con cái họ ở đây. Chị rèn luyện cho các cháu ăn uống, sinh hoạt điều độ, nề nếp. Chị không quên mua vài thứ đồ chơi ngộ nghĩnh, dạy các cháu những bài đồng dao quen thuộc…Sau giờ ăn trưa các cháu lại được cô Tân đưa vào giấc nồng qua lời ru ầu ơ với những cánh cò bay lả chập chờn, những câu chuyện cổ tích thấp thoáng dáng hình cô Tấm dịu hiền, nàng Bạch Tuyết vô cùng xinh đẹp và bảy chú lùn thông minh, hóm hỉnh..… Tuy không được đào tạo bài bản nhưng chị thường học hỏi và đúc rút kinh nghiệm nuôi dạy trẻ ở những người lớn tuổi, lắng nghe và ghi nhận qua ra đi ô, ti vi những phương pháp mới trong dạy dỗ trẻ mầm non. Hữu duyên thiên lý ngộ, vốn là người rất quý mến và thích được gần gũi trẻ con, nay công việc lại gắn bó chị với những đứa bé nên chị chăm sóc chúng với tất cả tình yêu thương của người mẹ hiền giành cho con. Chị thật cui khi thấy các con ăn ngon, ngủ ngoan, sót lòng khi có đứa vất ngã, lo lắng, buồn phiền mỗi lúc các con đau ốm. Từ hơn chục năm nay chị như người trở đò ngang, đưa nhiều lớp trẻ vào trường tiểu học với tố chất mạnh khoẻ, vui vẻ và lễ phép -hành trang bọn trẻ học được từ mái ấm nơi cô Tân. Một điều đáng trân trọng là mặc dù cuộc sống chưa lấy gì làm dư giả nhưng hàng ngày chị vẫn đều đặn trích ra một khoản tiền nhất định từ thu nhập ít ỏi, thông qua Huyện hội gửi tặng quà các thương binh hỏng mắt nhân dịp 27-7, ủng hộ lực lượng chấp pháp ở biển Đông, chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh nằm điều trị ở bệnh viện K...
Chị tâm sự: Giờ đây tôi không chỉ có một đứa con mà đã có cả đàn con thơ yêu quý. Sớm sớm, chiều chiều được nghe những tiếng bi bô tập nói, tiếng hát còn ngọng nghịu của các con, tôi thấy lòng vui khôn tả vì công việc mình đang làm thật có ích cho đời.
HOÀNG THỊ CÚC (Hội người mù Huyện Phúc Thọ)
Bài viết đạt giải nhì của cuộc thi “Phụ nữ khiếm thị cùng nhau viết câu chuyện của chúng ta” do Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức