(HNM Hà Nội) - 09 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, trái tim vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Bác đã “qua bên kia bầu trời” nhưng tư tưởng và đạo đức của Người - di sản tinh thần được coi là bảo vật quốc gia. Với người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng tình yêu thương vô bờ bến được Bác gửi gắm vào câu nói: “Tàn nhưng không phế”. Chỉ ngắn gọn vậy thôi mà hàm chứa trong đó là tính nhân văn cao đẹp, sự động viên khích lệ các anh thương binh. Đây cũng là phương châm sống và là kim chỉ nam cho mọi hành động của mỗi người khiếm thị chúng ta.

Tôi còn nhớ, chẳng bao lâu sau tiệc mừng sinh nhật lần thứ hai hai của mình, trận cuồng phong cuộc đời ập xuống đã cuốn theo nguồn sáng quý báu. cánh cửa tương lai đóng sập trước mắt, tôi chỉ biết tự giam mình trong bốn bức tường đếm từng nhịp tích tắc phát ra từ chiếc đồng hồ. Thời gian thánh thót trôi qua, gặm nhấm chuỗi ngày buồn tưởng như vô tận. Nhưng một tia sáng lóe lên từ cuối đường hầm…đã làm thay đổi suy nghĩ và hành động của tôi.

Ấy là một lần nghe ra đi ô, tôi được biết và thực sự cảm phục trước nghị lực sống của anh bạn đồng tật đã vượt lên chính mình nhờ làm theo lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác mà đã xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Suốt mấy ngày sau đó tôi cứ trăn trở và suy nghĩ mãi về cụm từ như có phép nhiệm màu này. Tôi đặt lời dạy vàng của Bác qua lăng kính chủ nghĩa duy vật biện chứng thì càng thấy rõ giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc được Bác cụ thể hóa vào công tác dân vận với anh em thương binh. Ở đây Bác nhìn nhận vấn đề dưới hai giác độ: chủ quan và khách quan. Chủ quan là bản thân mỗi người khuyết tật cần phải xóa đi mặc cảm tự ti, vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, vượt qua rào cản xã hội để vươn lên thành người có ích. Yếu tố chủ quan chỉ là điều cần, còn yếu tố khách quan mới là điều đủ. Ai cũng hiểu khách quan là gia đình và xã hội cần xóa đi định kiến hẹp hòi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người từ ngàn đời nay: “người khuyết tật thì không làm được gì”. Trái lại cần tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật phát huy khả năng còn lại, sống bình đẳng với cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh. Qua đó, tôi thấy Bác không chỉ là một lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà hiền triết thông tháicủa mọi thời đại.

         Khi đã hiểu sâu sắc vấn đề tôi thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi đặt ra câu hỏi rồi lại tự trả lời: Hãy bắt đầu từ ngay những công việc giản đơn hàng ngày. Thế là hết thảy các việc: chăm sóc con cái, bếp núc, chăn nuôi… tôi đều phải vừa học, vừa làm. Lâu rồi thành quen. Đôi khi “cao hứng” còn cảm thấy thú vị khi làm việc trong bóng tối. Chính những công việc giản đơn đã mang lại cho tôi niềm vui, sự khéo léo, tính kiên trì, nhẫn nại. Điều đó có tác dụng thiết thực cho công tác quản lý của tôi sau này.

       Năm 1993, tôi được bầu vào Ban chấp hành Hội người mù huyện nhà. Đây là cơ hội để tôi phấn đấu và cống hiến. Lời dạy thiêng liêng của Bác như ngọn lửa hồng luôn thôi thúc tôi: phải làm gì để giúp người đồng tật tiến bộ và phát triển.Vì vậy mọi nhiệm vụ được giao tôi đều hoàn thành bằng cả cái tâm. Tháng 3 năm 2004, tôi đảm nhận trọng trách Chủ tịch Nhận thức rõ ràng về trách nhiệm nặng nề của Người đứng đầu cơ quan: Đặc biệt là sau các hội nghị chuyên đề hàng năm về việc: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì tư tưởng của Bác “cán bộ phải là công bộc của dân” đã thẩm thấu vào nếp nghĩ và việc làm hàng ngày nên tôi thấy mình cần gương mẫu trong công việc và ngay cả trong cuộc sống mới có sức “truyền lửa” cho mọi người xung quanh. Tôi thường xuyên tìm hiểu về phương thức hoạt động của Hội ta và tham khảo kinh nghiệm hoạt động của các Hội khác, tự lập trình cho mình một kế hoạch công tác cụ thể. Tôi cùng Ban chấp hành đề xuất với lãnh đạo các xã, thị trấn để tìm ra những người mù thực sự nhiệt tình với phong trào vì họ thường xuyên “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Từ đó xây dựng các chi hội hoạt động có chất lượng, đóng vai trò là gạch nối giữa người mù ở cơ sở với Huyện hội. Bởi là người trong cuộc thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của bạn đồng tật. Cùng tập thể, tôi đã mạnh dạn khai thác các nguồn vốn và tranh hủ sự giúp đỡ của cộng đồng để cung cấp vốn, giải quyết việc làm cho lao động mù, hướng dẫn nhiều hội viên làm thủ tục hưởng chế độ an sinh xã hội.

         Một thực tế là mặt bằng văn hóa của người mù còn thấp, vì vậy bằng nhiều hình thức xã hội hóa Huyện hội đã mở được hàng chục lớp học. Tôi là một trong ba giáo viên gieo mầm ánh sáng văn hóa tới gần một trăm hội viên. Nhiều học viên bây giờ vẫn thường xuyên đọc sách, báo và các ấn phẩm của Hội. Qua đó dân trí của người khiếm thị đã được nâng lên.

          Thật may mắn, trong thời gian này tin học như một thứ ánh sáng huyền diệu lan tỏa đến với người khiếm thị. Không chần chừ, tôi đã mày mò tự học cách sử dụng máy vi tính có phần mềm hỗ trợ đọc màn hình. Giờ đây tôi đã chủ động trong công việc như tự soạn thảo các loại văn bản, xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chức, viết tin bài, thường xuyên nghiên cứu các văn bản pháp quy và tham mưu với lãnh đạo, ngành chức năng để những chính sách ưu việt sớm đến với tổ chức Hội và đi vào cuộc sống của người khiếm thị...



     Cùng với đó, tuyên truyền hoạt động Hội là mảng công việc mà tôi đầu tư khá nhiều trí lực và thời gian. Với vốn liếng là những bài thơ, những đoạn trích giảng văn học tiếp thu được từ hồi còn trên ghế nhà trường và tư liệu chắt lọc qua thực tế. Tôi miệt mài tập viết với niềm tin sẽ được hái những trái ngọt đầu mùa. Viết rồi lại xóa. Nhiều bài phải viết đi, viết lại đến cả chục lần. Những lúc ấy lời dạy của Bác là động lực tinh thần khiến tôi kiên trì đánh vật cùng tập tài liệu. Sản phẩm đầu tay chỉ là những tin vắn, dần là những bài viết, phóng sự vẽ lên chân dung người tốt việc tốt. Mỗi tác phẩm là một cung bậc cảm xúc khác nhau của tôi trước nghĩa cử cao đẹp mà cộng đồng giành cho người mù hay đó là sự mến phục với bạn khiếm thị đã biết vượt lên số phận … Tôi chỉ coi bài viết của mình thực sự thành công khi chạm được đến trái tim bạn đọc. Sau hơn 20 năm hoạt động Hội cũng chừng ấy năm cầm bút, tôi đã có hàng trăm tin, bài được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương. Nhiều lần tôi rất xúc động khi được nhận các giải thưởng của Tạp chí Đời Mới, báo Hà Tây trước kia…

Tôi thấy hạnh phúc đong đầy khi cuộc sống vật chất, tinh thần của hội viên được nâng lên và sự trưởng thành của các con. Lòng xốn sang niềm vui vì phần nào đã thực hiện được lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Mỗi khi nhớ tới Bác lòng tôi trong sáng hơn.

Đàm Quyết Tiến.