(HNM Hà Nội) - Cơ sở Tẩm quất cổ truyền Trung Kiên do anh Nguyễn Trung Kiên làm chủ nằm ven quốc lộ 32 thuộc cụm 8 thị trấn Phúc Thọ luôn tấp nập khách ra vào và rộn ràng tiếng cười nói. Có được như ngày hôm nay cơ sở của anh đã trải qua bao bước thăng trầm.
Sinh ra trong một gia đình có 3anh em ở thôn Phù Long, xã Long Xuyên huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Riêng anh bị kém mắt ngay từ khi lọt lòng mẹ. Vì thế cố gắng lắm anh cũng chỉ học hết lớp 3. Cùng năm tháng, hạt gạo củ khoai cánh đồng làng nuôi anh khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, nhiều đêm trằn trọc không ngủ: “Sức dài vai rộng mà lại trở thành gánh nặng cho gia đình sao?” Anh nghĩ rồi lại tự trả lời: “Không thể sống mãi như vậy. Mình hãy coi bóng tối chỉ là một phần của cuộc sống”!
Quê anh luôn ì ầm bởi tiếng máy cưa, bào, tiện…của nghề mộc. Đây là cơ hội cho những lao động phổ thông đơn giản. Hàng ngày bước thấp, bước cao anh phụ giúp mấy người bạn vận chuyển thuê nguyên liệu cho các ông chủ. Công việc khá nặng nhọc mà thu nhập chẳng đáng là bao.
Vận may đã mỉm cười, tháng 6 năm 2012 anh được kết nạp vào Hội người mù huyện. Cùng cảnh ngộ nên đễ có sự đồng cảm. Mấy anh chị đi trước đã hướng dẫn anh làm quen những động tác sơ đẳng về kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt. Năm 2014 anh tham dự lớp học tẩm quất cổ truyền do Hội người mù Hà Nội mở. Khi đã có chứng chỉ nghề anh xin vào làm việc ở nhiều cơ sở trong thành phố để trau dồi tay nghề và tích luỹ kinh nghiệm. Sau 1 năm “Tầm sư học đạo” anh quyết định trở về quê lập nghiệp.
Ngày đầu với bao khó khăn chồng chất: khách hàng ít đời sống nhân viên không đảm bảo ở mức tối thiểu, ông chủ cơ sở chưa quen với công việc quản lý… Tất cả những điều đó đẩy cơ sở Trung Kiên đến bờ vực “phá sản”. Lại một lần nữa khiến anh nhiều đêm mất ngủ, cứ quẩn quanh mãi với câu hỏi: “Sao nhiều người đồng tật làm tốt thế mà mình lại không?” Thực tế đã mách bảo và anh lại tìm tòi, học hỏi thêm bạn bè về cách quản lý cơ sở như điều phối khách hàng sao cho nhân viên ai cũng có việc, quảng cáo về hoạt động của cơ sở. Điều quan trọng mang tính quyết định sự sinh tồn là chất lượng phục vụ. Vốn có kỹ thuật tốt nên anh đã trực tiếp bổ túc tay nghề và một vài bí quyết cho những người còn yếu, cách giao tiếp ứng xử với “thượng đế”. Chính vì vậy mà dịch vụ Trung Kiên dần chiếm được cảm tình của khách hàng. Khi mới đi vào hoạt động mỗi ngày cơ sở chỉ đón một vài khách, rồi 6 đến 7 khách. Bây giờ mỗi ngày thường xuyên có khoảng 14 đến 16 khách lui tới thư giãn. Vì thế số nhân viên tăng từ 2 lên 4 lao động khiếm thị như hiện nay. Thu nhập của kỹ thuật viên đạt từ 3 đến 3,3 triệu đồng một tháng.
Anh Kiên cho biết: “Sắp tới tôi sẽ tuyển thêm 2 đến 3 kỹ thuật viên nữa để đáp ứng nhu cầu khách hàng và giúp những người đồng tật có việc làm…”
Tuy quy mô hoạt động của cơ sở còn ở mức khiêm tốn nhưng anh đã tự tạo việc làm, có thu nhập cho mình và cho một số người khiếm thị. Song điều có ý nghĩa hơn cả là qua lao động anh chị em đã vơi đi sự mặc cảm, tự ti, lạc quan yêu đời, tình đồng tật được thể hiện và phat huy, góp phần chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Không chỉ làm tốt công việc ở cơ sở dịch vụ mà anh còn là một hội viên trẻ gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi hoạt động tập thể, một giọng ca không thể thiếu của đơn vị tại các kỳ hội diễn.
Từ một chàng trai khiếm thị mang nặng nỗi mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân, nhưng bằng nghị lực và trái tim không tật nguyền anh Nguyễn Trung Kiên đã trở thành người thật sự có ích cho gia đình, và xã hội.
Đàm Quyết Tiến