(HNM Hà Nội) - Vượt lên số phận, cô gái khiếm thị 32 tuổi Lê Kim Dung- hội viên Hội người mù quận Hai bà Trưng Hà Nội ) quyết tâm học nghề và mở Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ mang tên Kim Dung tại số nhà 2 ngõ 396 phố Trương Định, Hà Nội. Trung tâm này đã giúp Dung và 5 người khác cùng cảnh ngộ đến từ nhiều tỉnh, thành phố có công việc, thu nhập ổn định. Từ đây, họ tự tin hòa nhập vào cuộc sống.



Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung được thành lập vào tháng 3/2012 do Lê Kim Dung làm quản lý là một căn nhà được thuê lại với giá hơn 7 triệu đồng/tháng, diện tích khoảng 50m2. Ngôi nhà được bài trí, sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Bên dưới là phòng khách; trên gác bố trí 2 phòng gồm 6 chiếc giường để xoa bóp cho khách; tầng 3 là nơi sinh hoạt, ăn ở hàng ngày của nhân viên trong trung tâm. Chia sẻ về quá trình thành lập trung tâm, Lê Kim Dung bày tỏ: Mặc dù bị khiếm thị nhưng em luôn nghĩ mình phải làm gì đó, ít nhất là tự nuôi sống được bản thân. Khi được thông báo có lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị, em đã đăng ký và được đi học lớp nghề sơ cấp do các giảng viên của trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh trực tiếp hướng dẫn. Có nghề trong tay, sau một thời gian đi làm bên ngoài, tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm, em nghĩ ngay đến việc mở cơ sở tại Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, Hội Người mù quận Hai Bà Trưng và đặc biệt là chồng em – anh Phạm Văn Tuyến, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung được thành lập”.

Với cách xoa bóp theo liệu pháp y học cổ truyền, khách đến trung tâm Kim Dung ngày một đông. Thấy công việc có chiều hướng tốt, Dung đã kêu gọi thêm các bạn đồng tật mình quen trước đây về làm cùng. Căn nhà nhỏ lúc này trở thành mái nhà chung của Dung và 5 thành viên đến từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Nam Định.

Anh Nguyễn Văn Sơn, 45 tuổi, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho biết: “Trước đây, tôi làm xoa bóp ở các cơ sở nhưng thấy chưa phù hợp với bản thân nên chuyển chỗ làm rất nhiều. Cuộc sống vất vả lắm! Khi được Dung gọi về làm cùng với các anh chị em ở trung tâm này, tôi đã có chỗ làm ổn định, không phải rong ruổi kiếm sống. Từ khi có công việc và thu nhập, ngoài chi phí sinh hoạt cá nhân, tôi còn có thể gửi tiền về giúp đỡ phần nào cho gia đình ở quê nữa...”



Hiện tại, mỗi ngày, trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung tiếp đón khoảng 35 - 40 khách vào mùa hè, 20 - 30 khách vào mùa đông đến bấm huyệt, giác hơi, chườm đá … Sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi thành viên có thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Có việc làm và thu nhập ổn định, những người khiếm thị ở trung tâm cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Hơn thế, họ còn ấp ủ ước mơ về cuộc sống tương lai. Nguyễn Hồng Liên, cô gái quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, bộc bạch: “Tôi mong công việc ở đây sẽ phát triển tốt để có thể tích lũy được số vốn nho nhỏ cho cuộc sống sau này….”

Cuộc sống của những người khiếm thị vốn dĩ bị bóng tối vây quanh nên giờ có được niềm vui thực sự là điều đáng quý đối với họ. Từ đây, họ không còn mặc cảm tật nguyền nữa, thay vào đó là những ước mơ và sự tự tin. Tinh thần này không những được lan toả trong trung tâm mà còn được nhiều khách hàng cảm nhận mỗi khi đến chăm sóc sức khoẻ. Anh Phan Thanh Hùng – một trong những khách hàng thân quen của trung tâm Kim Dung cho biết: “Tôi thường xuyên đau cổ gáy và còn bị thoát vị đĩa đệm nhẹ. Khi đến với Trung tâm Kim Dung được các bạn kỹ thuật viên hỗ trợ, tôi thấy đỡ hơn rất nhiều. Điều trân trọng của tôi với các bạn đó là sự tự tin và tâm huyết đối với nghề. Tôi mong rằng mọi người trong xã hội sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn cho người khiếm thị cũng như công việc mà họ đang khẳng định giá trị của bản thân…”

Với “bà chủ” trung tâm Lê Kim Dung, cô cũng ấp ủ những dự định tương lai nhưng không chỉ riêng cho bản thân. Dung nói: “Ước mơ thì có nhiều lắm. Trước mắt, tôi mong mình có đủ sức khỏe để lo hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của các thành viên ở trung tâm. Mong rằng xã hội sẽ nhìn và đánh giá đúng giá trị của nghề xoa bóp của người khiếm thị, giúp cho chúng tôi có được một nghề bền vững và phát triển trong tương lai. Nếu công việc tốt, tôi sẽ nhận thêm và dạy nghề miễn phí cho người mù”.

Nhận xét về Lê Kim Dung, chị Trần Thị Thanh Tú – Chủ tịch Hội Người mù quận Hai Bà Trưng khẳng định: “Việc Dung mở trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung cho thấy em đã nỗ lực vươn lên để hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Điều đáng quý hơn nữa là Dung còn có thể giúp đỡ được những người khác cùng chung hoàn cảnh có việc làm và thu nhập ổn định. Trung tâm Kim Dung thực sự là một mô hình thiết thực…”

Dẫu Lê Kim Dung và những người khiếm thị ở Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Kim Dung còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước nhưng với nghị lực vượt lên tật nguyền, họ thật sự đã khẳng định mình “tàn” nhưng không “phế” tự tin vươn lên, hoà nhập, bình đẳng với cộng đồng xã hội.

Nguyễn Thành