(HNM Hà Nội) - Sinh năm1960, quê ở thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, thuộc huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Ông Hoàng Đức Thanh – Hội viên Hội người mù Đông Anh xứng đáng là tấm gương người mù vượt khó, làm kinh tế giỏi.
Nhớ lại ngày trước, ông là một người thợ nề khéo léo, là đội trưởng đội thợ gần 10 người chuyên xây dựng nhà cửa cho dân trong vùng. Tuy không giàu có nhưng ông tự hài lòng với cuộc sống của mình và sống hạnh phúc bên vợ và 3 con nhỏ.
Bỗng đâu bất hạnh ập đến bất ngờ năm ông 32 tuổi, căn bệnh quái ác đau đầu, thoái hóa võng mạc dẫn đến thị giác ông yếu dần, nhìn thứ gì cũng lờ mờ và sau đó thì mù hẳn. Thế là đời ông trời đất ngày đêm một màu đen kịt, nét mặt vợ con chỉ còn trong trí nhớ. Khoảng thời gian đó ông cảm thấy tương lai gia đình mình cũng tối đen như chính không gian mà ông phải chung sống. Ông tự ti và mặc cảm với tất cả mọi người.
Nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ, là trụ cột trong gia đình, ông quyết tâm vươn lên trở thành một người “tàn nhưng không phế” làm việc có ích cho gia đình và xã hội.
Được sự giúp sức của người bạn đời, cộng với kinh nghiệm có được từ khi làm đội trưởng, ông quay lại làm nghề thợ xây. Ông thuyết phục được những người thợ cũ đi làm theo mình. Từ đó, ông cũng nhận được một vài công trình xây dựng nhỏ. Để không phụ lòng những người tin yêu mình, ông càng tâm huyết với công việc hơn. Không trực tiếp làm được nhưng ông luôn có mặt đúng giờ, tích cực đôn đốc, nhắc nhở anh em thợ làm cẩn thận, chất lượng công trình luôn đặt lên hàng đầu. Từ đó, dân quanh vùng tin tưởng, giao cho ông những công trình lớn hơn, đội thợ có việc làm đều đặn, cuộc sống gia đình ông cũng ổn định hơn. 10 năm sau, khi con trai đầu theo nghề mình đã thành thợ lành nghề, ông cũng tự thấy những hạn chế của mình khi không bắt nhịp được sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Những mẫu nhà xây dựng đa dạng và phong phú hơn nên ông giao cho con trai tiếp quản đội thợ thay ông đi nhận các công trình.
Với ý nghĩ không cam chịu, xét thấy quê hương mình có đủ điều kiện để phát triển kinh tế, sau bao đêm trằn trọc, suy nghĩ, ông đã xin chính quyền địa phương quỹ đất và vay vốn đầu tư mở trang trại chăn nuôi. Với sự giúp đỡ của gia đình và sự nỗ lực của bản thân, ước mơ của ông đã thành sự thật. Hằng ngày, ngoài thời gian chăm sóc đàn lợn, gà, ao cá, ông còn trồng cây cối quanh ao, để sau này vừa có quả ăn, vừa có bóng mát.
Trong thời gian làm trang trại ở giữa cánh đồng, ông nhận thấy bà con đốt rơm rạ sau thu hoạch thật lãng phí tài nguyên, ý định làm nấm nảy sinh từ đây.
Nghĩ là làm, ông tìm đến trung tâm công nghiệp sinh học thực vật thuộc Viện khoa học Nông Nghiệp Việt Nam học cách làm nấm. Ông chia sẻ: “Trong quá trình học, ông từng gặp rất nhiều khó khăn vì mình không thể tự xem được các tài liệu, không nhìn thấy được sự phát triển mỗi ngày của cây nấm nên mình phải tự thu âm bài giảng bằng đĩa rồi về nhà nghe lại nhiều lần để nghiên cứu, hiểu được theo cách riêng.” Về nhà ông bắt tay vào công việc và ông đã thử nghiệm thành công mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Từ đó mô hình được nhân rộng, ông phải thuê thêm người làm.
Sau bao năm chịu khó làm ăn và tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, đến nay trang trại của ông Thanh luôn có 100 con lợn, vài chục con nhím, vườn cây, ao cá,… Mỗi năm ông cung cấp ra thị trường vài chục tấn nấm thương phẩm, tạo việc làm cho hơn chục lao động, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thanh còn có một gia đình thành đạt. Con trai lớn làm chủ thầu xây dựng, chăm chỉ làm ăn, con trai thứ du học ở Nhật, đã xây dựng gia đình và làm việc ở đó. Ông còn hay đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm của mình trong chương trình ý kiến bạn nghe đài của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông luôn tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội người mù Đông Anh. Ông xứng đáng là một tấm gương người mù vượt khó, được mọi người yêu quý.