(HNM Hà Nội) - Tôi tên là Trần Thị Thanh Ngà, sinh năm 1981. Hiện tôi đang làm kế toán ở Hội Người Mù huyện Hoài Đức. Vừa qua ban Nữ công của thành Hội Người Mù Hà Nội có phát động cuộc thi “Phụ nữ khiếm thị cùng nhau viết câu chuyện của chúng ta”, mặc dù làkhả năng viết của tôi không tốt lắm cũng như không thuộc đối tượng tham gia cuộc thi này. Song, bằng tình cảm và lòng nhiệt tình với công tác của hội, đặc biệt là sự thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà người khiếm thị nói chung, chị em phụ nữ nói riêng gặp phải trong cuộc sống cùng những kết quả mà họ đạt được, tôi thấy mình cần đóng góp một tiếng nói để khích lệ tinh thần cho những người tàn tật nói chung, những chị em khiếm thị nói riêng, đồng thời cùng với xã hội có sự quan tâm, chia sẻ.

Thực tình, tôi cũng chẳng biết nên bắt đầu những dòng tâm sự của mình như thế nào. Thôi thì, nghĩ sao viết vậy, rất mong nhận được sự cảm thông về những tâm sự cũng như lý do mà tôi – một cán bộ sáng lại có bài tham gia vào cuộc thi này.

Sau khi học xong chuyên ngành kế toán, tôi xin về UBND huyện làm và được điều sang làm kế toán cho Hội Người Mù huyện Hoài Đức. Khi về làm việc ở hội người mù huyện Hoài Đức, tôi mới có điều kiện để hiểu hơn về những người đã bị thiếu đi nguồn ánh sáng, đặc biệt là những tâm sự thầm kín của các cô, các chị.

Kính thưa ban tổ chức, thưa các cô, các chị!

Từ khi là đứa trẻ ngây thơ cho đến khi là một cô gái hồn nhiên với nhiều ước mơ hoài bão, tôi chỉ biết và thầm cảm phục một cô hàng xóm của tôi. Cô ấy sống một mình, tự làm mọi việc. Ngày ngày tôi còn thấy cô ấy gánh tăm, chổi và đủ thứ hàng hóa cồng kềnh lúc la lúc liểng giữa đường đi hết chợ nọ đến chợ kia bán. Lúc đó tôi đã tự hỏi rằng cô ấy làm mọi việc, phân biệt hàng hóa, phân biệt tiền bằng cách nào nhỉ, tại sao cô ấy phải sống một mình hay là cô ấy có khó khăn gì không?!!!.

Khi về làm kế toán của hội tôi mới có cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc, chia sẻ với các cô, các chị và tôi đã tự tìm được những câu trả lời cho những thắc mắc của tôi trước đây. Cô hàng xóm của tôi là cô Phí Thị Thịnh, sinh năm 1955, ở thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, hiện nay cô đang là chi hội trưởng chi hội xã 
Đức Giang. Cô là một trong những chi hội trưởng tích cực nhất của hội Hoài Đức chúng tôi. Lúc nào cô cũng năng nổ nhiệt tình, thường xuyên quan tâm hỏi han những hội viên khác. Mặc dù địa bàn xã Đức Giang do cô phụ trách cũng khá rộng nhưng cô vẫn một mình với cây gậy đi hết nhà của hội viên này đến hội viên khác. Mỗi năm khi gần đến Tết nguyên đán, cô lại lên huyện hội lấy công văn đi liên hệ với các tổ chức, cá nhân để vận động quà Tết cho hội viên ở chi hội. Chúng tôi thường nói với nhau rằng: “Hội viên ở chi hội của cô Thịnh ăn Tết to nhất”. Lúc nào đến họp cô cũng tích cực phát biểu ý kiến đóng góp cho hoạt động hội hoặc có những bài thơ, bài hát để gửi tặng hội nghị. Tôi được nghe kể lại rằng, những chương trình văn nghệ của hội tôi trước đây chẳng bao giờ thiếu cô bởi cô có giọng hát vừa khỏe khoắn, truyền cảm lại biết hát nhiều làn điệu, cả chèo, dân ca, ca mới. Nhưng sau này do tuổi cao sức khỏe kém hơn nên cô đã ít tham gia hơn. Cũng do sự năng động nhiệt tình với công tác hội mà chi hội của cô năm nào cũng đứng đầu trong phong trào thi đua của huyện hội, liên tục được Thành hội và UBND huyện trao tặng giấy khen.

Nếu mới gặp và nói chuyện với cô mà không để ý thì có lẽ không ai nghĩ rằng cô bị khiếm thị và có chất chứa nhiều nỗi buồn bởi lúc nào cô cũng vui tươi, hồ hởi, chẳng hề tỏ ra buồn tủi. Khi tâm sự với cô, tôi mới được biết, trước đây cô là một trong những người con gái xinh đẹp của làng và đến bây giờ mọi người để ý thì vẫn thấy được điều đó, tiếc là đôi mắt cô không còn nhìn thấy…. Cô cũng đã xây dựng gia đình nhưng ngay khi đó, cô bị một trận sốt ác tính và mắt của cô đã không còn nhìn thấy gì nữa. Cô cũng đã mất nhiều ngày liền để có thể trấn tĩnh và chấp nhận kết quả vô cùng nghiệt ngã. Khi đã bình tâm trở lại, cô đã xin phép gia đình nhà chồng để về sống ở nhà bố mẹ đẻ bởi cô biết, khi đó mình không thể làm tròn được bổn phận của một nàng dâu.

Không làm được đồng bãi, cô đã nhờ gia đình và các cháu xây dựng cho hai gian nhà nho nhỏ và hàng ngày cô bán đủ thứ hàng hóa lặt vặt để kiếm sống. Cảm thông trước hoàn cảnh của cô, bà con chòm xóm đã đến mua ủng hộ cho cô rất nhiều, mà không hẳn là vì ủng hộ đâu nha, thật tình những cái chổi, gói tăm… cô làm ra rất đẹp và chắc chắn chả kém gì những hàng hóa được làm ra từ người bình thường. Đã có lần tôi hỏi cô rằng, không nhìn thấy như thế cô kiểm soát thế nào được khách hàng? Cô cũng ngậm ngùi mà rằng: “trong xã hội người tốt rất nhiều nhưng người xấu cũng có, có người lấy mất của mình cái này, cái kia, nhưng lại có nhiều người cho mình những cái khác…”.

Khi đọc bài viết này chắc nhiều người cũng hiểu phần nào hoàn cảnh của tôi. Cuối năm 2003 tôi về Hội Người Mù Hoài Đức làm việc. Đầu năm 2005 tôi lấy chồng nhưng mãi đến tháng 8/2013, sau nhiều lần khám chữa hết trong Nam ngoài Bắc, đủ loại thuốc men, vô cùng tốn kém tôi mới đón nhận được tin vui, cái tin mà tôi đã khát khao chờ đợi hơn tám năm trời, đó là tôi đã mang thai đứa con đầu lòng. Khi biết tin mình có thai nước mắt tôi cứ chảy dòng dòng và không thể nói lên lời, báo tin cho chồng, chồng tôi còn tưởng tôi đùa rồi gọi điện đi gọi điện lại mấy lần mới tin đó là sự thật, niềm khát khao cháy bỏng có đứa con trong ngần ấy năm vất vả khó khăn cũng là điều làm tôi hiểu hơn những người phụ nữ đã được làm mẹ và càng quý trọng tình cảm của ba mẹ dành cho những đứa con của mình và đặc biệt hơn tôi càng thấu hiểu hơn hoàn cảnh của các bà, các chị cũng có nhiều nỗi niềm như tôi, nhưng tôi nghĩ ông trời sẽ không phụ lòng người, cứ cố gắng rồi cũng sẽ đạt được điều mình mong ước. Và rồi cuối tháng 5/2014 tôi sinh được một cháu trai. Đến giờ này, khi ngồi viết ra đây những dòng tâm sự này mà tôi cảm thấy niềm vui sướng, cảm giác hạnh phúc vẫn lâng lâng ngập tràn, một cảm giác vô cùng khó tả của người phụ nữ được làm mẹ, thấy con thay đổi, lớn lên từng ngày làm tôi dâng trào và quên hết mệt mỏi. Tôi biết, các bà, các cô, các chị còn có vô vàn khó khăn, cản trở, có nhiều thiếu hụt, mất mát, ngay cả quyền thiêng liêng, chính đáng, đó là quyền làm mẹ cũng chưa nhiều người thực hiện được. Và từ đáy lòng mình, tôi muốn gửi tới các bà, các cô, các chị sự sẻ chia sâu sắc với những gì mà các bà, các cô, các chị phải cam chịu do tật nguyền mang lại. Tuy nhiên, cũng như cô Phí Thị Thịnh – người hàng xóm của tôi – các bà, các cô, các chị đã có sự cố gắng, phấn đấu và đạt được những kết quả thật đáng để cho những người còn lành lặn như chúng tôi phải học tập.

Cuối cùng, không biết nói gì hơn, tôi xin chúc các bà, các cô, các chị luôn mạnh khỏe, vui tươi, yêu đời và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi cũng mong những hoạt động của chúng ta luôn dành được sự quan tâm và giúp đỡ của toàn xã hội.

     TRẦN THỊ THANH NGÀ (Hội người mù Huyện Hoài Đức)
  Bài viết đt gii khuyến khích ca cuc thi “Ph n khiếm th cùng nhau viết câu chuyn ca chúng ta” do Hi Người mù Thành ph Hà Ni t chc