BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017
Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, tạo hoá đã cho tôi tất cả những gì một con người nên có: có bố mẹ yêu thương, có người thân đùm bọc và đặc biệt là có cơ thể lành lặn, không khiếm khuyết.Tuy nhiên, năm tôi 2 tuổi thì một biến cố đã xảy ra. Thị lực của tôi có dấu hiệu suy giảm sau một trận sốt co giật do không được cấp cứu kịp thời. Từ đó trở đi, hai mắt tôi cứ mờ dần, mờ dần mặc cho bố mẹ đã đưa tôi đi khắp các bệnh viện để chữa trị.
Năm 2002, với một mắt hỏng hoàn toàn và mắt kia chỉ còn 2/10 thị lực, tôi vẫn cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Những tưởng mọi việc sẽ cứ thế yên ổn trôi đi, tôi vẫn sẽ lớn lên, học tập và sinh hoạt như người bình thường dù chỉ còn lại mắt duy nhất. Thế nhưng ông trời đã không chiều lòng người. Sau khi lên lớp 2 chừng một tháng, tôi bỗng phát hiện ra mắt mình xuất hiện những khoảng tối đáng sợ. Các bác sỹ khi khám cho tôi đều lắc đầu bó tay, chỉ có thể đưa ra pháp đồ điều trị tạm thời mà không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in câu nói của bác sỹ với bố mẹ mình ngày đó: “Bệnh của con anh chị quá nặng, hiện nay chưa thể chữa khỏi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiến hành phẫu thuật với hy vọng phần nào giữ được ánh sáng cho cháu. Thôi thì còn nước còn tát…”.
Trải qua nhiều ca mổ dài, cuối cùng, các bác sỹ cũng đã thành công vớt vát một phần nhỏ thị lực cho tôi. Dù vậy, nó chỉ giúp tôi thấy đường đi và các vật ở gần chứ không thể đọc được chữ trong sách nữa. Hằng ngày thấy các bạn hàng xóm đi học mà trong lòng tôi hình thành một thứ cảm giác hỗn độn, phức tạp: một chút buồn, một chút tủi thân và cả một chút ghen tị, nhưng trên hết là khao khát được trở lại trường học. Có lẽ đối với một đứa bé 8 tuổi như tôi lúc bấy giờ thì được tiếp tục đi học là mong muốn lớn nhất, cháy bỏng nhất. Thương con, mẹ tôi đã tìm đến trường Ptcs Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội liên hệ để tôi có thể học chữ Braille trước khi chính thức nhập trường. Nếu coi cuộc đời mỗi con người là một cuốn sách thì kể từ đây, cuốn sách đời tôi đã lật sang trang mới.
Tôi sẽ mãi không quên những ngày đầu làm quen với chữ Braille – loại chữ mà tôi mới chỉ nghe tên chứ chưa từng và có lẽ sẽ không bao giờ hình dung ra nếu như không tiếp xúc với nó. Lần đầu chạm tay vào chữ nổi, tôi chỉ cảm thấy nó là những chấm nhỏ nổi trên tờ giấy, chẳng giống chữ nào mà tôi đã từng học. Về sau, nghe thầy giải thích, tôi mới hiểu, thì ra nó không cấu tạo như chữ bình thường mà có quy tắc riêng. Sau gần một tháng khổ công luyện tập, tôi đã có thể đọc và viết tương đối thành thạo. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ được học tiếp lớp 2 tại trường Nguyễn Đình Chiểu mà không cần qua lớp dự bị.
Có thể nói, chữ Braille giống như một thứ công cụ không thể thiếu được trong cuộc sống của tôi, nhất là khi tôi không còn khả năng nhận biết ánh sáng. Biết chữ nổi đồng nghĩa với việc có thể tiếp cận tốt hơn với chương trình học, có thể tự đọc sách giáo khoa, tự làm bài tập mà không phiền đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Nhờ vậy mà việc tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn. Càng lên lớp cao thì yêu cầu về tốc độ ghi chép càng được nâng lên, tôi lại chuyển sang sử dụng chữ tắt thay cho chữ đủ. Ngoài việc sử dụng những ký tự đã được quy định trong bảng chữ tắt, tôi còn sáng tạo thêm những ký hiệu khác để mình có thể tiết kiệm thời gian khi viết. Nếu rút ngắn được thời gian ghi chép, tôi sẽ có thể tập trung hơn vào bài giảng của thầy cô.
Không chỉ giúp ích cho việc học tập, những chấm nổi mong manh mà hữu ích ngày ấy còn đưa tôi – một đứa trẻ ham đọc sách đến với thế giới của những ông Bụt, bà Tiên, của những chàng hiệp sĩ dũng cảm hay những nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần… Hơn 10 năm về trước, khi các thiết bị công nghệ hỗ trợ cho người khiếm thị chưa phổ biến rộng rãi thì những quyển truyện in bằng chữ nổi dường như là phương tiện duy nhất giúp tôi thoả mãn niềm say mê văn học của mình. Lớn lên, khi không còn say sưa với những câu truyện cổ tích thần kỳ thì tôi lại bị lôi cuốn bởi những sách báo, tài liệu cập nhật tình hình thời sự, khoa học hay những kỹ năng cần thiết. Một lần nữa, chữ Braille lại giúp tôi thực hiện ước mong.
Cho dù ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến cho việc học tập, làm việc hay giải trí trở nên thuận lợi hơn rất nhiều - chỉ cần vài thao tác đơn giản là cả thế giới đã như nằm gọn trong tay, tôi vẫn coi việc sử dụng chữ nổi như một công việc hằng ngày, như ăn cơm, uống nước… Thật khó để lý giải vì sao tôi lại gắn bó với nó như vậy. Chỉ biết rằng giữa tôi và chữ Braille tồn tại một mối liên hệ vô hình, kỳ diệu, một thứ tình cảm khó diễn tả bằng lời. Nó giống như tình cảm mà người nông dân dành cho con trâu, của người nhạc công dành cho cây đàn, của người hoạ sỹ dành cho màu vẽ hay của người thợ xây dành cho vật liệu thi công. Cứ như thế, chữ Braille đã, đang và sẽ đồng hành cùng tôi trong suốt thời học sinh đã qua, thời sinh viên hiện tại và có lẽ là cả nhiều năm sau nữa.
Đỗ Thu Hà – Hội người mù Quận Cầu Giấy
Tin mới
- Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng mù vượt qua “bóng đêm số phận” - 07/02/2018 01:33
- 'Nữ sinh viên xương rồng' đáng ngưỡng mộ ở Thủ đô - 06/02/2018 06:51
- Chữ Braille trong cuộc đời tôi. - 10/01/2018 08:01
- “Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù” - 10/01/2018 07:59
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:54
Các tin khác
- Ngọn đuốc “thắp sáng” tương lai người khiếm thị - 10/01/2018 07:48
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù - 22/08/2017 07:35
- NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ CƠ HỘI TRONG CUỘC ĐỜI TÔI - 16/08/2017 03:59
- CHỮ BRAILLE CHẮP ĐÔI CÁNH ƯỚC MƠ TÔI. - 08/08/2017 01:18
- Vượt bao khó khăn, anh chàng khiếm thị tìm thấy ‘đôi mắt thứ 2’ của đời mình - 31/07/2017 04:22