Gương mặt hiền lành với giọng nói ấm áp, nụ cười thân thiện và tự tin là ấn tượng Đỗ Thu Hà để lại cho những người lần đầu gặp mặt. Cô sinh viên này khiếm thị nhưng có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.
Ảnh: Bạn Đỗ Thu Hà, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Với niềm đam mê ngoại ngữ, sự cố gắng không ngừng và năng lực của bản thân, Hà được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà nội.
Hỏng hai mắt, mất đi một phần cuộc sống
Hà sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 3 tuổi biến cố ập đến. Cô bị sốt co giật, cơn sốt kéo dài đã khiến đứa trẻ 3 tuổi mất dần đi thị lực. Chưa dừng lại, cơn sốt quái ác còn để lại di chứng nặng nề, năm 4 tuổi Hà bị hỏng hoàn toàn mắt trái. Trong thời gian đó Hà vẫn đi học và sinh hoạt bình thường.
Năm lên 7 Hà phải hứng chịu mất mát lớn nhất đó là hỏng cả mắt phải, cô đã vĩnh viễn mất đi cơ hội nhìn thấy ánh sáng và phải nghỉ học 1 năm để chữa trị.
Hà chia sẻ: “Tôi từng phẫu thuật mắt vì bị bong võng mạc, cần một chất keo để dán nó lại. Đến giờ, không thể dán được nữa vì võng mạc đã bị thoái hóa rồi. Nhưng chất keo đấy vẫn trong mắt, phải giữ cho nó không bị hỏng thì mới không phải mổ nữa. Thay dầu mắt khá tốn kém, lấy ra thì mắt sẽ bị teo lại không còn được như hình dạng ban đầu nữa”. Thời gian chữa trị rất là dài, Hà phải đi khám định kì, mỗi năm 2 lần nếu không có điều gì bất thường.
Thành tích học tập đáng ngưỡng mộ
Trong 12 năm đi học Hà đều đạt học sinh giỏi, năm lớp 10 đạt giải 3, năm lớp 11 đạt giải khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi văn cấp cụm Hoàn Kiếm.
Năm 2013 Hà tham gia cuộc thi thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh niên khuyết tật ở trong khu vực Thái Bình Dương, tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan và vinh dự đạt huy chương đồng.
Năm 2015, Hà được tuyển thẳng vào đại học, trước nhiều lựa chọn cô quyết định đăng kí Khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm thứ nhất đại học Hà có nhận được học bổng của báo Tuổi trẻ do nhà trường đề xuất.
Hà bày tỏ: “Tôi cũng chưa từng nghĩ việc trân trọng và tự hào về thành tích nào nhất, vì cái nào cũng do công sức của chính mình bỏ ra cả.” Chưa bao giờ Hà tính xem một ngày mình học bao nhiêu thời gian, ngày nào cô cũng học. Với ánh mắt đầy yêu thương và tự hào, mẹ Hà chia sẻ: “Hà thường học đến 12h đêm, có hôm đến tận 1, 2 giờ sáng, lúc tỉnh giấc thấy đèn vẫn sáng cô cũng thấy thương con”.
Hà vinh dự trở thành nhân vật chính trong chương trình “Hôm nay ai đến của” VTV6 số 92, ngày 27/6/2017 và nhận cơ hội thực tập tại Trung tâm Giáo dục dành cho người khiếm thị từ Thạc sĩ Bùi Xuân Trường (Phó giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng cho người mù).
“Chán nản thì có, từ bỏ thì không”
Đối với Hà “Chán nản thì có, nhưng từ bỏ thì không, Thất bại một cái gì đó mà từ bỏ thì có nghĩa là mình đang đầu hàng chính mình”. Thành tích trong suốt thời gian học tập chính là minh chứng cho sự nỗ lực cố gắng không ngừng của Hà. Tự nhận xét về mình, Hà thấy mình là người may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác, có gia đình yêu thương, có thầy cô, bạn bè tận tình giúp đỡ, động viên.
Người ta vẫn nghĩ và khuyên cô nên học trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật. Nhưng Hà lại nghĩ khác: “Tôi học ở môi trường bình thường sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những người xung quanh, trường học vốn dĩ là một xã hội thu nhỏ, học chung với các bạn còn học được nhiều kĩ năng sống. Tôi thấy rất hay mà”
Không ngại khó khăn, trở ngại, cô sinh viên 21 tuổi còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hà đang tham gia phụ trách công tác Hội viên trẻ của Hội người mù. Cô cũng có tham gia dạy lớp học tiếng Anh cho con em của các Hội viên trong Hội, mỗi tuần 1 buổi và thường vào cuối tuần. Đối với Hà: “Dạy các em trước hết là vui đã, mình cũng có thể rèn luyện, thực hành chuyên môn, rất bổ ích”.
Mặc dù khiếm khuyết về bản thân, nhưng trong con người cô sinh viên 21 tuổi lại ẩn chứa một nhân cách hoàn mỹ. Cô nghĩ: “Để cho người ta có kì thị mình hay không thì mình nghĩ cũng một phần do chính bản thân. Cách cư xử và lối sống của mình quyết định thái độ và hành vi của những người xung quanh”.
“Hãy sống như thể ngày mai bạn không còn tồn tại trên thế giới này nữa, hãy sống hết mình, sống làm sao để khi rời khỏi thế giới này bạn không phải tiếc nuối”. Đó cũng chính là thông điệp ý nghĩa mà Hà muốn gửi tới những người khuyết tật về sự nỗ lực trong cuộc sống.
Theo http://hoanhap.vn
Tin mới
- VĐV khiếm thị chinh phục Mã Pí Lèng bằng niềm tin - 07/05/2018 03:38
- Khâm phục ý chí của một người phụ nữ khiếm thị Phú Xuyên - 11/04/2018 03:19
- Nhớ mẹ - 09/03/2018 07:43
- Một người khiếm thị giàu lòng nhân ái - 08/02/2018 01:56
- Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng mù vượt qua “bóng đêm số phận” - 07/02/2018 01:33
Các tin khác
- Chữ Braille trong cuộc đời tôi. - 10/01/2018 08:01
- “Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù” - 10/01/2018 07:59
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:54
- Tầm quan trọng và việc ứng dụng một cách sáng tạo chữ Braille trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:50
- Ngọn đuốc “thắp sáng” tương lai người khiếm thị - 10/01/2018 07:48