Bỗng dưng đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, ông Nguyễn Văn Bâm tưởng bầu trời sụp đổ, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Nhưng bằng ý chí, nỗ lực của bản thân cùng sự động viên, chia sẻ của mọi người, ông đã vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, sống có ích cho gia đình, xã hội.

Ông Bâm sinh năm 1947, ở thôn Chanh Thôn, xã Văn Nhân huyện Phú Xuyên. Khi sinh ra, ông cũng hoàn toàn bình thường như bao nhiêu người khác. Năm 25 tuổi ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương. Hoàn cảnh gia đình ông khi đó rất khó khăn, ông đã để lại cha mẹ già, con nhỏ ở quê nhà, tình nguyện đi khai hoang ở thôn Bối Khê, xã Chuyên Mỹ huyện Phú Xuyên.

Sau 4 năm, kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, ông quyết định trở về lập nghiệp tại quê nhà. Vốn là người có bản tính năng động, nên ngoài làm nghề mộc truyền thống của địa phương, ông còn đi buôn đồ gỗ, buôn trâu. Ngày đó, xã Văn Nhân có nghề đóng gạch thủ công, nhiều người ở thôn ông ngày ngày phải đi bộ lên đê để đi gánh gạch. Vốn là người giàu lòng trắc ẩn, ông đã quyết định bán 2 con trâu của gia đình để lấy tiền mua xe đạp cũ, hỏng về sau đó sửa lại và bán với giá dẻ cho những gia đình khó khăn. Người có tiền thì trả ngay, ai không có tiền thì ông cho chịu, hàng tháng trả dần. Cứ tưởng cuộc sống của ông cứ vậy trôi đi, nhưng số phận nghiệt ngã đã mang tới cho ông và gia đình thử thách quá lớn. Năm 2001, sau một trận cảm, ông bị bệnh Grôcôm, đôi mắt của ông mờ dần. “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, cuộc sống của ông chìm trong bóng tối và nước mắt. Sau hơn 2 năm sống trong mặc cảm, ông đã tự tìm ra nguồn ánh sáng cho đời mình và tự nhủ nhiều người còn kém may mắn hơn mình khi sinh ra không bao giờ được thấy ánh sáng. Ông dần dần bình tâm, học cách thích ứng với cuộc sống không ánh sáng, mỗi ngày kiên trì tập luyện một chút. Ban đầu ông học cách định vị đồ đạc trong nhà, đi lại trong bóng tối rồi sau đó là đi trong xóm, trong làng, gặp gỡ mọi người. Nói thì đơn giản, nhưng để làm được những việc đó, ông đã phải mất hàng tháng trời. Không biết bao lần ngã sứt đầu, mẻ trán, chân tay, mặt mũi bầm tím do va vào bờ tường, đồ vật, bước hụt bậc thềm... Dần dần đôi tai, đôi tay của ông cũng phần nào thay cho đôi mắt. Sau đó, ông bắt đầu tham gia sinh hoạt tại Hội người mù huyện. Được gặp gỡ, giao lưu với những người có cùng cảnh ngộ, ông đã không còn mặc cảm, tự ti, sống cởi mở hơn. Tiếp xúc với ông Bâm, tôi cảm phục ý chí và nghị lực vượt lên số phận của ông.

Theo ông, cuộc sống của mình có nhiều thay đổi khi tham gia vào hội. Trong một lần tham gia sinh hoạt hội, ông vô tình nhặt được chiếc gậy chống của một hội viên không được chặt, đẽo cận thận nên ông đã nẩy ra ý nghĩ làm gậy tặng hội viên. Ban đầu ông tận dụng các phế liệu thừa trong gia đình như ống nước, ống nhựa, chân bàn, ghế hỏng bằng inox cắt gọt cẩn thận lắp ghép lại để làm gậy. Sau đó, ông vận động hàng xóm, láng giềng, gia đình nào có các vật liệu đó không dùng đến thì ủng hộ để ông làm gậy tặng người khiếm thị. Không chỉ làm gậy tặng người khiếm thị, ông còn làm những cái gãi lưng để tặng những người tay bị ảnh hưởng, làm ghim sâu cước cho các bà đan lưới. Hàng ngày ông vẫn ghim cước cho hai con dâu và các bà hàng xóm đan lưới. Ông còn tận dụng những sợi dây duy băng trong những hộp gói quà, hộp bánh tết khi làm, để gậy có thể dễ dàng tháo rời ra và lắp vào tùy theo người sử dụng. Mỗi lần đi sinh hoạt tại hội người mù huyện, ông lại mang tới để tặng các hội viên có nhu cầu. Đến nay, ông đã làm và tặng 90 chiếc gậy cho người khiếm thị, các cụ cao niên đi lại gặp khó khăn ở địa phương. Những chiếc gậy nhỏ bé đó như nguồn ánh sáng niềm tin mà ông Bâm đã truyền thêm cho những người khiếm thị, có cùng cảnh ngộ.

Từ những sự nỗ lực của bản thân, ông Nguyễn Văn Bâm đã vượt lên số phận và lan tỏa thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, như ngọn đuốc soi đường cho những người khiếm thị./.

 

Trần Việt Anh – Hội người mù Huyện Phú Xuyên