- Sáng 31/3, Hội Người mù Thành phố đã tổ chức gặp mặt và tri ân nhân Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Người mù Hà Nội và 10 năm tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã đến dự.  
 
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Lê Trung Quyết cho biết: Hội Người mù Hà Nội được thành lập ngày 3/7/1972, đến nay, sau 50 năm, từ 1 cơ sở Hội ban đầu, Hội đã có 30 cơ sở tại 30 quận, huyện, thị xã, là đơn vị lớn nhất của Hội Người mù toàn quốc về diện tích, số lượng đơn vị trực thuộc cũng như số lượng hội viên. Hiện, toàn hội có trên 6.000 hội viên thường xuyên sinh hoạt tại 350 chi hội, hội xã phường. Đội ngũ cán bộ Hội có trình độ chuyên môn Đại học và trên Đại học chiếm trên 80% tổng số ủy viên; Ủy viên BCH là nữ chiếm 35%, 90% cán bộ có trình độ từ sơ cấp lý luận chính trị, công tác xã hội.
Hội đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm dạy nghề; tổ chức các CLB phù hợp với sở thích của Hội viên như: Tri thức đời sống; Thơ, báo chí; đàn hát dân ca, văn nghệ…
Về đời sống vật chất, nếu như năm 1972, 95% người mù trong diện nghèo đói thì đến nay không còn hội viên đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 0,64%; 100% hội viên đủ điều kiện được cấp thẻ BHYT và thẻ xe buyt miễn phí; không còn hội viên ở nhà dột nát; 100% hội viên đủ điều kiện được học nghề và tạo việc làm cũng như vay vốn với lãi suất ưu đãi.
 
 Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Lê Trung Quyết phát biểu khai mạc 
Đến nay, Hội đã thành lập và quản lý 30 HTX và tổ hợp tác, thu hút hàng nghìn lao động, trong đó, 85% là người khiếm thị. Doanh thu một số cơ sở sản xuất đạt từ 300-700 triệu đồng/năm…Thu nhập của người lao động từ 2-3 triệu đồng/tháng. Có 125 cơ sở xoa bóp do tổ chức Hội và người khiếm thị đứng ra làm chủ đã tạo việc làm thường xuyên cho 700 người khiếm thị…Mỗi năm, có từ 6-10 lớp dạy nghề, tư vấn việc làm do Trung tâm Hội tổ chức với 300 lượt cán bộ, hội viên, 95% hội viên được học nghề đều có việc làm.
 
Hội cũng đã đề xuất với MTTQ và phối hợp với các nhà hảo tâm xây mới, sửa chữa 64 nhà dột nát với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp Hội thường xuyên khảo sát, nắm bắt đời sống hội viên, kịp thời thăm hỏi, trợ cấp đột xuất, tặng quà vào các dịp lễ tết, ốm đau…trung bình mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Hội đã trao tặng trên 15,5 tỷ đồng cho 32.939 lượt hội viên mỗi dịp Tết.
 
Cùng với chăm lo đời sống vật chất, Hội Người mù TP còn chăm lo đời sống tinh thần cho các hội viên. Hội đã vận động xã hội hóa tặng máy tính, đường truyền Internet, điện thoại thông minh cho 1.288 hội viên nghèo; tổ chức hàng nghìn lớp học tin học, sử dụng điện thoại và các phần mềm cho người khiếm thị…

Đáng chú ý, Hội đã tổ chức 3 chương trình “Chạy với tôi” - người khiếm thị cùng người sáng mắt nắm tay nhau chạy quanh hồ Hoàn Kiếm để trải nghiệm và thấu hiểu cuộc sống của người khiếm thị…Năm 2021, Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị được thành lập và tổ chức cuộc thi khiêu vũ cho người khiếm thị Thủ đô với 50 vận động viên tham gia…Người khiếm thị cũng tham gia đầy đủ và bình đẳng vào công cuộc xã hội như quyên góp Vì biển đảo, Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung, ủng hộ phòng chống Covid-19…thu hút 100% cán bộ hội viên và gia đình tham gia. Đặc biệt, trong giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Hội đã phát động chương trình “Cùng người khiếm thị Thủ đô vượt qua đại dịch” hỗ trợ 100% hội viên với tổng số trên 3,4 tỷ đồng.
 
Với những nỗ lực trong suốt 50 năm qua, Hội Người mù Thành phố đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Thành phố…

Festival Niềm tin và Ánh sáng lần đầu tiên được tổ chức lần thứ 1 vào ngày 17/4/2011, tại Cung thiếu nhi Hà Nội với sự tham dự của hơn 400 người khiếm thị cùng hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên 10 trường Đại học với các hoạt động: trưng bày giới thiệu hoạt động của Hội người mù các quận, huyện, thị với các sản phẩm do người khiếm thị làm ra; tôn vinh 10 tấm gương tiêu biểu; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; giao lưu với các tấm gương tiêu biểu giàu nghị lực…Đến nay, Festival đã được tổ chức 4 lần. Hội đang chuẩn bị tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ 5 kết hợp với kỷ niệm 50 năm thành lập Hội với nhiều chuỗi hoạt động thiết thực, hấp dẫn.

 

Vương Vân

Nguồn Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội