Bằng nghị lực sống mạnh mẽ và tinh thần hăng say lao động, không ít người khiếm thị ở huyện Phú Xuyên đã quyết tâm thay đổi cuộc sống. Trên hành trình ấy, họ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Hội Người mù huyện thông qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.

Ảnh: đc Chủ tịch Hội người mù Phú Xuyên thăm và tặng quà tết cho hội viên

Trong những ngày giáp tết vừa qua, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Hoạch sinh năm 1950 trú tại thôn Quang Lãng xã Quang Lãng. Ông Hoạch cho biết: “Khi sinh ra ông cũng có đôi mắt sáng như bao bé trai lành lặn khác. Ông lập gia đình và có 3 người con. Ông tham gia công tác tại Công ty xây dựng Thủy lợi 1. Năm 1985, ông bị xuất huyết võng mạc và đi chữa trị nhiều lần không thể điều trị khỏi. Mất đi đôi mắt là mất đi cửa sổ nối liền với thế giới bên ngoài. Ông nghỉ công tác về quê tham giam  sản xuất với vợ con. Thời điểm này, vợ chồng ông cũng mới sinh thêm người con thứ 3. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng không nản chí, năm 1991, ông tham gia sinh hoạt Hội Người mù huyện Phú Xuyên .Trong cuộc sống, ông luôn nhận được sự quan tâm của hội. Vào hội, ông còn được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi lợn nái và trồng cây ăn quả... tăng thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, các con ông được ăn học, đến nay đều có công ăn việc làm ổn định.

Ảnh: ông Hoạch cuốc đất

Cũng như ông Hoạch, bà Nguyễn Thị Quyến sinh năm 1959, thôn Ứng Cử  xã Vân Từ sinh ra bình thường. Lớn lên bà xây dựng gia đình. Đầu năm 1985, hai mắt cứ mờ dần. Bác sĩ cho biết bà bị viêm giác mạc dẫn đến bị thiên đầu thống mắt. Gia đình đưa đi điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng bà vẫn không thể nhìn được. Cũng từ đó cuộc sống của bà khó khăn hơn, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ sự giúp đỡ của chồng và các con. Năm 1990, bà tham gia sinh hoạt Hội Người mù huyện. Tại đây, bà được sự động viên, chia sẻ của hội viên và hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng dành cho người khiếm thị. Ngoài ra, Bà còn tham gia các hoạt động hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tinh thần bà được cải thiện và phấn chấn hơn. Hàng năm vào các ngày lễ, tết, các ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm luôn quan tâm, động viên, tặng quà và chia sẻ những khó khăn thường nhật với gia đình.

Ảnh: Bà Quyến hái bưởi

Có thể khẳng định, Hội Người mù huyện Phú Xuyên luôn là địa chỉ tin cậy của người khiếm thị. Tại đây, người khiếm thị được giao lưu, học hỏi, tập huấn các kỹ năng sống, giúp họ từng bước hòa nhập với cộng đồng. Nắm bắt nguyện vọng của người khiếm thị mong muốn có việc làm, sống có ích cho xã hội, Hội Người mù huyện phối hợp mở nhiều lớp dạy nghề, lớp tập huấn cây trồng vật nuôi cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn đứng ra tín chấp Ngân hàng chính sách xã hội, Nguồn vốn của TW hội, nguồn vốn vay của UBND Thành phố cho 23 lượt hội viên vay với số tiền 585 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các hội viên đã tham gia phát triển kinh tế gia đình. Hội còn đẩy mạnh công tác giáo dục, dạy chữ, dạy nghề giúp cho người khiếm thị nâng cao kiến thức áp dụng vào cuộc sống cũng như lao động sản xuất.

Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên, rất nhiều người khiếm thị ở Phú Xuyên đã có cuộc sống ổn định. Cùng với đó là sự trợ giúp, động viên kịp thời của các cấp hội và cộng đồng, họ không chỉ khẳng định bản thân mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội. 

 

          Hương Giang – Hội người mù Huyện Phú Xuyên