Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822– 1/7/2022) và chào mừng lễ đón bằng danh nhân văn hóa thế giới do UNESCO công nhận, cùng với cả nước, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh cụ Đồ Chiểu. Nói chuyện chuyên đề: “Nguyễn Đình Chiểu - một biểu tượng văn hóa dân tộc" là chương trình do Hội tổ chức ngày 15/6.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, đối với người Nam bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng mà còn là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Với sự tinh tế, sắc sảo và hóm hỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương đã khắc tạc được biểu tượng văn hoá Nguyễn Đình Chiểu.

Giao lưu văn nghệ về cuộc đời cụ Đồ Chiểu

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, uy tín lớn lao về đạo đức của Đồ Chiểu - một nhà giáo có rất nhiều học trò, là thái độ bất hợp tác đối với thực dân Pháp. Điều đó đã khiến cụ trở thành một sức mạnh lớn lao, mặc dù không có binh tướng trong tay. Nguyễn Đình Chiểu là linh hồn của phong trào chống Pháp, cổ vũ phong trào khánh chiến chống thực dân. Chính vì vậy, các tác phẩm thơ văn của cụ đã rung động lòng người, đi thẳng vào trái tim Nhân dân.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, người ta nghĩ ngay đến truyện thơ Lục Vân Tiên. Tác phẩm như là biểu tượng thơ văn của người dân Nam bộ. Đó cũng là tác phẩm làm nên hiện tượng lạ, ra đời một làn điệu dân ca Nam bộ - nói thơ Lục Vân Tiên. Từ truyện thơ này, dân gian đã thêm vào những giai điệu ngân nga, trữ tình để học đạo làm người từ những câu thơ cụ Đồ.

Điều đặc biệt, tác giả của Lục Vân Tiên dù bị mù vẫn mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người và tham gia bàn bạc công việc cứu nước. Thơ ông thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước và là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, phục vụ đất nước, Nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ văn hóa, đồng thời là chiến sĩ giáo dục.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói về cụ Đồ Chiểu

Năm 1888, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Ngày đưa tiễn cụ, cánh đồng An Đức (Ba Tri, Bến Tre) rợp khăn tang. Tên của cụ được đặt cho tên đường ở tỉnh, thành phố. Ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị nổi tiếng của Thủ đô cũng được đặt theo tên của nhà văn hóa yêu nước này.

Ông Lê Trung Quyết, UVBTV Hội Người mù Việt Nam, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội bày tỏ: “Cụ Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương người mù tự học tri thức, học nghề thuốc Đông y để hành nghề cứu người, một nhà văn, một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam luôn là gương sáng để lớp lớp người khiếm thị học tập và noi theo. Cụ là một trong số 6 danh nhân của Việt Nam được thế giới công nhận, lại là người khiếm thị duy nhất.

Tôi mong rằng, hội viên Hội Người mù toàn thành phố hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và noi gương của danh nhân khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để tiếp tục học tập, công tác tốt và vươn lên hòa nhập trong cuộc sống”.


Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi là cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Thân sinh của Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Đình Huy, tự Dương Minh Phủ quê ở Thừa Thiên vào Gia Định khoảng năm 1822.

Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu để đời có truyện thơ Nôm: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp. Các tác phẩm thơ lẻ, văn tế: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn điếu Trương Định, Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong…

Lê Dung
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ đô