Dù khiếm khuyết đôi mắt, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng với ý chí vươn lên, niềm tin vào cuộc sống, nhiều người khiếm thị được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình đã nỗ lực, cố gắng vượt qua số phận trở thành người có ích cho xã hội.

Ngày 14/6, Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 1992-2022.

Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 1992-2022

Theo đó, trong điều kiện khó khăn, nhờ quyết tâm nỗ lực của cán bộ, hội viên các cấp Hội cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của T.Ư Hội, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức từ thiện và đặc biệt là việc triển khai tốt chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Hội Người mù TP Hà Nội đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi cho nhiều người khiếm thị có thu nhập ổn định cải thiện đời sống.

Nhiều người đã trở thành thợ thủ công, thợ xoa bóp tẩm quất giỏi, chủ nhiệm HTX, tổ trưởng sản xuất năng động nhiệt tình góp phần hữu ích cho xã hội, xóa đi sự mặc cảm, tự ti; thay vào đó là niềm vui phấn khởi, tự hào. Nhờ có nguồn vốn sản xuất, tạo việc làm, cuộc sống nhiều người khiếm thị được cải thiện, mua sắm được các tiện nghi có giá trị như: Ti vi, tủ lạnh, điều hòa, xe máy, ô tô, xây nhà cao tầng… nhiều người còn xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phấn đấu trở thành gia đình văn hóa ở khu dân cư.

Tiêu biểu như anh Lê Văn Bình (ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) được vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để mua bò sữa phát triển kinh tế gia đình, hiện nay trong chuồng nhà anh có 12 con bò sữa, tổng doanh thu 1 năm 625 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 192 triệu đồng/năm. Chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) được vay với số tiền là 50 triệu đồng mua trang thiết bị mở cơ sở xoa bóp tẩm quất tại nhà, tạo điều kiện cho 8 kỹ thuật viên có việc làm ổn định, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Sau nhiều năm tích cóp, chị đã xây được một ngôi nhà 7 tầng khang trang và nuôi 2 con ăn học thành đạt.

 

 

 

Anh Tạ Đình Hán (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) được vay vốn mua trang thiết bị mở cơ sở xoa bóp tẩm quất, tạo điều kiện cho 7 kỹ thuật viên có việc làm ổn định mỗi năm thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Anh Đặng Văn Cẩn (xã Vân  Nam, huyện Phúc Thọ) được vay 50 triệu đồng đã đầu tư trồng 9 sào bưởi diễn. Ngoài trồng bưởi mỗi năm anh nuôi 2 con lợn sinh sản và trên 30 con lợn thương phẩm. Thu nhập từ bưởi diễn và chăn nuôi, hàng năm lãi từ 90 đến 110 triệu đồng.

Dù khiếm khuyết đôi mắt, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng với ý chí vươn lên, niềm tin vào cuộc sống, nhiều người khiếm thị được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình đã nỗ lực, cố gắng vượt qua số phận trở thành người có ích cho xã hội

Anh Bùi Văn Nho (Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) được vay 40 triệu đồng kinh doanh nhà nghỉ, chèo đò, trông xe tại khu du tích Chùa Hương, mỗi năm trừ chi phí lãi khoảng 175 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Tốt (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) được vay 50 triệu đồng mở dịch vụ xoa bóp tẩm quất ở xã Vạn Điểm huyện Thường Tín, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 8 hội viên, tháng nhiều nhất có 1.200 khách. Sau khi trừ chi phí, lương cho kỹ thuật viên, mỗi tháng anh thu nhập từ 18 -20 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Cổ Loa, huyện Đông Anh) được vay 35 triệu đồng đầu tư mua 1 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh còn đầu tư sửa chữa, cải tạo lại vườn cây ăn quả và 2 sào ruộng chuyên canh rau màu, trừ chi phí sản xuất đầu vào cũng đem lại cho gia đình từ 3-5 triệu đồng/tháng, lợi nhuận  hàng năm từ 60-80 triệu đồng. Anh Lê Văn Hợi (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) được vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi hàng trăm con lợn thịt và trồng bưởi diễn, trừ chi phí mỗi năm cũng lãi hơn 200 triệu đồng.

Theo Hội Người mù TP Hà Nội, kết thúc mỗi kỳ trả vốn, 100% hội viên được vay đều hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng, không có trường hợp nào dư nợ quá hạn. Số hộ nghèo có hội viên khiếm thị sinh sống giảm còn 0,64%. Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã được Hội triển khai nghiêm túc, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Nhiều cơ sở sản xuất đã ra đời tạo thêm việc làm cho người mù.

Hội viên và gia đình hội viên được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Thông qua hoạt động thẩm định, quản lý, kiểm tra vốn vay, cán bộ Hội cũng đã nâng cao trình độ, tư duy nhạy bén, có điều kiện quan tâm sát sao tới hội viên, nắm bắt tới từng cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Hồng Thái

Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị