Chiều ngày 14/6 tại Hà Nội, Nhóm Vì sự bình đẳng và phát triển của người khuyết tật (Hà Nội) phối hợp với Hội Người mù Hà Nội tổ chức “Hội nghị tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khiếm thị”. Tham dự hội nghị có bà Đào Thu Hương – cán bộ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội; đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Trung tâm hỗ trợ Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội; Hội người khuyết tật Hà Nội cùng gần 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, Hội viên đến từ 21 quận, huyện Hội Người mù Hà Nội, trong đó có trên 60 phụ nữ khiếm thị đã chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Luật sư Nguyễn Thanh Thúy – Trưởng nhóm Vì sự bình đẳng và phát triển của người khuyết tật phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Luật sư Nguyễn Thanh Thúy – Trưởng nhóm Vì sự bình đẳng và phát triển của người khuyết tật cho biết: “Hội nghị nhằm tăng cường thực hiện các quyền về chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật nói chung, phụ nữ khiếm thị nói riêng về điều trị và phục hồi trong và sau đại dịch Covid-19. Đây là một trong những hoạt động của Dự án Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khiếm thị do Quỹ quốc tế về hệ thống bầu cử (IFES) và Mạng lưới tổng tuyển cử về tiếp cận người khuyết tật (AGENDA) tài trợ”.

Ông Lê Trung Quyết - Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội phát biểu

Ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội tại hội nghị chia sẻ: “Sau 02 năm 2020, 2021 Đại dịch hoành hành dữ dội, số người không mắc Covid-19 rất hiếm, chúng tôi ở đây cũng như nhiều công dân ở Hà Nội đa số đã mắc Covid-19. Tuy nhiên, nội tại cả nước đã có sự chuẩn bị tốt nên chúng ta đã vượt qua Đại dịch một cách ngoạn mục và đã trở lại cuộc sống bình thường như hiện nay. Dịch bệnh thì vẫn còn, chúng ta không thể lơ là mà vẫn phải chủ động đề phòng”. Đối với chuyên gia y tế tại Hội nghị, ông Lê Trung Quyết đề nghị cần làm rõ 02 vấn đề: Thứ nhất là việc phân biệt các dấu hiệu hậu Covid-19 với các biểu hiện của những bệnh lý khác? Thứ hai là phương pháp điều trị các triệu chứng do Covid-19 để lại. Đối với các đại biểu dự Hội nghị, do điều kiện khách quan nên dù số hội viên có nhu cầu tham gia đông, nhưng Ban tổ chức chỉ sắp xếp được 100 đại biểu tham dự. Vì vậy, ông Quyết yêu cầu những cán bộ, Hội viên đại diện cho 21 quận, huyện Hội sau khi được nghe, biết thêm kiến thức về Covid-19 các anh chị có trách nhiệm truyền đạt lại cho những người không được dự hội nghị và cũng đặt câu hỏi cho bác sĩ với những vấn đề còn vướng mắc.

Ths. Bác sĩ Nguyễn Phương Anh cung cấp thông tin về bất thường sau Covid-19 và cách xử trí

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Ths. Bác sĩ Nguyễn Phương Anh – Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương cung cấp thông tin liên quan đến các vấn đề bất thường sau Covid-19 và cách xử trí. Theo thông tin từ Bác sĩ Nguyễn Phương Anh, phụ nữ có nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài gấp 2 lần so với nam giới. Khi mắc Covid-19 ở giai đoạn cấp tính, người bệnh có hơn 5 triệu chứng như: mệt mỏi, nhức đầu, khó thở, khàn giọng và đau cơ… Covid-19 ảnh hưởng lên các cơ quan gây nên tình trạng xơ phổi, viêm phổi và viêm thành phế nang do virus, chấn thương do thở máy kéo dài, rối loạn điều hòa miễn dịch, thiếu oxy kéo dài, suy giảm chức năng phổi, tổn thương tim, mạch… Các triệu chứng của người bệnh hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng tới thể trọng của người bệnh như: lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, đau cơ, mất khứu giác, mất vị giác, mất sự ngon miệng, rối loạn nuốt, nôn, tiêu chảy, đau rát họng, hụt hơi, khàn giọng…

Các đại biểu đăng ký thảo luận và đặt câu hỏi cho bác sĩ Phương Anh

Trong bài trình bày của mình, Ths. Bác sĩ Nguyễn Phương Anh cũng đã hướng dẫn một số biện pháp khắc phục các triệu chứng hậu Covid-19 như: uống ngụm nước nhỏ, tăng độ ẩm không khí trong phòng, không cao giọng hoặc la hét, bỏ thuốc lá, sử dụng các cách giao tiếp khác (chữ viết, cử chỉ điệu bộ, nhắn tin..) khi đau rát họng, hụt hơi, khàn giọng. Khi bị ho nhiều, người bệnh có thể sử dụng một số biện pháp như thở đường mũi thay đường miệng, ngậm kẹo, thực hiện một số bài tập ngừng ho… Khi bị rối loạn nuốt có thể thực hiện một số biện pháp như: ngồi thẳng lưng khi ăn, uống, giữ tư thế thẳng (ngồi, đứng, đi) sau ăn ít nhất 30 phút, thử các loại thức ăn có độ đặc khác nhau, tập trung khi ăn uống (ăn ở chỗ yên tĩnh, không nói chuyện..), ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, giữ cho miệng luôn sạch: uống đủ nước, đánh răng. Khi bị mất khứu giác, vị giác, hãy tập huấn luyện khứu giác bằng cách ngửi chanh, tinh dầu, thảo dược… trong vòng 20 giây/lần x 2 lần/ngày, sử dụng các gia vị như ớt, chanh, rau thơm… để tăng hương vị của món ăn… Khi làm việc cần thực hiện trong thời gian ngắn và thường xuyên nghỉ giải lao, chỉ nên làm một việc tại một thời điểm, sử dụng các biện pháp trợ giúp ghi nhớ, giữ kết nối với xã hội….

Chị Hoàng Thị Cúc - Hội người mù huyện Phúc Thọ chia sẻ câu chuyện chiến đấu với Covid-19 của mình

Đại diện cho gần 60 phụ nữ khiếm thị chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 tham dự hội nghị, các chị Chu Thị Thu Hà (Hội người mù thành phố Hà Nội), Hoàng Thị Cúc (Hội người mù Phúc Thọ) và Lê Thị Bội Hương (Hội người mù quận Thanh Xuân) đã chia sẻ câu chuyện của mình trong quá trình “chiến đấu” với Covid-19. Nếu như chị Hà luôn lạc quan, sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh thì chị Bội Hương – người vốn có tiền sử bệnh ung thư bàng quang lại vô cùng lo lắng, thậm chí đã từng nghĩ đến cái chết khi biết mình nhiễm Covid-19. Chị Hoàng Thị Cúc – một phụ nữ khiếm thị vì chăm sóc cho mẹ bị khiếm thính mắc Covid-19 mà bị lây bệnh – trước khi lo cho sức khỏe của bản thân mình còn phải lo cho người mẹ già không có người chăm sóc. Dù câu chuyện, hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau, nhưng điểm chung của các chị là đều đã cố gắng tuân thủ các quy định của Chính phủ, ngành Y tế, Chính quyền địa phương về các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội. Khi không may nhiễm bệnh, các chị đều phải xoay sở đủ mọi cách để tìm kiếm thông tin, kết hợp cả Đông y, Tây y trong việc điều trị, khắc phục các triệu chứng hậu Covid-19.

Từ thông tin được chia sẻ bởi đại diện phụ nữ khiếm thị, Ths. Bác sĩ Nguyễn Phương Anh cũng đã cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu tại Hội nghị về việc sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19, một số bài thuốc dân gian đã được công nhận có khả năng cải thiện một số triệu chứng hậu Covid-19 như ho, rát họng, khản tiếng, mất ngủ.... Đồng thời Bác sĩ cũng đã giải đáp thắc mắc của nhiều phụ nữ khiếm thị về các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe như: Phụ nữ mang thai có nên tiêm Vắc xin Covid-19 hay không? Đã có loại Vắc xin Covid-19 dài hạn chưa? Khi bị nhiễm Covid-19 có nên uống nước cam? Có nên xông hơi nhiều lần?....

Bà Đào Thu Hương - Cán bộ UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị

Đại diện cho UNDP tại Việt Nam đồng thời cũng là một phụ nữ khiếm thị tham dự Hội nghị, bà Đào Thu Hương cảm thấy may mắn khi vượt qua đại dịch mà chưa mắc Covid-19. Bà chia sẻ “Trải qua đại dịch, chứng kiến sự tổn thương từ trong gia đình cũng như xã hội, bản thân tôi cũng thực hiện 2 nghiên cứu Đánh giá nhanh về tác động của Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện của người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Từ những câu chuyện, tôi nhận được thông tin đa chiều, rằng dịch Covid -19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, vấn đề việc làm của người khuyết tật. Tôi ấn tượng với cách mà Nhóm Vì sự bình đẳng và phát triển của người khuyết tật quan tâm đến vấn đề tiếp cận thông tin của nhóm người khiếm thị. Trước hội thảo, Nhóm đã chia sẻ các tài liệu Hội nghị vừa bằng bản in cho người sáng vừa là bản dễ tiếp cận với người khuyết tật tiếp cận bằng công nghệ. Từ thông tin của Hội nghị, chúng tôi nhận thấy có một lỗ hổng trong báo cáo của UNDP mà chúng tôi chưa thực hiện được đó là đánh giá việc tiếp cận thông tin của người khuyết tật đối với nguồn thông tin đa chiều về Covid -19. Đây cũng là một gợi mở để chúng tôi nghiên cứu sâu hơn đến việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin chính thống, biết cách điều trị và bảo vệ bản thân trong và sau dịch Covid-19”.

Trong bài phát biểu của mình, bà Đào Thu Hương cũng đề xuất Hội người mù Hà Nội tiếp tục thu thập thông tin về Hội viên đã mắc Covid -19 để biết được hiện trạng của Hội viên sau Covid-19 và có sự hỗ trợ kịp thời. Đề nghị Ths. Bs Nguyễn Phương Anh cùng Nhóm Vì sự bình đẳng và phát triển của người khuyết tật có sự hỗ trợ để người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung được tiếp cận với các dịch thăm khám, điều trị, tư vấn cho từng cá nhân hậu Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống của người khuyết tật Hội nghị tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khiếm thị được tổ chức đã mang đến cho các đại biểu thông tin phong phú, đa dạng, kịp thời đáp ứng nhu của phụ nữ khiếm thị, góp phần đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, được chăm sóc sức khỏe toàn diện của người khuyết tật nói chung, phụ nữ khiếm thị nói riêng.

Phong Châu

Nguồn: ASVHO.VN