Được thành lập cách đây 6 năm, cơ sở xoa bóp Thiên Trường (ngõ 180 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) đã trở thành nơi để nhiều người khiếm thị thực hiện ước mơ hòa nhập cộng đồng của mình. Đây cũng là mục tiêu được “ông chủ” 8x Nguyễn Văn Trường ấp ủ trong nhiều năm qua sau những thăng trầm của cuộc đời.
Ảnh 1: Một góc phòng của cơ sở Thiên Trường
Đến thăm cơ sở tẩm quất Thiên Trường, ấn tượng đầu tiên là nụ cười luôn thường trực trên môi của những con người khiếm thị nơi đây.
Chia sẻ về con đường thành lập cơ sở, anh Nguyễn Văn Trường, chủ cơ sở cho biết: "Tôi bị bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc từ nhỏ, Bệnh viện nào bố mẹ tôi cũng đưa tôi tới, chỉ mong sẽ duy trì được chút thị lực cho tôi". Nhưng “sức người sao thắng nổi số phận”, tôi mù hoàn toàn năm 17 tuổi”. Nét buồn thoáng trên đôi mắt mờ đục của anh, song đôi mắt ấy lại rực sáng khi anh nhắc tới “đứa con” tinh thần cơ sở tẩm quất Thiên Trường: "Tôi gia nhập hội người mù tỉnh Phú Thọ năm 2005. Học chữ nổi, rồi xuống Hà Nội, hoàn thành chương trình trung học phổ thông, đại học. Trải qua quá trình làm thuê, hiểu rõ được sự khó khăn của người khiếm thị, tôi ấp ủ sẽ mở một cơ sở tẩm quất, giúp các anh chị em đồng cảnh có điều kiện thuận lợi trong việc học tập và cuộc sống. Niềm mong mỏi đó trở thành sự thật năm 2011, tôi quyết định mở cơ sở tẩm quất Thiên Trường”.
Những ngày đầu thật khó khăn đối với một người trẻ như Trường, từ việc thuê mặt bằng, sắm sửa đồ đến việc tìm kiếm nhân viên. Ít khách, gánh nặng tiền nhà, tiền nước, điện, nhiều khi khiến anh Trường vô cùng áp lực. Nhưng ý thức mình giờ đã làm chủ, dưới mình còn có các anh em và gia đình họ, anh tự động viên bản thân và anh em trong cơ sở cố gắng. “Trời không phụ lòng người”, cùng với tay nghề khá, thái độ phục vụ tốt, lượng khách dần đi vào ổn định. Cơ sở Thiên Trường ngày càng khang trang hơn, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách hàng hơn.
Không dừng lại,ngoài việc quản lý Thiên Trường, anh Trần Văn Trường đang giữ chức vụ Chủ tịch hội người mù huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Anh bày tỏ: "Hội người mù Thanh Sơn có trên 100 hội viên sinh hoạt. Hội luôn thường niên tổ chức các lớp học tẩm quất, chữ nổi cho hội viên. Đặc biệt, hội tạo được công ăn việc làm cho 5-7 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng, bằng nghề sản xuất tăm tre, chổi chít”.
Suốt cả cuộc nói chuyện, đôi mắt của anh luôn hướng về phía chị Nguyễn Thị Hiền – vợ anh đang bế trên tay bé Trần Viết Duy tròn 3 tuổi, đầy ấm áp, thương yêu. Chị Hiền tâm sự: "Kết hôn với anh Trường được 4 năm. Là một người mắt sáng, em luôn hỗ trợ mọi người trong vấn đề đi lại, ăn uống và các hoạt động sinh hoạt khác. Ngày đầu các bạn khiếm thị sống khá khép kín, tự ti vì khiếm khuyết bản thân. Biết vậy, em luôn chủ động tâm sự, chia sẻ thu hẹp khoảng cách giữa mọi người. Giờ ai cũng coi nhau như người một nhà”.
Ảnh 2: Các kỹ thuật viên Thiên Trường và ước mơ hòa nhập
Chị Lê Thị Nga, một nhân viên “kì cựu” của Thiên Trường cho biết: "Tôi lên Hà Nội học tẩm quất tại trung tâm đào tạo cán bộ và phục hồi chức năng ở phố Trung Kính năm 2013. Bế giảng tôi trở về quê, quanh quẩn ở nhà. Nhờ một chú cùng huyện giới thiệu, mà biết tới Thiên Trường. Từ khi tới với Thiên Trường có công việc, có thu nhập, tự chủ được cuộc sống, tôi cảm thấy mình tự tin hơn, có thêm bạn bè và nhiều mối quan hệ khác”.
Em Nguyễn Đức Nghị, học sinh lớp 11KT Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, mới bước chân vào Thiên Trường cũng hào hứng: "Ở đây các anh, các chị sống với nhau rất thoải mái. Em là người mới đến đây nhưng không thấy xa lạ. Cơ sở cũng tạo điều kiện, cho em có thể vừa đi học vừa đi làm”.
Khi được hỏi về dự định tương lai, anh Nguyễn Văn Trường chia sẻ : "Sẽ đưa một số loại hình mới vào Thiên Trường, để phục vụ khách hàng tốt hơn, như massage tinh dầu, đắp ngải, chườm đá nóng. Về mặt hội, sẽ cố gắng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, để hội viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Duy trì các lớp học tẩm quất, chữ nổi. Đồng thời tìm kiếm thị trường đầu ra để nâng mức thu nhập cho người lao động”.
Em Nghị cũng bày tỏ: "Dự định trong tương lai của em, sẽ tốt nghiệp trường Nguyễn Văn Tố, bước chân vào cánh cửa đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, mà từ lâu em mơ ước”.
Chị Nga tâm tình: "Tôi chỉ mong muốn sẽ gắn bó lâu dài với Thiên Trường, tay nghề thêm vững để nâng cao nguồn thu nhập bản thân”.
Mỗi người, mỗi chốn, mỗi nơi, nhưng tất cả đều trở thành người thân dưới một mái nhà Thiên Trường. Họ - những con người khiếm thị, vẫn vươn lên, như chị Nga tự lực kinh tế, như em Nghị vẫn dò dẫm trên con đường học tập. Tất cả đều nhờ Thiên Trường là bệ phóng học tập, là cuộc sống hòa nhập của họ.
Chia tay Thiên Trường, in sâu trong chúng tôi là tinh thần lạc quan, sự tự lực của những con người khuyết tật về thể chất nhưng đầy đặn về tâm hồn. Câu nói trước lúc tạm biệt của anh Trường, làm chúng tôi ấn tượng: “Mong sẽ có thật nhiều những Thiên Trường nữa, để đưa những người khiếm thị chúng tôi hòa nhập, bình đẳng với xã hội”.
Nghị Đức
Tin mới
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù - 22/08/2017 07:35
- NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ CƠ HỘI TRONG CUỘC ĐỜI TÔI - 16/08/2017 03:59
- CHỮ BRAILLE CHẮP ĐÔI CÁNH ƯỚC MƠ TÔI. - 08/08/2017 01:18
- Vượt bao khó khăn, anh chàng khiếm thị tìm thấy ‘đôi mắt thứ 2’ của đời mình - 31/07/2017 04:22
- “NGHỈ HƯU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGHỈ NGƠI” - 25/07/2017 04:06