Tải xuống tệp đính kèm gốc

          Những năm 2007, trên địa bàn huyện không ai có thể nghĩ rằng sau 10 năm hội viên hội người mù huyện Phú Xuyên không chỉ biết đọc, biết viết chữ Brai, nhiều người còn sử dụng được máy vi tính, học đại học, làm chủ các cơ sở xoa bóp bấm huyệt... Đó là những kết quả nổi bật mà cán bộ, hội viên Hội người mù huyện đạt được sau 10 năm.

Nằm ở phía Nam ngoại thành Hà Nội nên khi mới sát nhập HNM Phú Xuyên có xuất phát điểm khó khăn. Đặc biệt về đời sống vận chất và tinh thần của người mù, bên cạnh đó là những định kiến nặng nề ở vùng nông thôn về người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Đã tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của người mù và gia đình. Thực hiện Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới Thủ đô, huyện Phú Xuyên trở thành 1 trong 30 quận, huyện của thành phố Hà Nội. 10 năm qua, Hội Người mù Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy các mặt hoạt động của các cấp Hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. trong đó cuộc vận động 2 vượt 4 rèn 5 phấn đấu như một làn gió mới thổi bay đi những quan niệm, những định kiến xưa cũ đối với người mù. Hội Người mù Phú Xuyên đã tổ chức triển khai cuộc vận động tới đông đảo cán bộ, hội viên và động viên hướng dẫn hội viên đăng ký từng tiêu chí của cuộc vận động. Từ đó đã góp phần động viên, khích lệ người mù trong Huyện có thêm Nghị lực vươn lên.

 Chị Nguyễn Thị Diễm, xã Tân Dân mặc dù thị lực còn rất ít song với lòng ham học được Hội chắp thêm đôi cánh chị đã khắc phục mọi khó khăn để học hết chương trình THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT, được học chữ nổi, Diễm tiếp tục được theo học lớp tin học dành cho người mù do Trung Tâm Dậy Nghề Hội Người mù Hà Nội tổ chức… Không từ bỏ ước mơ được học trên giảng đường của trường Đại Học Lao Động xã hội.

Anh Nguyễn Văn Tốt xã Phú Yên mặc dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình anh có tới 3 chị em khiếm thị. Song anh đã không tự ti mặc cảm mà không ngừng cố gắng phấn đấu vượt lên số phận. Tham gia sinh hoạt hội anh được giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, được học chữ nổi và học tiền hòa nhập rồi tiếp tục học hòa nhập hết lớp 7. Sau đó được Hội cho vay vốn, anh đã đầu tư mở cơ sở tẩm quất không chỉ giải quyết việc làm cho những người khiếm thị trong gia đình, cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 4 lao động khác đều là người khiếm thị với mức thu nhập bình– quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, còn nhiều những hội viên đã vươn lên khẳng định mình và có nhiều đóng góp cho hoạt động Hội như bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Tri Trung, bà Nguyễn Thị Quyến xã Vân Từ, anh Trần Văn Hoàng xã Đại Thắng, chị Nguyễn Thị Lan xã Khai Thái, Ông Phạm Văn Hoạch xã Quang Lãng, ông NguyễnVăn Tú xã Chuyên Mỹ, ông Đào Ngọc Khương xã Thuỵ Phú…vv 

Vượt qua chính mình

Thực hiện Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội cũng là dịp cán bộ, hội viên Hội người mù huyện Phú Xuyên đang trong những năm đầu tiên thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập cộng đồng” giai đoạn 2007-2017 và cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu” giai đoạn 2003-2018 do Trung ương Hội và Thành Hội Người mù Hà Nội phát động với nhiều khó khăn, thách thức, song cũng là tiền đề thuận lợi để Hội triển khai, thúc đẩy các mặt hoạt động.

Ban chấp hành huyện hội đã tiến hành rà soát, phân loại các nhóm hội viên theo từng nguyên nhân dẫn đến khiếm thị, từng lứa tuổi để nắm bắt tâm lý, tìm phương pháp chia sẻ, động viên hội viên tự tin hòa nhập cộng đồng. Không phân biệt cán bộ, hội viên, lứa tuổi, vùng miền Hội người mù huyện thực sự trở thành mái nhà chung của người khiếm thị. Cũng chính vì vậy mà trong 10 năm qua, Hội đã kết nạp được 100 hội viên mới, nâng tổng số hội viên trong toàn huyện lên 203 người, đạt tỷ lệ 90% người khiếm thị trong huyện tham gia sinh hoạt hội.

Xác định có nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo là: thiếu vốn; thiếu việc làm và thiếu kiến thức, 10 năm qua, BCH Huyện hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 120 lượt hộ vay 2 tỷ 585 triệu đồng vốn Quỹ quốc gia với lãi xuất ưu đãi; Phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn chọn gống cây trồng vật nuôi và phòng trừ các loại dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Ngoài ra, Huyện hội đã cử 25 hội viên theo học các lớp xoa bóp bấm huyệt do Trung Ương Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm dạy nghề Hội người mù Hà Nội tổ chức. Hiện cả 25 hội Viên đều có việc làm ổn định, trong đó có 4 người đã mở được cơ sở dịch vụ tạo việc làm cho người đồng tật.

Đến nay, các tầng lớp hội viên đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động trong tổ chức Hội cũng như ngoài xã hội; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đầu tư phát triển kinh tế gia đình thực hiện hoàn thành tốt chương trình xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu lớn của Hội đã đề ra. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 30 % năm 2007 xuống còn 12% năm 2017, phần lớn các hộ đã xây dựng nhà ở chắc chắn, trong đó có 15 % nhà cao tầng. 

(Ảnh: UBND huyện Phú Xuyên khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập cộng đồng” giai đoạn 2007-2017 và cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”; chương trình hành động việc làm xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2007 - 2017)

Có thể nhận thấy, 10 năm là một chặng đường không dài nhưng cũng đủ để Hội người mù huyện Phú Xuyên tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với hội viên và tổ chức Hội, nâng cao tính tự chủ, ý thức tự vươn lên, giúp người mù có cơ hội hòa nhập sâu hơn vào đời sống xã hội. Người mù đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, vượt ra khỏi rào cản, chủ động tham gia sinh hoạt Hội, tạo sự gắn kết để cùng nhau xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Trần Việt Anh – Hội người mù Huyện Phú Xuyên