HNM Thanh Trì - Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Người Mù Việt Nam và quán triệt Điều lệ Hội Người Mù thành phố Hà Nội

Ngày 12/4 vừa qua, Hội Người mù huyện Thanh Trì tổ chức chương trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 - 17/4/2024) và ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4, quán triệt Điều lệ Hội Người mù thành phố Hà Nội khóa XI nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Chương trình diễn ra tại hội trường Hội Người mù huyện với sự tham dự của các đồng chí trong ban chấp hành và 50 hội viên tiêu biểu.

Ảnh hội viên tham gia hội nghị

Trong chương trình, ông Lê Tự Lập – phó chủ tịch Hội Người mù huyện đã cùng với các đại biểu ôn lại truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Người mù Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập trong gian nan, thử thách, đến nay, Hội đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho lợi ích chính đáng của người mù Việt Nam. Hội đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh: Ông Lê Tự Lập - Phó chủ tịch HNM huyện phát biểu tại hội nghị

Ban tổ chức cũng đã quán triệt Điều lệ Hội Người Mù thành phố Hà Nội khóa XI mới được UBND Thành phố phê duyệt. Điều lệ mới là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Hội đề ra.

Chương trình đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tập trung và thống nhất cao. Các đại biểu đã bày tỏ quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội khóa XI nhiệm kỳ 2023 – 2028, góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chương trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó của Hội; động viên cán bộ, hội viên người mù trong toàn huyện tiếp tục phấn đấu, thi đua thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn mới.

Trần Thế Đạt

 

HNM q.Long Biên tổ chức đưa CB, HV đi thăm quan tại Chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình

Nằm trong chuỗi kế hoạch chăm sóc đời sống tinh thần cho toàn thể CB – HV hàng năm.

Sáng ngày 04 tháng 04 năm 2024, tức 26 tháng 02 năm Giáp Thìn, Ban Chấp hành Hội Người mù quận Long Biên đã tổ chức đưa 25 Cán bộ - Hội viên đi thăm quan tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Ảnh: toàn thể CB, HV tại Bảo Tháp, chùa Bái Đính

Trong tiết trời nắng nhẹ tại đất Ninh Bình đoàn đã thành kính dâng hương lên Đức Phật Như Lai và các Vị Bồ Tát được đặt trong 08 điểm chùa có kích thước lớn nhất Châu Á. Đứng trước Đức Phật và các Vị Bồ Tát, tập thể BCH nguyện cầu cho tổ chức Hội ngày càng phát triển lớn mạnh, mãi là mái nhà ấm áp thứ hai của mỗi người khiếm thị Quận Long Biên và mỗi hội viên đều cầu mong cho gia đình luôn hạnh phúc, khoẻ mạnh, bình an.

Sau chuyến đi mỗi cán bộ, hội viên đã có những trải nghiệm tại miền đất Tâm linh, đặc biệt là hiểu rõ hơn về sự ra đời của Đạo Phật điều đó mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, vì Đạo Phật luôn răn dạy chúng sinh làm nhiều việc thiện, biết giúp đỡ, chia sẻ với những người khó khăn hơn để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội!

Phạm Hoa

Lan toả các tấm gương vượt qua bóng tối

Kinhtedothi - Câu tục ngữ “giàu hai con mắt” nói lên sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt trong cuộc sống. Vượt qua bóng tối, vượt qua số phận, nhiều tấm gương khiếm thị ở Hà Nội đã vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Ngày 4/4, Hội Người mù Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống (4/4/1994 - 4/4/2024). Đây là một trong những câu lạc bộ ra đời sớm, hoạt động hiệu quả, trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng người khiếm thị ở Thủ đô.

Ảnh: Các khách mời giao lưu, trò chuyện tại chương trình. Từ trái qua phải: MC Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm; ông Trần Trung Hiếu - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống Chu Thị Thu Hà - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội; ông Trần Văn Hoan - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa

Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống tập hợp các hội viên khiếm thị nuôi dưỡng ước vọng vượt khó vươn lên bằng tri thức, nghị lực và niềm tin. Tham gia sinh hoạt, các hội viên cùng giao lưu, trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau về nhiều mặt, để mỗi người vững tin hướng về tương lai bằng khả năng của chính họ. Nhờ đó, không ít hội viên đã vượt lên số phận, làm chủ cuộc sống của bản thân, trở thành điểm tựa cho người đồng tật.

Có thể kể đến ông Trần Trung Hiếu - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù Hà Nội). Từ kinh nghiệm tích lũy của bản thân, ông Trần Trung Hiếu đã trao truyền kỹ năng nghề nghiệp cho nhiều thế hệ học trò người khiếm thị. Hiện, nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề đã học, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ấn tượng hơn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống Chu Thị Thu Hà - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội. Bằng sự tự tin, sáng tạo, nói đi đôi với làm, bà Chu Thị Thu Hà đã làm tốt vai trò “chèo lái”, đưa câu lạc bộ ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến, đánh giá cao.

Ảnh: Ngày 4/4, Hội Người mù Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống

Ai bảo cuộc sống của người khiếm thị chỉ có màn đêm? Đối với ông Trần Văn Hoan - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, nhịp sống của một người khiếm thị như ông chẳng khác người bình thường là mấy, cũng tất bật với công việc, họp hành, quán xuyến gia đình, con cái - có khác chăng ông chỉ gắn liền với chiếc kính đen.

“Giờ người mù được đi học đại học, được tạo điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, có ứng dụng gì mới đều được phổ biến, được đi nước ngoài nhiều…” – ông Trần Văn Hoan chia sẻ.

Tiếp bước thế hệ trước trên bước đường giáo dục nghề nghiệp là ông Nguyễn Trung Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù Hà Nội). Trở thành người thầy truyền đạt kiến thức công nghệ thông tin cho các thế hệ người khiếm thị, ông Nguyễn Trung Thái có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong các bài giảng, chủ động bồi đắp, thắp sáng niềm tin vào tương lai cho các học viên.

Ảnh: Người khiếm thị giao lưu tại chương trình

Trên cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Trung Thái đã chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị chức năng, các tổ chức tìm hướng mang đến cơ hội việc làm, hòa nhập cho người khiếm thị.

MC chương trình là ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm, cũng rất nổi danh trong giới người khiếm thị, với đam mê làm báo. Vợ ông là Phạm Ngọc Dung - hội viên tài năng của Hội Người mù quận Thanh Xuân, giành được nhiều thành tích trong các lĩnh vực thể thao, văn hoá văn nghệ...

Phát huy kết quả đạt được, trong chặng đường phát triển phía trước, Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt với các nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, chú trọng tới việc trao truyền cho hội viên kỹ năng hòa nhập phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã hội.

Nguồn: kinhtedothi – Hồng Thái

Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Người mù quận Hà Đông (07/4/1984 – 07/4/2024)

 

Sáng 03/4, Hội Người mù quận Hà Đông đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (07/4/1984 - 07/4/2024) tại Hội trường Hội đồng nhân dân quận

Tham dự Lễ kỷ niệm có đ/c Hoàng Mạnh Cường – Phó Chủ tịch phụ trách Hội Người mù Thành phố; đ/c Nguyễn Huy Việt – Phó Chủ tịch Hội; Đ/c Bùi Văn Chanh – Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy; Đ/c Thái Thị Thùy Linh – Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội; Cùng đại diên lãnh đạo các phòng ban, ngành, đoàn thể; Đại diện các quận, huyện Hội bạn; cùng cán bộ, hội viên tiêu biểu.

 

 

Ảnh: Đồng chí Hoàng Mạnh Cường – lãnh đạo Hội Người mù

TP.Hà Nội phát biểu

Hội Người mù quận Hà Đông được thành lập ngày 07/4/1984, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển Hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Hội Người mù Thành phố; của Quận uỷ - HĐND – UBND quận và sự giúp đỡ có hiệu quả của các phòng ban ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn quận.

Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, Hội người mù Hà Đông luôn thấm nhuần và xác định rõ xứ mệnh của mình là hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành và động viên người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống đó cũng là tôn chỉ, mục đích của Hội được ghi trong Điều lệ. Để làm được điều này, hội đã triển khai xây dựng và củng cố tổ chức với phương châm ở đâu có người khiếm thị ở đó có Hội. Qua đó, toàn thể cán bộ hội viên của Hội đã từng bước vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Hội thường xuyên khảo sát tình hình người khiếm thị trên địa bàn 17 phường kịp thời vận động kết nạp hội viên. Ngày đầu thành lập, Hội chỉ có 14 hội viên đến nay là 240 người, sinh hoạt tại 08 Liên chi hội thuộc 17 phường trên địa bàn quận. Là một trong ít các đơn vị còn giữ được nghề truyền thống làm tăm tre, chổi chít và duy trì được hợp tác xã Ánh sáng tạo việc làm, thu nhập cho xã viên, Quận hội đã phát động phong trào thi đua tới xã viên và đăng ký mô hình dân vận khéo với chủ đề: "Làm việc hăng say, nhanh tay sản xuất", phong trào đã thu hút 100% xã viên nhiệt tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, Quận hội đã đứng lên làm 14 dự án thế chấp cho 327 lượt hội viên được vay vốn từ nguồn vốn Quỹ QGGQVL với số tiền trên 2 tỷ đồng để giúp hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình.

Quận hội luôn đổi mới, sáng tạo, phối hợp tổ chức các chương trình phù hợp với đặc thù dạng tật, tâm sinh lý, giới tính của người khiếm thị trên địa bàn. Tiêu biểu như  “Trung thu ấm áp trao gửi yêu thương”, “Thiếu nhi quê lụa - Chung tay phòng chống dịch Covid -19”; các buổi tọa đàm chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, nuôi dạy con của những gia đình người khiếm thị; ra mắt Album ảnh “Nét duyên dáng từ những trái tim không tật nguyền và tặng hơn 200 bộ áo dài cho phụ nữ khiếm thị; chương trình “Phụ nữ tự lực – Thanh niên tự tin cùng khát vọng phát triển tổ chức Hội;  triển lãm ảnh trực tuyến: "Người khiếm thị Hà Đông - Tự tin để hội nhập "trên nền tảng mạng xã hội với chủ đề: "Sống như những đóa hoa". Xây dựng tủ sách nói của Hội gồm 1.000 đầu sách với nhiều thể loại đa dạng phù hợp với nhiều lứa tuổi; Tổ chức các đợt tặng quà, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho hội viên.

Quận hội đã đẩy mạnh và ứng dụng tốt công nghệ thông tin thông qua nhóm Zalo, mạng xã hội Facebook, Youtube… các nội dung tuyên truyền đã đến gần hơn với người khiếm thị. Cùng với việc tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Điều lệ của tổ chức hội, Hội còn thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ hội viên thông qua các đ/c Chi hội trưởng nhằm kịp thời định hướng tư tưởng của hội viên trước những vấn đề nổi cộm.

40 năm qua, Hội viên Hội Người mù Hà Đông luôn là những công dân chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hội luôn sâu sát nắm bắt tình hình kịp thời đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất là phụ nữ mù cô đơn, trẻ em khiếm thị; đẩy mạnh vận động, xã hội hóa công tác chăm sóc giúp đỡ, tặng quà cho hội viên nhân dịp tết đến xuân về, ngày kỉ niệm giới, ngày Thương binh liệt sĩ, thăm hỏi khi ốm đau.

 

Ảnh: Trao tặng quà những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Với những thành tích nổi bật trên suốt chặng đường 40 năm, Hội người mù Hà Đông liên tục đạt danh hiệu đơn vị loại A, đứng trong tốp những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Hội Người mù Hà Nội: Năm 1994, 01 tập thể và 02 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, năm 2002 Quận hội và 02 cá nhân hội viên được Nhà Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2008 và 2021, nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND TP, bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng nhiều bằng khen, giấy khen của hội người mù Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Hội người mù TP. Hà Nội và quận Hà Đông….

Nhân sự kiện này, Trung ương Hội đã tặng 01 Bằng khen cho tập thể Hội; Hội Người mù Thành phố tặng giấy khen cho 01 tập thể, 04 cá nhân; UBND quận khen thưởng cho 05 tập thể, 13 cá nhân; Quận hội khen thưởng cho 03 cá nhân.

 

Ảnh: Các tập thể đón nhận giấy khen của UBND Quận Hà Đông

Tại buổi lễ kỷ niệm, lãnh đạo Hội Người mù Thành phố đã phát biểu ghi nhận và đánh giá cao kết quả Hội đã đạt được trong 40 năm qua. Đồng thời, mong muốn Hội tiếp tục phát huy kết quả đạt được tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, các hoạt động chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; Động viên người khiếm thị phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, cùng phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tuyên Giáo Hà Đông