Phụ nữ và thành niên khiếm thị Hai Bà Trưng hướng tới một xã hội không rào cản.

Ngày 26/03/2024, Hội Người mù quận Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị với chủ đề “Phụ nữ, thanh niên khiếm thị Hai Bà Trưng - Hướng tới một xã hội không rào cản”

Nhân dịp chào đón những sự kiện trọng đại: kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ, 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập hội người mù Việt Nam (17/4/1969 – 17/4/2024) và đặc biệt là lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hội người mù quận Hai Bà Trưng (08/3/1974 - 08/3/2024) với sự tham gia hào hứng của các bà, các mẹ, các chị em và hội viên trẻ.

Ảnh: toàn cảnh hội nghị

Mở đầu chương trình là một số tiết mục văn nghệ do chính những hội viên tham gia chương trình thể hiện. Kế đến là Phần tọa đàm và cũng là chủ đề của chương trình: “Phụ nữ và thanh niên Hai Bà Trưng hướng tới một xã hội không rào cản”.

Trong phần tọa đàm là hai tấm gương tiêu biểu đại diện cho hai thế hệ của Hội Người mù Hai Bà Trưng đã có những cống hiến to lớn trong sự phát triển của tổ chức hội cũng như cộng đồng. Mọi người đã được nghe cô Mai Thị Hòa - một trong những hội viên nữ ưu tú của Hội Người mù Hai Bà Trưng đã tham gia hội từ những năm đầu tiên khi hội mới thành lập chia sẻ về những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống.

Cô cho biết: “Tôi tham gia hội từ năm 1982, trong những năm đó, quận hội Hai Bà Trưng còn gặp vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất còn rất nhiều thiếu thốn. nhưng ở đây, với tình đoàn kết trong mỗi hội viên, mọi người đã dìu dắt nhau và vượt qua khó khăn. Sau đó vài năm, tôi kết hôn và lập gia đình. Cả hai vợ chồng chúng tôi mỗi người một dạng khuyết tật, tôi thì hỏng mắt, ông xã nhà tôi lại bị khuyết tật tay nên hai người cứ thế bù đắp cho nhau những khiếm khuyết của bản thân. Và với sự thấu hiểu, đồng cảm, chúng tôi đã bên cạnh nhau mấy chục năm nay, con cái trưởng thành, ngoan noãn. Không những thế, cháu còn lo cho bố mẹ rất chu đáo trong cuộc sống. đối với tôi, tuy không giàu sang nhưng cuộc sống của tôi nhiêu đó là quá đủ đầy.”

Ảnh: cô Mai Thị Hòa chia sẻ.

Là một trong những thanh niên khiếm thị năng động, có nhiều cống hiến trong tổ chức hội cũng như cộng đồng xã hội, bạn Lê Duy Khánh đã chia sẻ cho mọi người nghe về những khó khăn trong quá trình học đại học và để rồi vượt qua những khó khăn đó, đem sức mình đóng góp cho xã hội.

Bạn cho biết: “Ngay từ khi còn là sinh viên, những ngày đầu đi học, với tôi, việc học tập lúc đó gặp vô vàn khó khăn do giáo trình không có, những buổi đầu cũng chưa có nhiều bạn bè nhưng chỉ sau vài tháng, khi đã làm quen với nhịp học tại giảng đường cùng với việc học hỏi kinh nghiệm và phương pháp học tập của các thế hệ đi trước, việc học đại học của tôi cũng trở nên suôn sẻ hơn, tôi đã trở nên tự tin hơn, cởi mở hơn. Trong quá trình học  tại trường đại học, tôi đã cùng các bạn sinh viên khuyết tật khác thành lập ra câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội trực thuộc Hội Người khuyết tật thành phố và đây là cầu nối giữa các bạn sinh viên khuyết tật với các trường đại học, với cộng đồng xã hội. Trong suốt thời gian làm chủ nhiệm câu lạc bộ, tôi và các bạn thành viên khác đã cùng nhau tìm những nguồn học bổng, nhằm giúp đỡ các bạn thanh niên khuyết tật hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm gắn kết tình bạn, giúp các bạn giảm bớt khó khăn trong học tập cũng như có thể gặp được những người đồng cảnh và qua đó sẽ vui vẻ hơn, yêu đời hơn.

Ảnh: bạn Lê Duy Khánh chia sẻ.

Tiếp đó, phần mà được mọi người mong đợi nhất vui nhất là phần trò chơi với những câu hỏi tìm hiểu về hội, về chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là về hội người mù quận Hai Bà Trưng trong 50 năm qua. Rất nhiều phần quà được trao nhằm động viên tinh thần của người chơi. Hội nghị khép lại, ra về mọi người ai cũng vui và có những trải nghiệm đáng nhớ.

Đào Hữu Tùng

Sức trẻ tháng 3 – Gieo yêu thương gặt hạnh phúc

Hoạt động tình nguyện , vì cộng đồng cũng như phong trào tình nguyện thanh niên là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội, bởi lẽ: Tinh thần tương thân, tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng là phẩm chất tự thân vốn có của thanh niên, của tuổi trẻ. Dù ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, tinh thần tình nguyện của thanh niên luôn là cơ sở cho những đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả với đất nước. Chính vì vậy, phong trào tình nguyện thanh niên nói riêng và hoạt động thiện nguyện nói chung là những nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm đẹp thêm tinh thần dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào tình nguyện là môi trường rèn luyện, giáo dục đoàn viên, thanh niên về kỹ năng xã hội, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Hình ảnh người thanh niên với màu áo xanh tình nguyện đã trở nên gần gũi, thân thương với nhân dân và cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước. Đó là minh chứng sống động về vai trò sáng tạo xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ những khó khăn cùng cộng đồng, để lại cho xã hội một hình ảnh đẹp của giới trẻ hôm nay.

Ảnh: các em nhỏ đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ RB

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thiết thực hướng tới 55 năm thành lập Hội người mù Việt Nam và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2024), hưởng ứng tháng thanh niên; Chi đoàn cơ quan Hội người mù thành phố Hà Nội phối hợp với Ban công tác hội viên trẻ và Câu Lạc bộ RB tổ chức chương trình “Sức trẻ tháng 3 – Gieo yêu thương gặt hạnh phúc” vào ngày 24/3/2024 tại số 7 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Dự chương trình có Ông Hoàng Mạnh Cường – Phó chủ tịch phụ trách Hội Người mù thành phố Hà Nôi, ông Nguyễn Huy Việt – Phó chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội; Ông Trần Thế Đạt – Trưởng ban công tác hội viên trẻ; Ông Hoàng Văn Lý – Chủ tịch Hội người mù Hoàn Kiếm, tư vấn và kết nối tài trợ chương trình; Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Minh Châu – Phó khoa mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt trung ương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ RB ;  Anh Nguyễn Mạnh Sang – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ RB; 20 bạn đoàn viên thanh niên của Câu Lạc bộ và Chi đoàn cơ quan Hội người mù thành phố Hà Nội cùng với 30 em nhỏ là trẻ khiếm thị đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ RB.

Ảnh: ông Hoàng Mạnh Cường phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, ông Hoàng Mạnh Cường có chia sẻ khi đến với chương trình, ông lại như được sống lại những ký ức tuổi thơ khi còn là học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu, thấu hiểu và cảm thông với những vấn đề khó khăn của người khiếm thị trong cuộc sống và ý nghĩa của chương trình mang lại các bé và phụ huynh các em nhỏ khiếm thị. Ông Cường khẳng định sau trường Nguyễn Đình Chiểu, Hội sẽ là ngôi nhà thứ hai của các con, để các con được sinh hoạt, giao lưu, học nghề, tư vấn hướng nghiệp phù hợp và tổ chức Hội sẽ luôn sẵn sàng kết nối và đồng hành với những dự án dành cho các em nhỏ khiếm thị của TS. BS. Phạm Thị Minh Châu.

Ảnh: ông Trần Thế Đạt trao đổi và giao lưu với cha mẹ các em nhỏ khiếm thị.

Trong phần Tọa đàm của chương trình, Ông Trần Thế Đạt đã chia sẻ những khó khăn của ông với quãng thời gian ban đầu khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, những câu chuyện tham gia giao thông cũng như trong sinh hoạt và học tập, làm việc. Qua câu chuyện, có những phụ huynh đã đặt câu hỏi và chia sẻ những vướng mắc, rào cản mà gia đình, các bé đang gặp phải.

Đặc biệt, nhân dịp ngày lễ Tết Hàn Thực đang đến gần, chương trình đã tổ chức hoạt động trải nghiệm, cuộc thi làm “Bánh trôi, bánh chay”. Cùng sự hỗ trợ của cha mẹ, các anh chị đoàn viên thanh niên, các bé đã tự tay làm những viên bánh trôi, bánh chay tạo ra những sản phẩm đẹp mắt tham dự cuộc thi. Cuộc thi diễn ra sôi nổi với 03 đội thi cùng phần thuyết trình sáng tạo, ý nghĩa, đầy cảm xúc của 03 bé đại diện cho mỗi đội.

Ảnh: các bé tự tay làm những viên bánh trôi bánh chay

Chương trình đã mang lại những giây phút thật ý nghĩa và cảm động cho mọi người có mặt tại chương trình. Những tấm lòng thiện nguyện, những trái tim nhân ái như TS. BS. Phạm Thị Minh Châu, 20 bạn thanh niên đoàn viên thuộc Chi đoàn cơ quan Hội người mù thành phố Hà Nội và thanh niên tình nguyện những sinh viên khiếm thị của Câu lạc bộ RB cùng sự sẵn sàng đồng hành của các cô, các chú thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội, các anh/chị;cô/chú Câu lạc bộ RB đã phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Đồng thời qua chương trình, các bạn đoàn viên đã nhận được nhiều bài học “Trong câu chuyện họ được nghe, đó không phải là sự mất mát, bất hạnh, đó là sự trải nghiệm không hoàn hảo trong một thế giới có đa dạng, tôn trọng sự khác biệt”.  

Chương trình “Sức trẻ tháng 3 – Gieo yêu thương gặt hạnh phúc”.” đã đóng góp ý nghĩa, tạo sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho cha mẹ và các em bé khiếm thị trong Cộng đồng U nguyên bào võng mạc. Chúng tôi tin tưởng rằng, các em sẽ luôn vững vàng học tập, tự tin tiến về tương lai phía trước.

Hải Yến

Hội Người mù Thạch Thất tổ chức Tọa đàm “Hoa đời thường” không cần như ai, chỉ cần như ý

Sáng ngày 22/3, hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), Hội Người mù Thạch Thất tổ chức Tọa đàm “Hoa đời thường” không cần như ai, chỉ cần như ý.

Tham gia buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch Hội người mù huyện Thạch Thất, các đồng chí trong BCH Hội Người mù huyện và các bạn thanh niên, hội viên trong hội. Đặc biệt có sự tham gia của khách mời chị Nghiêm Thu Loan- UVBCH Hội người mù huyện Ứng Hòa, chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam- Hội người mù Việt Nam; sinh viên giành học bổng toàn phần tại trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.

 

Ảnh: Toàn cảnh chương trình tọa đàm “Hoa đời thường” không cần như ai, chỉ cần như ý

Tại buổi tọa đàm chị Nghiêm Thu Loan đã trao đổi, chia sẻ thảo luận về những vấn đề hội viên Hội người mù huyện Thạch Thất quan tâm, tập trung về những giải pháp, kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Từ câu chuyện của bản thân, khách mời đã đưa đến buổi tọa đàm nhiều thông điệp giá trị được tích lũy suốt quá trình bản thân nỗ lực. Sinh ra trong 1 gia đình có hai chị em đều khiến thị, nhưng bản thân luôn đối mặt, chấp nhận với sự thật mình là người khuyết tật, để từ đó xây dựng cho mình một ước mơ theo cách riêng của mình và khát khao phấn đấu nỗ lực hàng ngày, biến ước mơ thành hiện thực. Bản thân chị Loan đã tự khẳng định được mình trong hành trình trinh phục ước mơ, đạt được tự do về tư duy, tự do suy nghĩ và độc lập tài chính.

 

Ảnh: Nghiêm Thu Loan (áo đen)- UVBCH Hội người mù huyện Ứng Hòa, chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam- Hội người mù Việt Nam chia sẻ tại buổi toạ đàm

Những thông điệp được đưa ra tại buổi tọa đàm đó là: Mỗi người chúng ta đều tồn tại là một cá thể, có những ưu khuyết điểm riêng nên mỗi hội viên người mù hãy như những bông hoa đời thường, không cần phải như ai, mà chỉ cần như ý, mình hạnh phúc trong nội tâm của mình, sống có giá trị, sống hạnh phúc theo cách riêng của mình. Hãy nghĩ đến những gì mình có, thay vì những gì mình khó. Hãy chinh phục ước mơ, sống có giá trị. Vậy để sống vui, sống hạnh phúc chỉ cần thay đổi bản thân để có tư duy tích cực, phát huy sức mạnh nội lực để tạo nên phiên bản tốt nhất của chính mình, đồng thời lan tỏa lối sống lạc quan cho những người đồng cảnh.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội người mù huyện Thạch Thất chia sẻ tại Hội nghị

Chia sẻ tại chương trình, đồng chí Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội người mù huyện Thạch Thất cho biết: “Mặc cảm, tự ti, sống khép mình, không dám bứt phá, không dám ước mơ là những tâm lý thường thấy ở người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Thời gian qua, Hội Người mù huyện Thạch Thất đã luôn nỗ lực tạo nhiều cơ hội để Hội viên tham gia các hoạt động xã hội, hoà nhập cộng đồng, xoá bỏ mặc cảm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những người còn nặng nề tư tưởng. Với hoạt động toạ đàm này, Huyện hội mong muốn mỗi hội viên trong Hội, đặc biệt là hội viên trẻ được “truyền lửa”, “truyền cảm hứng” có thêm động lực, nỗ lực với hành trình, vượt qua mọi khó khăn để có thể chinh phục ước mơ của cuộc sống”.

Hội người mù huyện Thạch Thất

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Khai giảng khóa đào tạo nghề tẩm quất nâng cao và tin học văn phòng cho người khiếm thị

Sáng 22/3, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Hội người mù TP Hà Nội tổ chức khai giảng khóa đào tạo nghề tẩm quất nâng cao và tin học văn phòng cho người khiếm thị trên địa bàn Thủ đô.

Ảnh: Thầy cô và học viên tham dự lễ khai giảng

Dự lễ khai giảng có thầy Nguyễn Trung Thái - Ủy viên Ban thường vụ, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm; Cán bộ, Giáo viên và 22 học viên.

Diễn ra trong 03 tháng, các học viên lớp tin học văn phòng sẽ được  làm quen với máy tính; Trình đọc màn hình; Quản lý dữ liệu; ứng dụng Microsoft Word, Microsoft Excel; thao tác gửi thư điện tử qua Gmail tiêu chuẩn; tìm kiếm thông tin trên Internet...

Lịch sử nghề tẩm quất; các học thuyết, Thủ thuật tẩm quất; một số phương pháp mới trong điều trị bệnh; Nghệ thuật chăm sóc khách hàng và kỹ năng định vị bản thân...  là những kiến thức mà các học viên lớp tẩm quất nâng cao sẽ được trang bị trong khóa học này.

Ảnh: Thầy Nguyễn Trung Thái - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm phát biểu tại lễ khai giảng

Phát biểu tại lễ khai giảng, thầy Nguyễn Trung Thái - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm khẳng định: "Nhiệm vụ đào tạo nghề, hướng nghiệp nghề cho người khiếm thị là nhiệm vụ trọng tâm. Dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí đào tạo nhưng cán bộ / giáo viên Trung tâm vẫn cố gắng mở lớp để người khiếm thị nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động".

Kết thúc khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ và hướng nghiệp nghề, giới thiệu việc làm phù hợp./.

Nhật Hiểu Lam