Như con ong cần mẫn trao mật ngọt cho cuộc đời, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Chung - Chi hội Trưởng Hội Người mù xã Tân Dân, chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ của Hội người mù huyện Phú Xuyên TP Hà Nội đã kiên trì gìn giữ, trao truyền những làn điệu chèo và dân ca đồng bằng bắc bộ giữ gìn tinh hoa của vùng châu thổ sông Hồng cho những hội viên, những bà con yêu văn nghệ xa gần trong huyện đặc biệt là những bạn trẻ.

(Ảnh ông Nguyễn Văn Chung với cây đàn tam )

Đau đáu với những làn điệu dân ca của quê hương ngày càng bị mai một, nhất là trong giới trẻ hiện nay, bằng cả cái tâm và vốn hiểu biết của mình, ông Nguyễn Văn Chung cùng cây đàn tam đã tìm, mời anh em, bạn bè, bà con yêu mến dân ca trong xã Tân Dân, đến nhà mình vào các chiều thứ 7, chủ nhật để ông tập luyện, truyền lại những làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương được lưu truyền qua nhiều đời. Nhờ vậy mà qua các đợt hội thi đàn và hát dân ca do huyện và Thành phố tổ chức Câu lạc bộ của ông luôn giành được giải cao. Cũng vì thế mà bà con trong miền tây Phú xuyên gọi ông là “Người truyền lửa cho hậu thế”.

Ông Nguyễn Văn Chung sinh năm 1949 tại thôn Lễ Nhuế, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên. Nơi lữu giữ những làn điệu chèo mượt mà, trữ tình đã được lưu truyền qua nhiều đời. Trong lao động sản xuất, trong chống giặc, trong xây dựng quê hương, các điệu Đào liễu, luyện nam cung, xa lệch chênh, cách cú, xẩm xoan… được mẹ và các bà cao niên trong làng lưu giữ. Những làn điệu dân ca ấy cùng tiếng đàn nhị, đàn bầu, tiếng kèn, tiếng trống chèo đã thấm sâu vào máu thịt của ông. Những giọng dân ca ngọt ngào tha thiết ấy mỗi lần cất lên đã làm ông Chung ngây ngất và thổi bùng ngọn lửa năng khiếu dần thấm đượm trong tim. Có được năng khiếu trời cho, lại được các nghệ nhân truyền dạy chu đáo, ông luôn ao ước được cống hiến khả năng của mình cho nghệ thuật. Năm 1970, ông thi đậu vào lớp trung cấp hát chèo do Phòng văn hóa thông tin Hà Tây mở tại Chùa Thầy. Cùng năm đó, ông là một trong 18 người được chọn từ 500 thí sinh được tuyển vào đoàn chèo Hà Tây. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, ông đành gác lại ước mộng trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp. Ông trở về địa phương, tham gia công tác đoàn tại thôn rồi giữ vai trò đội trưởng đội văn nghệ xung kích tại xã Tân Dân .  

Năm 1973, trong một buổi biểu diễn phục vụ công tác xây dựng trạm bơm, do sự cố về điện làm dẫn đến cháy nổ, tất cả các thành viên trong đội văn nghệ đều bị thương. Riêng ông Chung bị nặng nhất. Kể từ đó, đôi mắt ông không thể nhìn được. Không chịu đầu hàng số phận, ông mầy mò làm đủ mọi công việc, từ nuôi lợn, trồng trọt rồi đến nấu rượu. Tuy đôi mắt không còn, song niềm đam mê âm nhạc, văn nghệ vẫn thôi thúc ông. Ông cùng vợ mở một cửa hàng buôn bán nhỏ để phục vụ bà con trong vùng. Ông đầu tư mua đàn guirta dạy miễn phí cho thanh niên và những ai yêu văn nghệ. Hàng quán của ông lúc nào cũng đông vui, rộn rã tiếng đàn tiếng nhạc ca ngợi quê hương đất nước.  

Năm 2002, ông Chung được kết nạp vào Hội người mù huyện Phú Xuyên. Tại đây, ông được học chữ nổi, học nghề và có điều kiện tham gia, học hỏi trao đổi kiến thức với những nghệ sỹ là người khiếm thị trong tỉnh. Với những gì đã học hỏi được, ông và một số anh em yêu mến dân ca cùng nhau lập Câu lạc bộ đàn và hát dân ca, khi thì đi phục vụ hội thi, khi thì đi giao lưu với đội bạn ông. Nguyễn Văn Chung vẫn là cây đàn tam điêu luyện, là hạt nhân và là thầy dạy hát dân ca cho đội văn nghệ Hội người mù Phú Xuyên tham dự các hội thi “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Hà Nội tổ chức đạt kết quả cao được lãnh đạo Hội và khán thính giả ghi nhận.

Đến Hội Người mù huyện Phú Xuyên, vào ngày thứ 6 đầu tháng, người nghe sẽ được thưởng thức những tiếng đàn, tiếng hát dân ca của ông Chung. Quây quần bên ông là những hội viên trong câu lạc bộ đến học hát dân ca để lưu giữ cái tinh hoa của quê hương mà ông cha chắt chiu truyền dạy. Hết lớp này đến lớp khác ông đã thổn vào tâm hồn của họ ngọn lửa quê hương với ước mong ngọn lửa ấy, các làn điệu dân ca ấy sống mãi trong lòng những thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Nguyễn Văn Hùng – Hội người mù huyện Phú Xuyên