Trời Hà Nội đã vào thu sao mênh mang quá! Những cây ngọc lan tỏa hương dịu nhẹ làm tan đi cái ngột ngạt, oi ả của những ngày hè vừa mới qua. Cái nóng lực ấy làm cho ta cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải và khó chịu. Nhưng cũng có những ngọn lửa mà khi nghĩ tới hay nhớ lại, trong lòng chộn rộn những dòng cảm xúc thật khó quên.
Ảnh: TS. Nguyễn Ngọc Toản - Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTBXH giảng dạy tại khoá tập huấn
Vâng! Dòng cảm xúc đó là kỉ niệm về 2 ngày Trung tâm dạy nghề của Thành Hội người mù Hà Nội tổ chức cho chúng tôi, những học viên khóa I ngành Công tác xã Hội về xứ Đoài mây trắng! Lên với Thánh Tản, với sông Đà, sông Hồng đỏ nặng phù sa để cùng học tập, cùng tham gia hội thảo dựng xây Hội vững mạnh, đẹp giàu. Giờ ngồi một mình nơi làm việc, sao tôi vẫn thấy 2 ngày thú vị, bổ ích ấy nguyên vẹn như mới hôm qua.
Đúng như giờ ban tổ chức đã định tôi có mặt tại 56 Tô Hiệu, chẳng phải tả nhiều cũng thấy trong lòng, ai cũng háo hức cho chuyến đi này rồi. Riêng với tôi, cả tuần trước, đã chuẩn bị nào nước hoa tốt, dầu thơm, thuốc men, bài thuyết trình… cứ gọi là bận như giám đốc dành cho buổi hôm nay. Khi tôi tới sớm hơn giờ định 10 phút thì đã thấy các anh chị tề tựu đông đủ. Tôi có cảm giác hình như bản thân là người tới muộn chứ không sớm gì cho lắm, tôi hồi hộp đếm từng nhịp thời gian trôi mong sao cho xe chạy thật sớm, thật nhanh. Rồi, xe chúng tôi lăn bánh qua bao làng mạc xanh tươi, qua bao núi đồi hùng vĩ cao rộng, mênh mông. Hương sắc bình minh dịu ngọt tươi mát thật thanh cao. Những tiếng chim ca ríu rít cùng hòa vào giai điệu lung linh buổi sớm như chào mừng chúng tôi. Xa xa, rặng tre già cao vút ken chặt la đà theo ngọn gió sớm như ngàn cô thiếu nữ đang múa màn đua nở trăm hoa rì rào duyên dáng như chuyện trò cùng những người khiếm thị chúng tôi. Trong lòng mọi người hình như ai cũng thấy trẻ ra, yêu đời, yêu cuộc sống nhiều thêm lên một chút.
Rồi xe cũng tới nơi, đón chúng tôi là dòng thác tung bọt trắng phau như dải bạc mà hóa công đã tạo dựng làm thành món quà chào mừng riêng những người khiếm thị vậy. Con đường từ cổng vào quanh co, cong cong hình uốn lượn thoải dốc cao dần khiến cho những bước đi chúng tôi thêm thi vị, đầy rẫy những sự bất ngờ. Trên trời, chim hót véo von, Kề bên suối hát nghe tròn bài ca.
Qua mọi thủ tục ban đầu, những học viên chúng tôi cùng tham gia học tập hăng hái, say xưa. Chẳng hiểu do được đổi mới môi trường hay trong lòng thấy mới mà tất cả ai cũng vui, ai cũng hăng hái phát biểu làm cho buổi học trôi nhanh tựa bóng câu qua cửa sổ.
Sau giờ học, thầy trò chúng tôi cùng nhau đi tham quan, có học viên tắm suối, có học viên rảo bước leo núi săn tìm ý thơ, tựu chung lại khi ấy, những người khiếm thị được làm chủ tất cả khung cảnh thiên nhiên về cả chiều rộng chiều cao lẫn chiều sâu. Những vị khách ở cùng khách sạn với chúng tôi khi gặp đều thốt lên: “tôi nhìn những anh, chị khiếm thị mà thấy vui quá! Các anh chị ai cũng đẹp, cũng xinh, trên khuôn mặt các anh chị niềm vui luôn rạng ngời phơi phới. Nhìn vào đó, những ai đang buồn cũng sẽ vui bởi từ các anh chị, nguồn vui như được lan tỏa mạnh mẽ thổi bay mọi muộn phiền ưu tư”. Tôi nghe mà sao sướng tới trào nước mắt, bởi từ những việc tưởng như rất thường ấy tưởng như đương nhiên ấy lại có một hiệu quả truyền thông cực kì hiệu quả. Và từ những niềm vui ấy, nhận thức của cộng đồng về người khiếm thị chúng ta được cải thiện và nâng lên rất tự nhiên, nó tác động sâu vào trong tận trái tim tình cảm của người lành.
Còn riêng với bản thân tôi, điều mong đợi nhất chính là đêm lửa trại. Bởi nếu trời thương, tôi sẽ được thỏa ước nguyện, nếu trời thương, thì sẽ được cùng chú chia sẻ tâm tình, cùng quây quần, ngồi vui chung với những anh chị em ngập đầy hoài bão, ước mơ. Tôi hồi hộp lặng đếm từng giờ.
Ảnh: Đêm lửa trại
Rồi khoảnh khắc mong chờ đã tới, đêm lửa trại diễn ra thật tưng bừng và xúc động. Màn lấy lửa mang đậm truyền thống màu sắc của chủ đạo Tộc Việt khi kính cẩn, bô báo với cha Trời, mẹ Đất, Thánh Tản, Thần Núi, Thần Sông. Về chứng giám cho tấm lòng thành kính của những con dân đất Việt, của những Hội viên người mù Hà Nội văn hiến nghìn năm.
Đoàn rước lửa theo đúng thuật phong thủy đón khí trời Nam làm vượng thêm cho nguyên khí của Hội. Các chàng trai cô gái rạng ngời, lồng lộng mạnh mẽ, tự tin mang ngọn lửa thiêng hùng về đài lửa ở trung tâm. Họ đại diện cho sức trẻ, cho tinh thần vượt khó, vượt cản để sau này đưa Hội người mù Hà Nội lên một tầm cao mới - tầm cao của nhân bản, tri thức và khoa học phát triển nền văn minh của tình yêu thương. Trong ánh lửa bập bùng rực đỏ, toàn thể cán bộ, học viên cùng nắm tay nhau đi quanh đài lửa thể hiện cho tình đoàn kết, đồng tâm, đồng sức một lòng cùng nhau vun đắp cho tình người miễn viễn, cho tình hội đẹp tươi. Và cũng là để nhắc nhớ về một kỉ nguyên con người kể từ khi tìm ra được lửa thì từ đây, con người đã thoát hẳn từ trạng thái con để vươn lên ngày một khẳng định tính người của mình mà không một loài thụ tạo nào có được.
Nhưng có lẽ, xúc động hơn cả là màn nhảy lửa cùng các tiết mục văn nghệ. Những người dù khiếm thị hay không khiếm thị đều nắm tay nhau nhảy múa, hát ca. Ngồi bên ánh lửa trại bập bùng huyền ảo mà trong người rừng rực niềm tự hào, mến yêu. Tôi có cảm nhận tại nơi đó vào lúc ấy Trời, Đất và Người như cùng hợp làm một. Ánh lửa như một sợi dây thật hữu hình, nhưng cũng thật màu nhiệm kéo Trời lại gần với người, nâng đất lên cho bằng với núi Tản thân yêu. Tất cả cùng vui cùng say bên vò rượu cần. Ai cũng hết mình, ai cũng thân ái. Thầy Nguyễn Duy Nhiên trước khi ra về đã nói với tôi: “Đêm lửa trại đẹp quá! Vui quá Hùng à. Mọi người đang đối với nhau bằng tình người quện tình trên nương vào tình đất em có thấy vậy không?” Vâng. Thầy nói đúng lắm! bởi chúng em còn có thêm một cái tình nữa mà cái tình này đã kéo dài suốt 46 năm, vượt qua mưa bom, bão đạn, vượt qua muôn trùng sóng gió đó là tình đồng tật thầy ơi! Khi ấy, giọng tôi nghẹn lại thật vui, thật xúc động. Thầy nắm chặt tay như cùng chung chia niềm vui. Và khi ấy, thầy cũng xúc động thấu cảm và trong tim thầy đang cùng chung nhịp đập với toàn thể anh chị em khiếm thị chúng tôi. .
Điều cả khóa học mong đợi và cũng là niềm ao ước của tôi đã tới; Bước lên sân khấu, tôi mời chú Trần Trung Hiếu lên cùng vui. Bởi tôi đã mời được ca sỹ Trung Nghĩa rất mến mộ giọng nói và phong cách hát của chú Trung Hiếu. Tiết mục biểu diễn ấy thật độc đáo, đã đem lại cho cả hội trại tiếng cười ròn rã, nhộn vui. Và qua tiết mục đó, tôi thấy hôm nay, chú Hiếu sao trẻ quá! Hình như người đứng bên tôi đang cất lên câu hát: “tiếng hát bay trên, hàng phố bâng khuâng….”. là anh Hiếu chứ không phải chú Hiếu giám đốc Trung tâm. Chú như một anh thanh niên rất cá tính, hào hoa, phong nhã, rất phong lưu, tiêu sái chứ không phải vị giám đốc rất nghiêm túc, rất phong cách lãnh đạo mọi ngày. Toàn thể khách mời lẫn học viên đều tưng bừng ca múa bên ánh lửa bập bùng. Cả khách sạn như rung chuyển bởi những điệu nhảy bốc lửa, những giọng ca khỏe mạnh hào sảng, tươi vui. Trên trời, ánh trăng kiêu hãnh như đang ghen với những con người vốn ngạo nghễ chẳng bao giờ thấy ngẩng lên nhìn chị Hằng lấy một lần. Cho dù hôm nay, chị Hằng cũng lộng lẫy, đỏm dáng tựa một cô công chúa diễm kì tới vui dạ hội yêu thương.
Ảnh Hội thảo
Buổi hội thảo sáng hôm sau cũng mang đầy sự trăn trở, đầy sự khắc khoải ưu tư cho một tổ chức Hội vững mạnh phát triển vững bền cùng bước chuyển mình của nhịp sống thời gian.
Chúng tôi tạm biệt núi Tản ra về. Trong lòng, ai cũng mang đầy những kỉ niệm đẹp về hai ngày tràn ngập những kí ức, nỗi nhớ hoài bão, ước mơ. Riêng với tôi khi bịn rịn chia tay, hình như thấy một đôi mắt lung lạc chiều u uẩn đang trộm nhìn và thở dài thương nhớ một hình dáng…. Ai.
Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch HNM huyện Phú Xuyên.
Tin mới
- Dấu ấn lịch sử của những người khiếm thị Thủ đô - 21/08/2018 07:55
- Trao học bổng khuyến học cho học sinh sinh viên và con hội viên khiếm thị - 21/08/2018 03:39
- Tập huấn nâng cao năng lực chuyên ngành Công tác xã hội tại Hội người mù Hà Nội - 16/08/2018 03:36
- Quán triệt kết quả Nghị quyết tới người khiếm thị - 15/08/2018 07:10
- “Chữ nổi luôn là công cụ hỗ trợ tốt nhất cho người khiếm thị hòa nhập” - 15/08/2018 07:02
Các tin khác
- Kế hoạch số 44 của Đoàn khối các cơ quan TP. Hà Nội - 15/08/2018 03:57
- Hội phật tử Hà Nội trao tặng 130 chiếc Radio cho người khiếm thị Huyện Phú Xuyên - 13/08/2018 03:16
- Lớp tập huấn bấm huyệt bàn chân đầu tiên dành cho người khiếm thị - 10/08/2018 02:12
- Quận Thanh Xuân: Tuyên truyền Nghị quyết Đảng và các Bộ luật cho người khiếm thị - 07/08/2018 04:08
- HNM Cầu Giấy tổ chức đoàn viếng nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch - 27/07/2018 07:27