Sau 30 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 12/04/1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI về giúp đỡ hội người mù Việt Nam. Trong nhiều năm qua huyện Thanh Oai đã có nhiều quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động Hội người mù huyện Thanh Oai ngày càng được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm tạo cơ hội cho người mù hoà nhập với cộng đồng, được học nghề, có việc làm phù hợp, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên và người mù được cải thiện hơn. Tổ chức Hội luôn là chỗ dựa, là môi trường thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, xóa bỏ mặc cảm, tự ti phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống. Hội còn là mái nhà chung để hội viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cùng nhau vượt khó vươn lên. Bằng ý chí, nghị lực của mình, người mù huyện Thanh Oai đã nỗ lực vươn lên, vượt qua số phận, trở thành người có ích cho xã hội, tự khẳng định mình và ngày càng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Là huyện ngoại thành nằm ở phía Nam Thành phố, Thanh Oai có 20 xã và 01 thị trấn, 118 thôn, tổ dân phố, dân số có trên 20 vạn người. Toàn huyện có 02 tôn giáo là đạo Phật và đạo Thiên chúa giáo (17/21 xã, thị trấn có đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo). Được thành lập từ năm 1986 và là một tổ chức xã hội đặc thù được Đảng nhà nước bảo trợ hoạt động, đến nay Hội người mù huyện Thanh Oai đã 7 lần tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, thu hút 176 hội viên tham gia sinh hoạt ở 10 chi hội. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ huyện tới cơ sở. Hội Người mù đã từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, người mù trong toàn huyện đã được chăm sóc giúp đỡ tương thân tương ái, được chăm lo về vật chất và tinh thần. Bằng các chính sách xã hội, người tàn tật nói chung và người mù nói riêng được coi trọng và bình đẳng, hội viên người mù luôn đoàn kết, thương yêu nhau, gắn bó với Hội thực sự coi đó là ngôi nhà chung để hội viên phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống. Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 51 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Huyện ủy đã chỉ đạo phổ biến quán triệt nội dung tới toàn thể cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Kết quả đã có trên 90% đảng viên, 83% cán bộ, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể và toàn thể hội viên hội người mù được quán triệt học tập. Qua đó đã nâng cao sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về đề cao tinh thần nhân đạo, trách nhiệm của tập thể cá nhân trong việc giúp đỡ người mù hòa nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.
Trong những năm qua, Huyện ủy đã ban hành Chương trình, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tổ chức cán bộ. Nhất là vào dịp Đại hội Hội người mù các cấp, Huyện uỷ đã ban hành 06 Chỉ thị, 02 Thông tri để chỉ đạo các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của hội người mù trên địa bàn huyện và chỉ đạo tổ chức đại hội, lựa chọn những ông, bà có đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, tín nhiệm để hiệp thương cử vào các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch cấp huyện và các ông bà là chi hội trưởng, phó chi hội cấp cơ sở.
Việc kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị đã được tiến hành thường xuyên, hàng năm chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy chủ trì phối hợp UBMTTQ các đoàn thể chính trị-xã hội kiểm tra các xã, thị trấn về triển khai thực hiện Chỉ thị thông qua việc kiểm tra đã uốn nắn kịp thời những tồn tại hạn chế và đề ra những nhiệm vụ giải pháp để tiếp tục tạo điều kiện và giúp đỡ người tàn tật nói chung người mù nói riêng của địa phương.
Năm 1999 thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Tây nay là Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thanh Oai đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị; Năm 2009 tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện chỉ thị, Ban TVHU đã xây dựng Báo cáo số 145 -BC/HU, ngày 5/10/2009 của Huyện ủy và tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị tại hội nghị tổng kết đã nghiêm túc đánh giá những mặt làm được, những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm sau 20 năm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra phương hướng tiếp tục việc tăng cường xây dựng củng cố hệ thống tổ chức người mù từ huyện đến cơ sở và tạo mội điều kiện cho các cấp hội hoạt động có hiệu quả. Năm 2013 Thực hiện Thông tri số 12 –TT/TU ngày 29/7/2013 của Thành ủy về giúp đỡ hội người mù hoạt động. Ngày 08/8/2013 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 57 –CT/HU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động Hội người mù trên địa bàn huyện. Đồng thời tổ chức quán triệt triển khai tới toàn thể cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở và các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy.
Nhận thức việc chăm sóc giúp đỡ người tàn tật nói chung và người mù nói riêng là một trong những vấn đề chính sách xã hội, thể hiện việc đề cao tinh thần nhân đạo và ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành và mọi người quan tâm giúp đỡ. Toàn huyện đã ủng hộ xây dựng quỹ “Vì hạnh phúc người mù”. Đặc biệt giúp đỡ người mù tham gia lao động sản xuất theo khả năng và giúp đỡ trong cuộc sống, hiện nay 95 % hội viên được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng. Bằng các nguồn vốn vay của Trung ương, UBND Thành phố và tổ chức ADRA với tổng số tiền là trên gần 3 tỷ đồng cho 113 hội viên vay để đầu tư vào sản xuất kinh doanh như chăn nuôi lợn, bò sinh sản để tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người mù.Được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện để người mù tham gia vào các chương trình dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên, Huyện đã tổ chức 8 lớp tập huấn về sản xuất tăm, chổi chít và kỹ thuật chăn nuôi cho toàn thể hội viên. Trong năm 2017- 2018 Huyện Thanh Oai đã được tổ chức phi chính phủ Phần Lan (ABILIS) tài trợ mở 02 lớp học nghề “Phục hồi chức năng, Maketing và làm chổi chít cho người mù huyện Thanh Oai” với số tiền là gần 500 triệu đồng, hỗ trợ mở được 7 lớp học xóa mù và nâng cấp chữ Brai cho 176 hội viên, đến nay 100% hội viên trong độ tuổi biết đọc, biết viết chữ Brai. Hàng năm UBND huyện còn xét trợ cấp cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc khó khăn đột xuất và mắc bệnh hiểm nghèo, tổ chức tặng quà cho hội viên vào dịp Tết nguyên đán.100% hội viên được cấp thẻ bảo hiểm y tế và miễn học phí cho con em hội viên. Tổng số tiền trợ giúp sau 30 năm cho người mù của UBND huyện và các tổ chức khác là trên 500 triệu đồng. Đặc biệt năm 2018 UBND huyện quan tâm hỗ trợ cho huyện hội với tổng số tiền là 290 triệu đồng để sửa chữa trụ sở làm việc của huyện hội đến nay đã được khang trang sạch sẽ.Ban Chấp hành huyện hội luôn duy trì sinh hoạt thường kỳ đều dặn, làm tốt công tác tổ chức xây dựng hội và quản lý hội viên theo điều lệ. Đồng thời thường xuyên phối kết hợp và tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc chăm sóc giúp đỡ người mù nhất là triển khai cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”… Với những cố gắng nỗ lực, vượt qua thử thách Hội người mù huyện Thanh Oai luôn phấn đấu vươn lên, có 15 hội viên học các nghề tẩm quất, phát huy kiến thức học được đến nay có 10 hội viên mở được cơ sở riêng cho thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 1.000.000 - 2.000.000đ. Bên cạnh đó hội viên cũng luôn tìm tòi học hỏi không ngại khó, ngại khổ tham gia các lớp học vi tính do Trung tâm dạy nghề Hội người mù Thành phố tổ chức, học nghề thủ công làm chổi chít do Huyện hội mở. Hội đã thành lập được 2 câu lạc bộ đọc viết chữ nổi, 01 câu lạc bộ văn nghệ sinh hoạt vào mùng 8 hàng tháng thu hút từ 10-50 hội viên đến tham gia sinh hoạt. Ngoài ra hội còn tổ chức và duy trì nghề thủ công tăm tre và chổi chít cho hội viên sản xuất tại gia đình như ở xã Dân Hòa, KimThư, Phương Trung, Cao Viên,… mức thu nhập từ 500.000 -1.000.000 đồng/người/tháng. Có tổ sản xuất tập trung tạo việc làm cho từ 5-10 hội viên mức thu nhập đạt từ 500.000-1.000.000đ/người/tháng. Những sản phẩm tăm tre, chổi chít của hội người mù huyện Thanh Oai được cung cấp và tiêu thụ ra thị trường hơn 700.000 chiếc chổi và hơn 100.000 gói tăm phục vụ người tiêu dùng.
Trong 30 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về việc giúp đỡ Hội Người mù được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể đã nâng cao nhận thức vị trí, tầm quan trọng của việc giúp đỡ người tàn tật nói chung và người mù nói riêng. Từ đó, các cấp ủy Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần, cơ sở vật chất, kinh phí dành cho việc chăm sóc giúp đỡ các hoạt động của hội, những việc làm đó khơi dậy được lòng nhiệt tình, trách nhiệm, tính lạc quan, năng động sáng tạo và tự tin cho người mù góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của huyện. Hội người mù huyện đã kịp thời bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước đổi mới nội dung hoạt động sáng tạo và đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút hội viên, nắm bắt được những nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người mù trong huyện, thông qua đó có các hình thức vận động phù hợp, biết phối kết hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan thực hiện tốt các cuộc vận động, các chương trình của hội, đáp ứng yêu cầu chăm lo quyền lợi, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của cán bộ, hội viên người mù trong toàn huyện.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về về giúp đỡ hội người mù trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ huyện ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động Hội người mù trên địa bàn huyện. Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người mù. Tạo điều kiện cho người mù còn sức lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Giúp đỡ người mù được vay vốn ưu đãi thông qua các kênh để cùng gia đình phát triển kinh tế, góp phần tham gia có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo của huyện. Phấn đấu đưa 100% hội viên người mù có mức sống bằng mức trung bình của dân cư; tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội đối với người mù, thường xuyên chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí cho hội hoạt động và trợ cấp kịp thời cho các trường hợp khó khăn đột xuất hàng năm; thường xuyên quan tâm và giúp đỡ tạo điều kiện mở các lớp học nghề, học chữ. Đặc biệt học chữ nổi Brai nâng cao trình độ chữ Brai cho cán bộ và hội viên chi hội đảm bảo đọc thông viết thạo; tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội người mù các cấp vững mạnh. Đồng thời chỉ đạo và định hướng cho Hội có các chương trình hoạt động, thu hút tập hợp người mù tự nguyện tham gia tổ chức hội, duy trì và bảo toàn số vốn vay hiện có. Nhằm đảm bảo thiết thực hiệu quả cho hội viên vay phát triển sản xuất tăng thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững trong toàn huyện.
Hội người mù Thanh Oai
Tin mới
- 400 phần quà tết đến với người khiếm thị Hà Nội - 10/01/2019 08:08
- Hà Nội: Kỷ niệm ngày sinh của “Người chiến thắng bóng tối” Louis Braille - 08/01/2019 07:01
- Hội người mù Hà Nội kỉ niệm 210 năm ngày sinh Louis Braille - 08/01/2019 06:53
- Đại hội đồng Liên hợp Quốc khẳng định ngày chữ nổi Thế giới - 04/01/2019 11:47
- Huyện Ứng Hòa: 10 người khiếm thị tham gia vào lớp tin học văn phòng - 02/01/2019 03:49
Các tin khác
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản trợ giúp pháp lý cho người khiếm thị - 12/12/2018 08:26
- Hội người mù Nam Từ Liêm tổng kết phong trào thi đua năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 - 10/12/2018 02:47
- Hà Nội: Trao chứng chỉ nghề Công tác xã hội cho 49 người khiếm thị - 07/12/2018 01:29
- Tin Lễ bế giảng các khóa nghề năm 2018 của Trung tâm - 06/12/2018 07:26
- Đường chạy “ánh sáng” kết nối người khiếm thị với cộng đồng - 06/12/2018 07:20