Khi viết những dòng này, tôi đang cố gắng tìm ra tia sáng mong manh trong đám mây u ám của dịch COVID-19 đang bao trùm toàn cầu, và cũng là để kiểm chứng giả thuyết kỳ quặc mà tôi đặt ra trong tiêu đề bài viết.

Ảnh bạn Đào Hương

Gần đây người ta bàn tán xôn xao về thái độ kỳ thị người nước ngoài trong mùa dịch ở Việt Nam. Nhiều người nước ngoài bị nhìn với ánh mắt xa lạ, bị lảng tránh, hoặc thậm chí bị từ chối thẳng thừng khi đặt Grab. Chúng ta cũng nghe đâu đó chuyện chỉ một tiếng hắt hơi hay một tiếng ho ở nơi công cộng cũng bị người ta âm thầm đếm trong sự nghi ngờ.

Tôi chắc rằng những người nước ngoài hay những người khỏe mạnh bình thường, vốn luôn được tôn trọng và đối đãi nồng hậu, chưa từng trải qua, thậm chí mường tượng ra, hoàn cảnh trớ trêu này, đặc biệt là ở Việt Nam, đất nước xưa nay nổi tiếng mến khách với bạn bè quốc tế. Thật sự, đây là điều không thể chấp nhận được, cũng không thể chịu đựng và tha thứ được. Với tư cách là một chiến binh chống phân biệt đối xử với người khuyết tật, tôi cũng ghét vi-rút Corona, bởi nó đã chia thế giới phẳng của chúng ta thành những mảnh vụn xấu xí bằng hệ lụy của nó là: sự kỳ thị.

Tuy nhiên, tự nhận là một người siêu lạc quan, tôi tin rằng đại dịch này sẽ kích hoạt nút khởi động lại cho thái độ ứng xử giữa người với người. Khi lần đầu bị kỳ thị, bạn sẽ cảm thấy buồn và bị tổn thương, và tự hỏi: “Mình đã làm gì sai mà người ta có thái độ vô lý với mình đến vậy?”. Trong đại dịch chưa từng có tiền lệ này, đột nhiên, người khác quay lưng bỏ đi, không nói với bạn một lời, để lại bạn một mình trong sự cô đơn. Rồi một buổi sáng đẹp trời, bạn đến cửa hàng gần nhà, thay cho nụ cười chào đón rạng rỡ như mọi khi, cô bán hàng bỗng dưng đóng sập cửa lại…

Tôi xin khẳng định: bạn không phải là người duy nhất chịu sự kỳ thị đó đâu. Tôi thấu hiểu và đồng cảm với những gì bạn đang trải qua. Cho phép tôi đồng hành với các bạn- những người bị kỳ thị trong hoàn cảnh khó khăn này. Chúng ta giờ cùng hội cùng thuyền rồi đó… Cơn bão Covid-19 rồi sẽ qua nhanh, bạn sẽ lại được đối xử tốt và nhận được sự tôn trọng như trước đây.

Thế nhưng, bạn có biết rằng: có hàng triệu người đang phải chịu định kiến và kỳ thị mỗi ngày. Họ là dân nhập cư, du học sinh từ các nước phương Đông sang các nước phương Tây, người khuyết tật, cộng đồng LGBT, bệnh nhân HIV và vô vàn đối tượng khác nữa. Họ không có được những cơ hội bình đẳng như những nhóm có đặc quyền. Họ không được tiếp nhận vào cùng một lớp học, cùng một nơi làm việc như những người được coi là “bình thường”. Họ thường bị gạt ra ngoài lề của các bữa tiệc và các hoạt động xã hội. Và, họ cũng bị lạm dụng theo nhiều cách khác nhau chỉ đơn giản vì trông họ không giống số đông.

Rõ ràng sự kỳ thị là một căn bệnh mãn tính của xã hội mà chưa có ai phát minh ra vắc-xin hay pháp đồ điều trị nó. Thật buồn thay, căn bệnh tâm lý đó lại không thể được chẩn đoán bằng bộ công cụ xét nghiệm như với vi-rút Corona, nhưng căn bệnh đó tồn tại dai dẳng và hủy hoại mối quan hệ tốt đẹp của chúng ta với những người xung quanh. Nguy hiểm hơn, người nhiễm bệnh lại không chịu công nhận rằng họ đang mắc bệnh này. Những căn bệnh thông thường, bao gồm cả COVID-19 chỉ có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc vật trung gian truyền bệnh. Thế nhưng, căn bệnh kỳ thị còn lan nhanh hơn COVID-19 bởi cơ chế lây đặc biệt của nó: chỉ qua một tin nhắn, một bài viết, hay một lời bình luận phiến diện trên mạng xã hội. Do vậy căn bệnh kỳ thị phải được chữa trị để xây dựng một xã hội nhân văn, nhân ái hơn.

Với vốn kinh nghiệm đương đầu với sự kỳ thị, tôi khuyên bạn hãy mỉm cười với những người đang thể hiện thái độ kỳ thị và nói với họ rằng: “Vi-rút Corona mới có tội, chứ tôi đâu có tội tình gì”. Tôi hy vọng, có ở trong hoàn cảnh đó, bạn mới phần nào thấu hiểu những nỗi đau mà người khuyết tật đang bị phân biệt đối xử hàng ngày, hàng giờ. Trong y học, chúng ta cần được tiêm vào người một lượng vi-rút cực nhỏ để tăng cường sức đề kháng chống lại một căn bệnh nào đó. Tương tự như vậy, về mặt xã hội, tôi cho rằng, khi bị kỳ thị nhất thời biết đâu lại là vắc-xin chống lại bệnh kỳ thị mãn tính. Việc bị kỳ thị trong một khoảnh khắc nào đó có thể giúp chúng ta hiểu được cảm xúc của những người yếu thế, những người bị kỳ thị suốt cả cuộc đời và bị vô tình bỏ lại phía sau…

Ở mức độ nào đó, chúng ta phải cảm ơn vi-rút Corona vì nhờ nó, chúng ta mới trả lại không gian cho thiên nhiên, dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu, và suy ngẫm lại chúng ta đã đối xử với mọi người xung quanh như thế nào. “Cuộc sống của chúng ta giống như dải cầu vồng: Phải có cả nắng và mưa thì cầu vồng mới lên màu rực rỡ”. Bởi vậy, nỗi buồn hiện tại chỉ như một nốt nhạc trầm trong bản giao hưởng rộn ràng của cuộc sống để chúng ta thêm trân trọng những gì mình đang có và cảm thông với những ai kém may mắn hơn. Sau những tổn thương do sự kỳ thị nhất thời kia, bạn có sẵn lòng cùng chúng tôi xây dựng một xã hội bình đẳng, yêu thương và quan tâm cho tất cả mọi người?

 

Đào Thu Hương – Hội người mù Quận Đống Đa