Với mục tiêu đồng hành cùng người khiếm thị trong công việc và cuộc sống, Hội Người mù quận Thanh Xuân đã và đang triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên để họ phát huy được khả năng của bản thân và giúp ích cho gia đình, xã hội.

Ảnh: Cô Lê Bội Hương đang hướng dẫn học viên

Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy chữ, dạy nghề, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, Hội Người mù quận Thanh Xuân đã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên. Đồng thời, lựa chọn, giới thiệu các hội viên của Hội tham gia các lớp đào tạo nghề do Hội Người mù thành phố và Hội Người mù Việt Nam tổ chức.

Hiện Hội đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận tổ chức lớp xoa bóp bàn chân cơ bản dành cho người khiếm thị với sự tham gia của 10 hội viên trong Hội. Qua lớp học sẽ góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho các hội viên đang làm việc tại các cơ sở xoa bóp, tẩm quất, đồng thời giúp những hội viên mới biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Là một trong những hội viên tham gia lớp học, cô Nguyễn Thị Thanh (Chính Kinh, Thanh Xuân) chia sẻ: “Năm 2018, tôi phát hiện bị u nang tủy sống và phải phẫu thuật. Đợt phẫu thuật và điều trị đó đã khiến đôi chân của tôi bị ảnh hưởng, từ hai đầu gối xuống bàn chân bị tê và mất cảm giác, đi lại rất khó khăn. Mặc dù mới tham gia lớp học xoa bóp bàn chân cơ bản do Hội Người mù quận tổ chức được một vài buổi nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của giảng viên nên tôi đã biết cách tự xoa bóp bàn chân và cảm nhận được hiệu quả rõ rệt khi bàn chân tôi đã có cảm giác trở lại”.

Anh Nguyễn Đình Chính (Khương Đình, Thanh Xuân) cũng cho biết: “Tham gia Hội Người mù quận Thanh Xuân, tôi đã được tạo điều kiện học nghề xoa bóp tẩm quất và đã tìm kiếm được một công việc ổn định, có thu nhập để phụ giúp gia đình. Hiện tôi đang tham gia lớp xoa bóp bàn chân cơ bản, tại lớp học này, tôi được đào tạo thêm kỹ năng xoa bóp bàn chân để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi họ có yêu cầu”.

Trực tiếp giảng dạy cho các học viên trong lớp học, chị Lê Thị Bội Hương – giáo viên có nhiều năm dạy xoa bóp tẩm quất chia sẻ: “Với tâm niệm “người đi trước, rước người đi sau”, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng truyền đạt những kiến thức mới nhất liên quan đến nghề. Đồng thời, tôi cũng chủ động kết nối, mời các chuyên gia trong nghề đến để trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giúp các học viên nâng cao tay nghề. Tất cả với mong muốn mọi học viên đều học được nghề để có thể giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

 

Thành Nguyễn