Giao thừa năm 1956 (ngày 11-2- 1956), Bác Hồ đi thăm và chúc Tết các đồng chí ở Trường Thương binh hỏng mắt tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Tại đây, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với các chiến sĩ, khen ngợi những thành tích công tác, học tập vươn lên của thương binh hỏng mắt. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nói: “Tại mái trường này các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân. Như vậy, các chú tàn nhưng không phế”. Tư tưởng “Tàn nhưng không phế” từ đó đến nay đã trở thành phương châm sống của thương bệnh binh và những người hỏng mắt, là kim chỉ nam cho hành động xuyên suốt của tổ chức Hội người mù cả nước nói chung, tổ chức Hội người mù Thủ đô nói riêng.
Để ghi nhớ lời Bác dạy và làm sâu sắc thêm ý nghĩ của tư tưởng “Tàn nhưng không phế” đối với người khiếm thị Thủ đô, Hội Người mù Thành phố Hà Nội đã 02 lần tổ chức hội thảo khoa học (năm 2006, 2016) và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp: được các cấp, các ngành ghi nhận, động viên; hội viên tích cực học tập, lao động sáng tạo và vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hướng đến kỷ niệm 65 năm Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (1956-2021), Ban Thường vụ Hội Người mù Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và nhận được sự chấp thuận của Trung ương Hội trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo 65 năm. Hội thảo là hoạt động ý nghĩa, giúp các thế hệ người khiếm thị và cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về giá trị nhân văn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người đến thăm và chúc Tết Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Đồng thời khẳng định những kết quả cũng như quyết tâm của Hội và người khiếm thị trong việc thực hiện lời dạy của Bác để phát triển tổ chức Hội, nâng cao chất lượng và vị thế của người khiếm thị trong cộng đồng, tiến tới một môi trường bình đẳng không rào cản.
Ngay từ quý IV năm 2020, một chuỗi các hoạt động của Hội Người mù Thành phố đã được diễn ra để hướng đến hội thảo. Đầu tiên là việc phát động và triển khai đợt thi đua cao điểm hướng về kỷ niệm 65 năm với nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả cũng như quyết tâm của Hội và người khiếm thị thủ đô trong việc thực hiện lời dạy của Bác trong phát triển tổ chức hội, nâng cao chất lượng và vị thế của người khiếm thị trong cộng đồng. Thi đua quyết tâm cao nhất trên tất cả các lĩnh vực công tác hội: công tác tổ chức phát triển hội viên; công tác lao động sản xuất, chăm sóc đời sống hội viên và công tác tuyên truyền, văn hóa giáo dục nâng cao đời sống tinh thần của hội viên. Đến thời điểm hiện tại, công tác tổng kết thi đua chuyên đề tại các đơn vị và cụm thi đua trực thuộc đã hoàn thành.
Hội Người mù Thành phố đã phát động cuộc thi viết “Người khiếm thị Thủ đô thực hiện lời dạy Tàn nhưng không phế của Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhằm góp phần tạo nên một đợt sinh hoạt văn hóa tinh thần sâu rộng trong toàn thể cán bộ hội viên Hội Người mù thành phố Hà Nội. Cuộc thi nhằm mục đích phát hiện những tấm gương người khiếm thị giàu ý chí, nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình, đóng góp cho gia đình, và xã hội; từ đó, góp phần cổ vũ, động viên, nhân rộng những tấm gương nghị lực trong toàn Hội. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị Quận/Huyện/Thị hội cũng đã lựa chọn và gửi 79 bài dự thi tốt nhất đến Hội người mù Thành phố Hà Nội, trong đó có một số bài là các file Audio, VCD do chính người khiếm thị biên tập và sản xuất.
Ảnh: Giải nhất cuộc thi Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô
Tiếp đến là sự kiện Chung khảo cuộc thi Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô với chủ đề “Mãi mãi một niềm tin” được tổ chức vào tháng 12/2020, đây là sự kiện 5 năm diễn ra một lần và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực có quy mô lớn nhất trong năm 2020 của Hội Người mù thành phố Hà Nội. Cuộc thi là hoạt động hướng tới Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn quốc lần thứ VI, năm 2021 và kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh hỏng mắt. Sau phần sơ khảo tại các cụm thi đua, 45 diễn viên không chuyên với 15 tiết mục văn nghệ của 05 Cụm thi đua trong toàn Thành phố đã tham gia chung khảo tại Thành hội. Các tiết mục với rất nhiều chủ đề như ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu, thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người khiếm thị và ôn lại truyền thống những thăng trầm của tổ chức hội trong suốt chặng đường 50 năm qua. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích cho các tiết mục tham gia. Ba tiết mục xuất sắc nhất được lựa chọn đại diện cho Hội Người mù thành phố Hà Nội tham dự Liên hoan nghệ thuật “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI toàn quốc, được Hội người mù Việt Nam tổ chức vào năm 2021.
Ảnh: trao quà tết
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống của người khiếm thị trong đó công tác chăm sóc tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 cho hội viên người mù là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, ngay từ quý IV năm 2020, Hội Người mù thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc tết cho hội viên. Toàn hội đã phối hợp chặt chẽ với các Tổ chức, các nhà hảo tâm, cá nhân thiện nguyện để tặng quà (bao gồm tiền và hiện vật) cho hội viên. Kết quả có 6.968 lượt hội viên toàn Thành hội được chăm sóc tết với tổng số tiền là: 3.812.250đ (Ba tỷ, tám trăm mười hai triệu, hai trăm năm mươi nghìn đồng), suất quà cao nhất trị giá 3.000.000đ, suất quà thấp nhất là 300.000đ. Hướng đến kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngày thành lập Hội người mù Việt Nam (17/4/1969) và Ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam (18/4), trong tháng 4/2021, Hội đã phối hợp với công TNHH Thiện Tâm Duyên tổ chức 05 đợt trao quà cho 2.566 hội viên các đơn vị thành viên của Hội. (phần quà là gạo, mì, bột dinh dưỡng, muối ngâm chân).
Ảnh: trao cây gậy trắng
Ngày 30/3/2021, Hội Người mù Việt Nam - Hội Người mù thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chi Đoàn thanh niên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức trao 100 cây gậy trắng cho các hội viên của Hội Người mù Ba Vì, Hoài Đức, Sơn Tây và Phúc Thọ.
Ảnh: Chương trình giao lưu Thanh niên Hội Người mù Hà Nội
thực hiện lời dạy "Tàn nhưng không phế"
Thực hiện chương trình công tác Đoàn năm 2021; Thiết thực kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1931- 2021); 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1956 - 2021). Sáng ngày 24/3/2021, Chi đoàn Cơ quan Hội Người mù Thành phố phối hợp với Ban Công tác Hội viên trẻ của Hội tổ chức Chương trình giao lưu Thanh niên Hội Người mù Thành phố Hà Nội thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình đã thu hút 54 đoàn viên thanh niên khiếm thị tham dự nhằm tạo điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về giá trị nhân văn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác, sự nghiệp cách mạng và lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên đặc biệt là thanh niên khiếm thị ngày nay. Đồng thời cũng là nơi để các đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với những tấm gương thanh niên khiếm thị tiêu biểu trong học tập, công tác. Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu, Chi đoàn đã tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử tổ chức Hội, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác. Kết quả, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì và 01 giải Ba cho các đội.
Ảnh: Cuộc thi khiêu vũ “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”
Ngày 04/4/2021, Câu lạc bộ khiêu vũ Người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) trực thuộc Hội người mù Thành phố đã tổ chức cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” tại Học viện Múa Việt Nam (Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Hà Nội. Cuộc thi quy tụ hơn 50 vận động viên đến từ các Quận/Huyện/Thị hội trên địa bàn Thành phố. Trải qua 20 nội dung thi đấu kéo dài hơn 02 giờ đồng hồ, những cặp đấu xuất sắc nhất đã dành được giải thưởng của Ban tổ chức cuộc thi với tổng giá trị giải thưởng lên đến 20 triệu đồng cùng Huy chương và giấy chứng nhận của cuộc thi. Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi là sân chơi bổ ích, thể hiện khát khao và ý chí của người khiếm thị luôn sẵn sàng vượt mọi khó khăn, thử thách, vượt qua định kiến của xã hội, và quan trọng nhất, vượt qua chính bản thân để luôn tự hoàn thiện mình. Cuộc thi giới thiệu rộng rãi với người khiếm thị một môn thể thao mới, giúp rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần; quảng bá một hình ảnh mới về người khiếm thị: đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, luôn tràn đầy nghị lực, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Một trong những nội dung quan trọng của hội thảo là các bài tham luận, đến thời điểm hiện tại, Hội Người mù thành phố đã nhận được 28 tham luận của các đơn vị trực thuộc. Cùng với đó, các đơn vị cũng đã triển khai nhiều chương trình để kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Bác như: Tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tặng quà cho hội viên khó khăn, chụp ảnh kỷ yếu cho hội viên, thi tìm hiểu về lời dạy của Bác... Ngoài ra còn có hoạt động khác như xuất bản ấn phẩm Kỷ yếu Hội Người mù Thành phố Hà Nội giai đoạn 1972 - 2020; tổng kết trao giải cuộc thi viết “Người khiếm thị Thủ đô thực hiện lời dạy Tàn nhưng không phế”, trưng bày một số ảnh về hành trình vươn lên của người khiếm thị sẽ diễn ra tại lễ kỷ niệm. Với sự chủ trì của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, chắc chắn hội thảo 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một hội thảo quy mô, ý nghĩa không chỉ cho người mù toàn quốc mà rộng hơn là cho cả cộng đồng.
Lê Chinh
Tin mới
- Hội Người mù thành phố Hà Nội chung tay cùng cộng đồng chống dịch Covid-19 - 28/05/2021 06:01
- Giới thiệu bộ tài liệu âm thanh về cuộc bầu cử quốc hội và HĐND tới người khiếm thị - 19/05/2021 06:45
- Tuyên truyền Luật bầu cử đến người khiếm thị Quận Hà Đông - 06/05/2021 13:57
- Chi bộ cơ quan Thành hội người mù Hà Nội kết nạp Đảng viên mới và tham gia học tập 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII - 29/04/2021 14:18
- Ngày hội thể thao lần thứ 3 tại Cụm thi đua số 1 Hội Người mù Thành phố Hà Nội - 26/04/2021 01:57
Các tin khác
- Tự hào truyền thống tổ chức Hội và lời dạy "Tàn nhưng không phế" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 23/04/2021 06:38
- Hội Người mù huyện Chương mỹ khám bệnh miễn phí cho người khiếm thị; Triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ khiếm thị năm 2021 - 23/04/2021 02:44
- Tăng cường kỹ năng chăm sóc sức khỏe và kỹ năng phòng chống xâm hại, quấy rối tình dục cho người khiếm thị Hà Nội - 16/04/2021 03:24
- Những bông hoa đẹp trong vườn hoa người khiếm thị Thủ đô - 16/04/2021 01:49
- Nhảy bằng cảm nhận trái tim - 13/04/2021 07:48