Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn tiến phức tạp thì vòng chung khảo cuộc thi “Đọc, viết nhanh chữ Braille dành cho Người khiếm thị Hà Nội” năm 2021 vào sáng 24/11/2021 diễn ra thật đặc biệt. Đặc biệt bởi số lượng thí sinh dự thi rất khiêm tốn. Mỗi cụm thi đua chọn cử 02 thí sinh đại diện, được chia làm 2 nhóm đối tượng. Từ 15 đến 35 và từ 36 tuổi trở lên.

Ngay khi tôi bước vào hội trường của Hội Người mù TP Hà Nội tại 56 Tô Hiệu, Hà Đông, tinh thần và không khí đã sôi nổi, nghiêm trang, hừng hực khí thế của tinh thần tranh tài, cọ sát, thi đua.

 Mặc dù các thí sinh đã thường xuyên luyện tập ở nhà. Nhưng khi đến nơi tham dự, không một ai lơi là tập luyện. Những tiếng: “Cùng cục, sần sật” ròn tan tựa như cả đàn gà trống, gà  mái mổ thóc nơi sân quê đang vào vụ thu hoạch thóc mới, thanh bình yên ả vui tươi, những lời chào cộng với những tiếng cười hồn hậu tuy có hơi khác qua lớp khẩu trang phòng dịch nhưng tình người, tình đồng tật vẫn đầy ăm ắp.

 

Ảnh: Toàn cảnh Hội thi

Tôi nhận thấy trong mỗi thí sinh về tham dự kỳ thi thì ai cũng vui vẻ, hăng hái, tự tin và có sự chuẩn bị rất kỹ càng, rất chuyên nghiệp. Rồi giờ phút mong chờ đã đến. Sau những lời phát biểu khai mạc, những quy định phổ biến của phòng thi. Các thí sinh ở 2 lứa tuổi bắt đầu thi với tinh thần hào hứng, vui tươi nhưng cũng không kém phần trang trọng và nghiêm túc. Được sự ưu ái của  BTC nên Tôi đã được đại diện cho toàn thể thí sinh lên bốc thăm đề dự thi; Khoảnh khắc thật vui tươi và rất sảng khoái.

Lần thi này có nhiều điều đặc biệt.

Điều đặc biệt thứ nhất: Thí sinh được ôn tập đề cương trước với 3 bài để chuẩn bị phần thi viết. 1. Bản tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao. 2. Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sỹ Phạm Tuyên. 3. Tâm hồn sáng mãi của nhạc sỹ Trần Công Nhuận; Đây đều là những bài hát rất quen thuộc với mỗi người nên cũng tạo thêm phần khí thế cho thí sinh…

Mới thứ 2: Thí sinh được thả hồn vào việc thảo ra một bài văn thể hiện tài văn chương, tình cảm của mình về chữ nổi Braille hoặc về tổ chức Hội thân yêu.

Đề phần này rất mở. rất thiết thực và cũng rất sáng tạo. Nếu qua đây, BTC biết được những tài năng này để bồi dưỡng, tập huấn nhằm tạo dựng một đội ngũ cộng tác viên báo chí, tuyên truyền chuyên nghiệp thì  sẽ rất hiệu quả.

Tôi vừa thảo bài văn của mình mà tâm hồn trôi về tự cái thuở các sỹ tử lều chõng đi thi với phần đề được ông chủ khảo trường thi cho soạn bài để các sỹ tử được trổ hết tài năng, thảo những nét rồng múa, phượng bay tạo nên những bài văn lưu danh thiên cổ. Ôi! Cảm giác thật phiêu du… Chỉ phác họa 2 điểm mới đó thôi đã thấy tinh thần làm việc sáng tạo, nghiêm túc của ban tổ chức cuộc thi. Đồng thời, cũng là dịp để những thí sinh được trải nghiệm những cảm xúc, cảm nhận mới về Hội nơi mình tham gia sinh hoạt.

Ảnh: Các thi sinh đang làm bài thi 

Trong mỗi cuộc thi, bên cạnh những giải thưởng thì ý nghĩa và những điều thí sinh đạt được là rất quý giá. Bởi với thời kỳ công nghệ 4.0 hiện nay thử hỏi còn mấy người khiếm thị chúng mình chịu khó ngồi tỉ mỉ đọc rồi viết ra chữ nổi? Tôi chắc rằng còn khá ít. Bởi ngoài những sự hạn chế của chữ nổi ra thì sự nhanh chóng, tiện lợi của công nghệ đã là những lực hút cực lớn khiến người mù dần rà rời xa chữ nổi. dòng chữ tạo nên bước nhảy vọt cho người mù từ đêm tối mịt mùng, bay ra miền sáng tri thức rộng lớn...Đó cũng là tiếng gọi thân thương mà người Thầy, người sáng tạo Luis Braille luôn gọi chúng ta. Bởi nhiều sự tiện dụng, nhiều yếu tố chủ lẫn khách quan khiến cho người mù ít dùng chữ nổi. Nhưng có những công việc chúng ta không thể không sử dụng chữ nổi.

Đơn cử với bản thân tôi. Nửa năm dạy học trên nền tảng Zoom, tham gia thuyết trình cũng như làm diễn giả và làm MC cho những chương trình hàng trăm người. việc sử dụng chữ nổi Braille đã làm nên sự tự tin, đồng thời cũng khẳng định thương hiệu lẫn nhân hiệu bản thân trong quá trình tham gia hội nhập với cộng đồng. Vì chữ nổi là chỗ dựa, là điểm tựa vững chắc giúp tôi tự tin thuyết trình trôi chảy, lưu loát, chuyên nghiệp trước bao người theo dõi qua nền tảng zoom. Cùng với đó, Chữ nổi còn giúp cho anh, chị, em thành viên dàn Hợp ca Hy vọng chúng tôi kiêu hãnh cất lên những lời nguyên bản của hơn 20 bản Quốc Ca của các sứ quán nước ngoài mà không hề e ngại, Đấy, chữ nổi là vậy đấy các bạn ạ!

Miên man vậy để thấy rằng, chữ nổi muôn đời vẫn là một công cụ hữu ích cho người mù. Với những thí sinh chắc hẳn, đều cùng một cảm nhận giống tôi. Tinh thần hăng say, cống hiến đã lôi cuốn anh, chị, em thí sinh chúng tôi qua 3 phần thi nhanh gọn và rất nhẹ nhàng. Mặc dù phần công bố kết quả giải thưởng diễn ra đúng  lúc 12H trưa, nhưng không ai thấy đói, thấy mệt. Sự hồi hộp, tinh thần cống hiến vẫn ngùn ngụt, bốc lửa trong trái tim mỗi thí sinh.

Ảnh: Đ/c Lê Trung Quyết - Chủ tịch HNM Hà Nội trao giải nhất cho các thí sinh

Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải 3 và các giải khuyến khích tới các thành viên.

Những chàng pháo tay, những lời chúc mừng từ các đồng chí lãnh đạo Thành hội,  của  Ban tổ chức vàcác thí sinh trao tặng nhau cho tôi có cảm nhận đây là một ngày hội gặp mặt, phần giải thưởng là phần điểm cho cuộc gặp mặt mặt ấy trở nên thú vị hơn mà thôi.

Từ ngàn xưa, cha ông ta đã truyền lại cho con cháu câu ca dao:

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ, khăng khăng đợi thuyền”.

Cho dù máy tính, điện thoại thông minh đã dần tách chữ nổi xa chúng ta. Nhưng 6 chấm nổi diệu kỳ ấy vẫn là tài sản vô giá, sẵn sàng âm thầm đồng hành với chúng ta cho đến trọn đời.

Nguyễn Văn Hùng - HNM Phú Xuyên