Sáng 23/8, Hội Người mù huyện Chương Mỹ tổ chức lớp tập huấn sử dụng cây gậy trắng và trao tặng 20 cây gậy trắng cho người Khiếm thị trên địa bàn huyện.

Lớp tập huấn sử dụng cây gậy trắng

Theo kế hoạch, lớp tập huấn sẽ diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 23 đến ngày 25/8. Đây là một trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày cây gậy trắng 15/10, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Người mù thành phố Hà Nội. Là dịp để các học viên trao đổi những kinh nghiệm, để sử dụng thành thạo kỹ năng thao tác độc lập phục vụ đi lại làm việc và sinh hoạt hàng ngày.

Bà Chu Thị Thu Hà-Phó Chủ tịch HNM thành phố Hà Nội chia sẻ việc sử dụng cây gậy trắng

Bà  Chu Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội đã về dự và trực tiếp chia sẻ một số nội dung cơ bản của việc sử dụng cây gậy trắng, định hướng không gian di chuyển, vấn đề liên quan đến chức năng phục hồi. Bà Chu Thị Thu Hà nhấn mạnh, cây gậy trắng – biểu tượng của người Khiếm thị, là người bạn vô cùng thân thiết để người Khiếm thị và người mù có thể di chuyển thuận tiện và thuận lợi hơn trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, giúp người Khiếm thị tự tin hơn trong hành trình hòa nhập với xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau. bà mong rằng: Qua hội nghị này, các học viên có thể chủ động hơn trong việc đi lại, tự tin hơn khi ra đường với cây gậy trắng mà không cần đến sự hỗ trợ của người thân..

Ngay sau đó, thầy giáo Nguyễn Trung Thái đã hướng dẫn các học viên sử dụng cây gậy trắng đúng cách hiệu quả như: các thế tay an toàn, hướng di chuyển, thế tay cầm cây gậy và cách vượt qua các chướng ngại vật...Qua đó, giúp người Khiếm thị nâng cao nhận thức về cây gậy trắng và ý nghĩa quan trọng của cây gậy trắng đối với người khiếm thị; Trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng cây gậy trắng cho người khiếm thị.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thái hướng dẫn các học viên sử dụng gậy trắng

Với niềm vui khó diễn tả trên khuôn mặt, em Lan Anh xã Phú Nghĩa chia sẻ: Ngày đầu tham gia lớp tập huấn, em cảm thấy rất khó vì vừa phải nghe giáo viên nói, vừa hình dung và thực hành các động tác khác nhau. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo, được thực hành trong không gian thực tế, em có thể tránh những lỗi cơ bản mà mình hay mắc phải. “Trong quá trình thực hành, em được hướng dẫn các kỹ thuật sử dụng gậy lúc di chuyển, cách tránh chướng ngại vật…Dù chỉ được tập huấn trong thời gian ngắn, nhưng em cảm thấy việc đi lại của bản thân có thể dễ dàng hơn trước, những lúc đi lại hoặc đi ra đường một mình em đỡ sợ hơn trước”.

Trong thời đại 4.0 có rất nhiều các thiết bị công nghệ hiện đại để hỗ trợ người Khiếm thị trong sinh hoạt, học tập và công tác. Tuy nhiên, có một vật dụng rất đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết trong cuộc sống của người Khiếm thị mà cho đến nay chưa có một phương tiện, thiết bị hiện đại nào có thể thay thế đó chính là cây gậy trắng

 

                            

               Thanh Vân

(Trung tâm Văn hóa - TT&TT)